Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 1/8 bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây đập, nạo vét sông Mekong, nói rằng các hoạt động của Bắc Kinh trên dòng sông này cho thấy một "xu hướng đáng lo ngại".
Hãng tin AP trích lời Ngoại Trưởng Mỹ lên tiếng tại Bangkok hôm thứ Năm 1/8, trong một cuộc họp với các vị đồng cấp đến từ các nước ven sông Mekong gồm: Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã tụ tập tại thủ đô của Thái Lan để dự hội nghị thường niên các Ngoại Trưởng ASEAN diễn ra trong tuần này ở Bangkok.
"Chúng ta đã thấy một loạt công trình xây đập ở thượng nguồn, thâu tóm quyền kiểm soát dòng chảy ở hạ lưu sông", ông Pompeo nói. "Mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất tính từ một thập kỷ- một vấn đề gây ra bởi quyết định của Trung Quốc, chặn nước lại tại các đập ở thượng nguồn. Trung Quốc còn có kế hoạch đặt mìn và nạo vét lòng sông, đồng thời tiến hành các cuộc tuần tra sông ngoài phạm vi lãnh thổ của họ."
Ngoại trưởng Mike Pompeo còn cảnh báo về "một nỗ lực nhằm xây dựng các quy tắc mới do Bắc Kinh chỉ đạo để quản lý sông Mekong", mà nếu không bị cản trở, sẽ giúp Bắc Kinh chiếm đoạt vai trò của Ủy hội Sông Mê Kông.
Theo AP, Trung Quốc đã xây 10 con đập ở thượng lưu sông Mekong, dọc theo một đoạn sông dài trên lãnh thổ Trung Quốc mà họ gọi là Lan Thương giang. Tại đây, Trung Quốc đang tìm cách nạo vét sông và san bằng các ghềnh thác để các tàu chở hàng lớn có thể qua lại.
Giới chỉ trích từ lâu đã cảnh giác rằng những hành động như vậy có thể gây gián đoạn và tác động tai hại tới môi trường sinh thái và kinh tế của các nước hạ nguồn.
Dài gần 3.000 km, thứ 12 trên thế giới, Sông Mê Kông là một dòng sông thiết yếu cho Đông Nam Á, nơi hơn 60 triệu người lệ thuộc vào dòng sông và các nhánh sông này để sinh kế. Sông Mekong xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua nhiều nước Đông Nam Á trước khi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.
Gần đây, dòng sông trở thành một nguồn gây căng thẳng trong khu vực do những lo ngại về số lượng các dự án thủy điện ngày càng tăng đang làm thay đổi dòng chảy của sông, đe dọa hệ sinh thái và kế sinh nhai của người dân ở hạ nguồn.