Đường dẫn truy cập

Tranh cãi về vấn đề an uý phụ trong chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đi thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đi thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này

Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ vào cuối tháng này, người ta trông đợi ông sẽ nhân cơ hội này để đáp lại những yêu cầu trong khu vực đòi một lời xin lỗi công khai về những hành vi tàn ác của Nhật Bản trong thời chiến. Nhưng xét đến cách thức phát biểu mới nhất của ông Abe được đón nhận ở Nam Triều Tiên thì không có điều gì ông có thể nói để làm hài lòng những người hoài nghi trong khu vực. Thông tín viên VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.

Trước khi thực hiện chuyến đi Washington, Thủ tướng Abe đã đề cập đến vấn đề an úy phụ, con số trên 200.000 phụ nữ ở châu Á đã bị buộc làm nô lệ tính dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Washington Post, ông Abe nói điều chủ yếu là ông lấy làm đau lòng khi nghĩ đến sự đau khổ mà những người là nạn nhân bị buôn bán phải gánh chịu.

Song lời lẽ của ông của ông đã không có tác dụng mấy trong việc xoa dịu bà Ahn Seon-mi, thuộc Hội đồng Triều Tiên tranh đấu cho Phụ nữ bị Nhật Bản bắt làm nô lệ tính dục, một tổ chức đại diện cho các An úy phụ còn sống sót, mà tất cả nay đã trên 90 tuổi.

Bà Ahn Seon-mi nói họ nghĩ là có một ý định được che giấu khi sử dụng từ ‘mua bán người’ trong các nhận định bất chợt của ông Abe, nhắm mục đích hạ giảm tầm quan trọng của vấn đề bằng cách che giấu bản chất của nô lệ tính dục.

Ông Abe đã kêu gọi lòng ái quốc và chủ nghĩa dân tộc để được hậu thuẫn chính trị trong nghị trình bao gồm việc diễn dịch lại bản hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản để đảm nhận một vai trò quân sự tích cực hơn trong khu vực và các chính sách kinh tế tự do mậu dịch bảo thủ hơn.

Nhưng ông cũng khơi ngòi cho sự căm phẫn của công chúng ở Nam Triều Tiên và Trung Quốc khi ông đi thăm một ngôi đền tử sĩ Thế chiến thứ hai gây nhiều tranh cãi trong đó phụng thờ một số tội phạm chiến tranh.

Các nhận định của những người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản nói rằng các an úy phụ không bị cưỡng bách mà tham gia một cách tự nguyện vào ngành mại dâm, và một giới chức trong nội các nói rằng chính phủ có thể thay đổi bản Tuyên bố của ông Kono năm 1993 đưa ra những lời cáo lỗi và hối hận đối với các an úy phụ lại làm tăng thêm căng thẳng.

Ông Tsuneo Watanabe, một chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại của Quỹ Tokyo, nói rằng phần lớn những chỉ trích xuất phát từ một số người chuyên đả kích Thủ tướng, và một số lập luận của những người ủng hộ ông, không tiêu biểu cho quan điểm của ông Abe:

“Đôi khi Thủ tướng Abe bị hiểu lầm là một người được gọi là theo chủ nghĩa xét lại lịch sử. Tôi không cho rằng Thủ tướng Abe là như thế và lập trường của ông rất rõ ràng.”

Thủ tướng từng nói rằng ông sẽ bảo vệ bản Tuyên ngôn Kono năm 1993, cũng như bản Tuyên bố của ông Murayama năm 1995 đã xin lỗi về thiệt hại và đau khổ do Nhật Bản gây ra trong thời Thế chiến thứ hai, và bản Tuyên bố của ông Koizumi năm 2005 nói rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ theo con đường chiến tranh nữa.

Theo ông Watanabe, khi phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, Thủ tướng nên minh định lập trường của ông và có thể quy tụ hậu thuẫn của Hoa Kỳ để làm giảm nhẹ căng thẳng trong khu vực về quá khứ thời chiến của Nhật Bản:

“Và điều rất quan trọng là phải chia sẻ những cảm nghĩ này với dân chúng Mỹ. Tôi cho rằng đó là điều rất quan trọng bởi vì người Mỹ rất có ảnh hưởng đối với các nước láng giềng của Nhật Bản trong khu vực.”

Nhưng bà Ahn Seon-mi nói ông Abe nay đã mất hết tín nhiệm.

Bà nói đây không phải là lần đầu tiên ông Abe nói ông sẽ ủng hộ những tuyên ngôn. Tuy nhiên, bà nói nó không thể đem lại niềm tin tưởng bởi vì ông đã cho thấy các hành động trái ngược với những gì ông tuyên bố.

Tuy nhiên, vẫn có một số tiến bộ đạt được để giải quyết những lời than phiền này. Các vị ngoại trưởng của Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên mới đây đã họp mặt lần đầu tiên trong 3 năm để thảo luận vấn đề này và những vấn đề khác gây chia rẽ trong nhóm.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye cũng đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe một khoảnh khắc ngắn trong khi dự lễ quốc táng nhà lãnh đạo quá cố Lý Quang Diệu của Singapore. Tin cho hay hai nhân vật này đã thảo luận việc tiến hành thêm các biện pháp để giải quyết những bất đồng về các vấn đề lịch sử này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG