Tuy các mối quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản bị căng thẳng vì những vụ tranh chấp liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và các vấn đề lịch sử, hai nước sẽ thực hiện lại những cuộc thảo luận về an ninh trong tuần này. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, những cuộc thảo luận này không phải là dấu hiệu cho thấy hai nước đang giải quyết những mối bất đồng mà chỉ là một sự thừa nhận là họ cần hợp tác với nhau để ngăn chận mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cuộc họp giữa các giới chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao của Nam Triều Tiên và Nhật Bản là cuộc đối thoại an ninh cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong vòng hơn 5 năm.
Ông Baek Seoung Joo, Thứ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên, nói rằng cuộc họp diễn ra ở nước ông sẽ tập trung vào mục tiêu cải thiện sự chia sẻ thông tin tình báo để đánh giá và ngăn chận những vụ thử nghiệm phi đạn mà Bắc Triều Tiên đang thực hiện mỗi ngày một nhiều và sự phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Baek Seoung Joo nói rằng Nam Triều Tiên và Nhật Bản chia sẻ và duy trì những giá trị chính trị và quyền lợi quốc gia. Ông nói thêm rằng an ninh và ổn định của khu vực Đông Bắc Á đang bị đe dọa bởi hoạt động phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên và những chính sách phiêu lưu quân sự của Bình Nhưỡng.
Mặc dầu vậy, hội nghị an ninh song phương này, cũng như hội nghị tay ba hồi gần đây của các vị ngoại trưởng của Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc, không có nghĩa là Seoul và Tokyo đang tiến gần hơn tới chỗ giải quyết những mối bất đồng.
Quan hệ giữa hai đồng minh chính của Mỹ ở Á châu này đã bị căng thẳng vì những vấn đề chủ quyền và lịch sử.
Cả hai đều có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo mà người Triều Tiên gọi là Dokdo và người Nhật gọi là Takeshima, đang do Seoul kiểm soát.
Hồi tuần trước dân chúng Nam Triều Tiên lại một lần nữa cảm thấy tức giận khi họ được tin là sách giáo khoa mới ở Nhật Bản cho rằng quần đảo đó thuộc về Nhật Bản mà không đề cập gì tới vụ tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Nhưng tình cảm bài Nhật thật sự ở Nam Triều Tiên phát xuất từ điều mà nhiều người Triều Tiên cho là những mưu toan của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và những đồng minh của ông nhằm hạ thấp tầm quan trọng của những hành vi tàn ác trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị Nhật đô hộ từ năm 1910 cho đến khi thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945. Những vụ phản kháng của những người sống sót và những người ủng hộ cho khoảng 200.000 phụ nữ Á châu bị buộc làm nô lệ tính dục cho lính Nhật trong thời chiến đã góp phần làm gia tăng sự phẫn nộ của dân chúng Nam Triều Tiên đối với Nhật Bản.
Việc ông Abe đến thăm đền Yasukuni -- nơi thờ phượng liệt sĩ Nhật, trong đó có các can phạm tội ác chiến tranh, cùng với việc những người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nói rằng các an ủi phụ đã tự nguyện làm gái mại dâm, càng làm cho sự thể trở nên tệ hại hơn.
Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida, cho biết chính phủ ông muốn thông qua đối thoại để giải quyết những mối bất đồng với Nam Triều Tiên.
Ông Kishida nói Nhật Bản xem Nam Triều Tiên là nước láng giềng đáng quí nhất và hy vọng có thể xây dựng một mối quan hệ song phương nhiều mặt và hướng tới tương lai bằng cách kiên nhẫn làm việc để phát triển những mối quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã từ chối không chịu tham dự một cuộc họp chính thức mặt đối mặt với Thủ tướng Abe cho tới khi nào nhà lãnh đạo Nhật đưa ra một lời tạ lỗi có thể chấp nhận được và bồi thường cho các nạn nhân.
Thứ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết ông tham dự những cuộc họp định kỳ với người tương nhiệm phía Nhật Bản chỉ để bàn về mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Ông nói quan hệ song phương không thể cải thiện cho tới khi nào Nhật Bản thật tâm hối lỗi.
Thứ trưởng Baek Seoung Joo nói nếu chính phủ Nhật Bản chứng tỏ một thái độ đúng đắn và một sự hiểu biết đúng đắn, các nước láng giềng có thể hồi phục sau chấn thương này, và điều đó rốt cuộc sẽ có ích cho chính phủ, nhân dân và tương lai của Nhật Bản.
Nhiều người dự kiến thủ tướng Abe sẽ đề cập tới những vấn đề này khi ông đến thăm Washington và đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ vào cuối tháng này.