Đường dẫn truy cập

Mỹ lên tiếng về phóng sự điều tra của VOA, chỉ trích Nga và nhắc nhở Việt Nam


Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington

Việc Nga mượn tay Việt Nam trục xuất những kiều dân Nga phản đối chiến tranh ở Ukraine “đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và “không tương thích với sự tôn trọng nhân phẩm,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một bình luận về phóng sự điều tra mà VOA Tiếng Việt đăng tải gần đây, đồng thời nhắc nhở Việt Nam tôn trọng nguyên tắc không hoàn trả người về nơi mà họ có thể bị tổn hại.

Phóng sự điều tra của VOA hé lộ ít nhất ba trường hợp công dân Nga cư trú ở Việt Nam bị các cơ quan đại điện ngoại giao của Nga ở nước sở tại yêu cầu trục xuất vì họ có những phát biểu lên án cuộc xâm lược toàn diện của nước họ nhắm vào Ukraine hoặc chỉ trích chính phủ Nga. Nó làm nổi bật mức độ quyết liệt của nỗ lực của Điện Kremlin nhằm bóp nghẹt những biểu hiện phản đối chiến tranh của một số công dân Nga ngay cả khi họ đang ở ngoài nước.

Những vụ việc này cũng cho thấy sự hợp tác của Việt Nam trong việc thực thi ý chí chính trị của Nga trên lãnh thổ của mình và bằng lực lượng chấp pháp của mình. Công an sử dụng các biện pháp gây áp lực và đe dọa để buộc những người Nga này phải hợp tác, khơi ra những câu hỏi về cách thức mà Việt Nam áp dụng luật pháp của chính mình cũng như sự tôn trọng các điều ước quốc tế mà Hà Nội đã kí tham gia.

Những trường hợp mà VOA tìm hiểu dường như là những vụ đàn áp kiều dân Nga đầu tiên được biết tới tại Việt Nam liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine. Không rõ có những trường hợp nào khác nữa không bị yêu cầu trục xuất hoặc đã bị trục xuất.

“Những hành động của Nga tìm cách cưỡng bức hồi hương công dân Nga sống ở nước ngoài bằng những căn cứ mang động cơ chính trị đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, làm suy yếu an ninh toàn cầu và không tương thích với sự tôn trọng nhân phẩm,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một email gửi cho VOA bình luận về các vụ việc xảy ra ở Việt Nam vào năm ngoái và đầu năm nay.

“Chúng tôi kêu gọi các nước tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và đảm bảo sự nhất quán với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, chẳng hạn như tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, nhân quyền và các quyền tự do căn bản.”

“Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các quốc gia mở cửa biên giới cho các cá nhân tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế. Bộ đã và tiếp tục nhắc nhở các chính phủ tôn trọng nguyên tắc quốc tế là không hoàn trả người về nơi mà họ có thể bị tổn hại và các cam kết đối với Hiến chương Liên Hợp Quốc.”

Bộ Ngoại giao Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của VOA bình luận về phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước đó, những email của VOA gửi đến nhà chức trách Nga và Việt Nam đặt câu hỏi chi tiết về ba trường hợp công dân Nga bị yêu cầu trục xuất cũng không nhận được phản hồi.

Phản ứng về bài phóng sự điều tra, một nhà ngoại giao của một nước Châu Âu tại Hà Nội khi được VOA tiếp cận nói những vụ việc này là một “diễn biến đáng lo ngại” nếu được xác nhận. Nhưng ông nói thêm rằng đại sứ quán của nước ông không thể bình luận về một sự việc không can hệ đến nước của họ.

Bộ Ngoại giao của Canada, nước cung cấp sự bảo hộ tị nạn cho một công dân Nga được nhắc tới trong bài phóng sự điều tra của VOA, xác nhận những nỗ lực vận động liên tục của mình tại Việt Nam nhằm thu hút sự ủng hộ dành cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.

“Canada tiếp tục ưu tiên việc vận động và chủ động tiếp cận ở Việt Nam để nêu bật sự quan trọng của hòa bình, sự ủng hộ dành cho Ukraine và những điều kinh hoàng từ hành vi gây hấn của Nga,” Grantly Franklin, phát ngôn viên của bộ nói trong một phát biểu gửi cho VOA qua email. “Canada thường xuyên nêu lên cuộc xâm lược phi pháp của Nga với các quan chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam.”

‘Ủng hộ ngầm’

Một cựu quan chức làm việc hàng chục năm tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và từng phục vụ trong Vụ Liên Xô và Đông Âu, khi nhận định về những trường hợp công dân Nga bị yêu cầu trục xuất khỏi Việt Nam, lưu ý một điều “trớ trêu” rằng nếu trước đây Liên Xô từng trợ giúp Việt Nam chống lại điều vẫn được mô tả là cuộc “chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ” thì giờ đây Việt Nam lại đang tiếp tay cho Nga đàn áp chính người dân của họ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược nhắm vào nước láng giềng.

“Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị [Tổng thống Nga Vladimir] Putin sai khiến, cùng toa rập với các thế lực độc tài, toàn trị, ra tay đàn áp những công dân Nga (tức là Liên Xô cũ trước đây), bách hại họ, chỉ vì những người này phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của nước Nga – Putin chống lại những người anh em Ukraine,” cựu quan chức này nói với VOA, yêu cầu được ẩn danh để có thể phát biểu thẳng thắn về một vấn đề nhạy cảm.

“Những hành động này cần đưa ra trước ánh sáng của công lý và luật pháp quốc tế, vạch rõ Việt Nam đã lách nội luật như thế nào, đã vi phạm các điều ước quốc tế ở những khoản nào, để thế giới dân chủ có bằng chứng lên án họ và bảo vệ những người vô tội,” cựu quan chức này, người cũng từng giảng dạy Luật quốc tế tại Học Viện Ngoại giao Việt Nam, nêu quan điểm.

Phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tuần này sẽ đến thăm Việt Nam, nơi ông dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức cao cấp hàng đầu tại Hà Nội trong một nỗ lực thúc giục Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Mỹ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược.

Dù việc nâng cấp này, nếu trở thành hiện thực, phản ánh sự phát triển vượt bậc trong mối quan hệ giữa hai nước thù địch thời Chiến tranh Việt Nam, nó vẫn thấp hơn cấp “chiến lược toàn diện” cao nhất mà Việt Nam dành cho mối quan hệ của họ với Nga. Sự định danh này đã quyết định thái độ và hành động của Việt Nam trong vụ đàn áp các công dân Nga phản chiến, theo giáo sư Alexander Vuving, một chuyên gia về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế của Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Mỹ.

“Việt Nam không phải là một quốc gia pháp trị mà là một quốc gia trị bằng pháp,” ông nói với VOA. “Ở một quốc gia pháp trị, pháp luật đứng trên tất cả mọi người, nhưng trong một quốc gia trị bằng pháp, pháp luật là công cụ của chính phủ. Chính phủ sử dụng pháp luật để xúc tiến chính sách của mình.”

“Trong những trường hợp [công dân Nga bị trục xuất], chính phủ Việt Nam có lẽ cho rằng ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ với Nga quan trọng hơn việc tuân thủ các công ước quốc tế hoặc thậm chí là luật pháp trong nước,” ông nói thêm.

Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư nghiên cứu chính trị và các vấn đề an ninh Đông Nam Á tại Trường Chiến tranh Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng ở Washington, nói việc Việt Nam hợp tác giao nộp những người Nga bất đồng chính kiến là một cách để Hà Nội bù đắp cho việc họ không ủng hộ Nga “hết lòng” tại các cuộc biểu quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến ở Ukraine.

“Moscow rõ ràng không hài lòng với những phiếu trắng. Và với chỉ ba vụ này, Hà Nội hy vọng rằng con số này đủ nhỏ để không bị phát hiện và không thu hút quá nhiều sự chú ý của quốc tế,” ông đưa ra nhận định với VOA.

“Đối với một cường quốc tầm trung như Việt Nam, luật pháp quốc tế là nền tảng trong chính sách đối ngoại và an ninh của họ. Họ đang phá hoại điều đó bằng sự ủng hộ ngầm dành cho Nga,” ông nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG