Võ Ngọc Ánh
Việt Nam đang trở thành đối tác mới hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á trong việc đối phó với Trung Quốc.
Việt Nam và Mỹ khác biệt về hệ thống chính trị, không giống nhau trong nhận thức về nhân quyền, dân chủ… Tuy nhiên các khác biệt này không cản trở hai quốc gia từng là cựu thù xích lại gần nhau trước thách thức từ Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 7, ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm Việt Nam. Ngay sau khi ông Lloyd Austin về nước, Nhà Trắng tiếp tục thông báo vào cuối tháng 8 này, bà Kamala Harris, Phó tổng thống Mỹ sẽ đến Việt Nam.
Trong vòng một tháng có đến hai quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ thăm Việt Nam như một tín hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.
Việt Nam, một đối tác mạnh
Quan hệ Mỹ - Việt giờ đây không còn đơn thuần là đối tác thương mại. Hai quốc gia cựu thù đã tìm thấy ở nhau tiềm năng, nhu cầu an ninh lớn hơn thế.
Bởi đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực là Philippines không thực sự mạnh về tiềm lực quân sự như Việt Nam. Và Philippines cũng chưa có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc như người Việt Nam.
Mặt khác, ông Rodrigo Duterte, Tổng thống đương nhiệm của Philippines từ đầu nhiệm kỳ đến nay tỏ ra thân thiện, nhún nhường trước một Trung Quốc hung hăng, nhưng lại gay gắt, gây nhiều đảo lộn trong quan hệ đồng minh với Mỹ.
Trong khi đó những năm qua Việt Nam đã cho thấy là quốc gia cứng rắn với Trung Quốc hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Điều này có thể hiểu, trước sự hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia mất nhiều nhất về quyền lợi lãnh hải so với các nước trong khu vực.
Việt Nam và Mỹ đang giao thoa ở chủ quyền quốc gia và tự do hàng hải trước sự tham lam của Trung Quốc nên dễ dàng xích lại gần nhau.
Mỹ rõ ràng còn nhìn thấy sức mạnh bên trong ở Việt Nam, qua thái độ ngờ vực của đa số người dân Việt trước láng giềng phương Bắc với quá nhiều kinh nghiệm đau thương suốt chiều dài lịch sử.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng trong những quan hệ không đồng nhất với Trung Quốc giữa đa số lòng dân và “đồng chí” của hai đảng Cộng Sản.
Giữa hai đảng độc tôn cầm quyền là đồng minh ý thức hệ, đồng chí. Dù khó nói ra, nhưng nhiều người đang cảm nhận, Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn đảm bảo ngai cao cai trị ở Việt Nam ít nhiều phải trông vào đồng chí phương Bắc.
Mỹ không muốn vì Covid 19, Việt Nam rơi vào vòng tay Trung Quốc
Ngay trong đợt viếng thăm lần này, bà Kamala Haris đã thông báo tặng thêm cho Việt Nam một triệu liều vaccine phòng Covid, trong lúc Việt Nam đang đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm nhất từ đầu đến nay (và chỉ một ngày sau đó, lô vaccine đầu tiên đã được trao cho Việt Nam).
Việt Nam có thể đã bất ngờ trước đợt dịch thứ tư, và càng không thể lường trước sự lây lan rộng và khá căng như hiện nay do thiếu dự báo, các biện pháp chuẩn bị từ trước.
Tuy nhiên, khi biến thể Delta bắt đầu lây lan rộng tại nhiều quốc gia, Hoa Kỳ đã cảnh báo Việt Nam có thể đối mặt với sự khó lường của biến thể này.
Và như một sự chuẩn bị từ trước, Hoa Kỳ đã nhanh chóng viện trợ và bán vaccine cho Việt Nam.
Năm triệu liều vaccine được Mỹ viện trợ trực tiếp cho Việt Nam trong lúc chính quyền Hà Nội như nước sôi lửa bỏng trong chống dịch.
Cùng với đó hồi giữa tháng sáu, hãng dược BioNTech, Pfizer đồng ý bán cho Việt Nam 31 triệu liều vaccine phòng Covid 19 khi nguồn cung trên toàn cầu vẫn đang khan hiếm.
Một tháng sau Pfizer đồng ý bán thêm cho Việt Nam 20 triệu liều nữa.
Dù xuất phát chậm nhưng Việt Nam đã mua những đơn hàng vaccine với số lượng lớn, chất lượng.
Trước đó, so với nhiều quốc gia khác Việt Nam không thực sự đẩy mạnh việc săn tìm nguồn vaccine sớm, vì tin vào biệt pháp cách ly, truy tìm đã mang đến sự thành công cho đến khi đợt dịch thứ tư bùng phát hồi tháng 4.
Khó có thể không đặt câu hỏi, đây là những vụ mua bán thuần thương mại, hoặc y tế mà không có sự can thiệp chính trị từ chính phủ Mỹ. Bởi có rất nhiều quốc gia đang sẵn tiền, đặt hàng sớm để mua vaccine Pfizer mà không được. Pfizer vaccine ‘hot’ nhất trên thế giới trong phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid 19.
Mỹ giúp Việt Nam bởi không muốn trong cuộc chiến Covid 19 Việt Nam vì khó khăn chống dịch mà lại rơi vào quỹ đạo Trung Quốc.
Bởi Mỹ lo sợ nguồn cung vaccine phương Tây khan hiếm, Việt Nam bất đắc dĩ cũng phải cầu viện đến vaccine Trung Quốc đang dồi dào và luôn sẵn sàng cho Việt Nam. Dịch bệnh có thể đẩy Việt Nam vào thế không có sự chọn lựa. Từ đó, dễ bị Trung Quốc thao túng, khiến Hà Nội khó cứng rắn với Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh hải.
Sau dịch bệnh có thể Việt Nam sẽ chao đảo về kinh tế, chuỗi cung ứng sản xuất phải cần đến nguồn tài chính, nguyên vật liệu từ Trung Quốc để phục hồi sản xuất.
Mỹ giúp Việt Nam cũng là chọn cho mình một con đường xa có được một đối tác độc lập hơn trước Trung Quốc.
Việt Nam vẫn chơi trò đu dây về nhân quyền
Khác biệt lớn nhất của Việt Nam và Mỹ hiện nay là về nhân quyền, tự do, dân chủ.
Việt Nam cũng thấy được những lợi thế của mình trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Nên vừa hợp tác, nhưng Việt Nam xem ra chẳng mấy lưu tâm sự cảnh báo từ phía Mỹ khi sẵn sàng ra tay đàn áp tiếng nói đối lập.
Bởi Việt Nam hiểu được, Mỹ không vì sự khác biệt này mà đánh đổi chiến lược toàn cầu. Việt – Mỹ, dù khác nhau mục đích nhưng có chung địch thủ.
Cho nên, nhân quyền vẫn được nêu ra như là điều phải nói, thỏa mãn yêu cầu chính trị hơn một đòi hỏi phải đạt được.
Việt Nam cũng khó vì bà Phó tổng thống Mỹ mà ân xá cho các tù nhân chính trị trong dịp quốc khánh 2/9 tới. Xưa nay quốc gia Cộng Sản này không có thói quen ân xá tù nhân chính trị trong các dịp lễ lớn như các loại tù nhân khác.
Thực tế lúc này dân chủ, nhân quyền khó có thể là vấn đề trọng tâm so với đối phó đại dịch; “vấn đề Trung Quốc” đang nóng hơn.
Sự thiếu mạnh mẽ, hành động thực tiễn, cảnh báo từ Mỹ cho chính quyền Việt Nam sẽ còn là thời kỳ đen tối của phong trào dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Người viết bài này từng tin vấn đề này sẽ thay đổi khi thời đại Donald Trump kết thúc. Tuy nhiên, gần 8 tháng sau khi Joe Biden vào Nhà Trắng, tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn chưa có chút khởi sáng.
Trung Quốc đang làm cho Mỹ - Việt xích lại gần nhau, bất chấp những khác biệt về dân chủ, nhân quyền.