Bùi Văn Phú
Giải Túc cầu Thế giới đang diễn ra ở Nga từ một tháng qua và sẽ kết thúc vào Chủ Nhật 15/7 này, khi đội tuyển Pháp và đội tuyển Croatia gặp nhau tranh vô địch World Cup 2018.
Ba mươi hai đội banh từ khắp các châu lục đã tranh tài trong bốn tuần lễ qua, với nhiều bất ngờ. Đức, đương kim vô địch và đã bốn lần đoạt giải World Cup nhưng năm nay phải khăn gói rời nước Nga sau vài trận đầu là điều gây ngạc nhiên cho giới hâm mộ bóng đá. Rồi Spain, Brazil, Uruguay là những nước đã từng đoạt cúp, cũng lần lượt xách vali ra về để lại nước Croatia bé nhỏ, mới ra đời hơn hai thập niên, vào chung kết đối đầu với Pháp, từng đoạt cúp.
Thật là một mùa thi đấu nhiều kịch tính khiến giới cá độ bàn vui với nhau là mùa World Cup này đã có nhiều vụ “nhảy cầu, nhảy lầu” sau những trận tranh tài.
Thế giới nơi nào hồ hởi, náo nhiệt với World Cup chứ nước Mỹ vẫn bình yên trải qua những ngày hè nắng nóng ở miền Đông và cháy rừng lan toả ở miền Tây. Môn thể thao này chưa nóng lên được ở đây, dù Mỹ đã tham gia trên 60 năm. Trước đây, để nâng tầm bóng đá Mỹ một đội banh New York đã mướn Pélé về làm huấn luyện viên và một đội banh ở Los Angeles cũng đã mướn Beckham về chơi nhưng đội tuyển Mỹ vẫn loanh quanh vòng ngoài World Cup.
Bốn năm trước, đội tuyển Mỹ qua được vòng loại nên không khí bóng đá ở vùng Vịnh San Francisco cũng có phần hồ hởi hơn. Trước cửa Toà Thị chính San Francisco đã có dựng màn hình lớn chiếu trực tiếp những trận có đội tuyển Mỹ và nhiều nghìn người đã tụ họp để xem.
Năm nay chưa có trận nào được trực tiếp truyền hình như thế. Tuy nhiên, dự kiến sáng Chủ Nhật này màn hình sẽ được dựng lên trước toà thị chính để những người hâm mộ bóng đá xem trận chung kết giữa Pháp và Croatia.
Hôm tuần qua, đi ăn trưa ở khu Little Saigon trên đường Larkin, San Francisco thấy các quán đều bật ti-vi trận đấu vòng tứ kết giữa Brazil và Bỉ nên khách cũng chú ý hơn. Nhiều trận khác diễn ra lúc 7 hay 8 giờ sáng ở California nên không tiện cho người xem.
World Cup 2006 tôi đang đi chơi vùng Ngũ Đại Hồ ở miền Đông Bắc Mỹ. Nơi đây có đông người gốc châu Âu như Anh, Ái Nhĩ Lan, Đức, Ba Lan nên không khí bóng đá cũng khá vui nhộn. Các quán ăn vào giờ trưa đông khách theo dõi các trận đấu trực tiếp qua truyền hình và nhiều lúc cũng reo hò trước những đường banh hay cú sút đẹp mắt. Trên phố du lịch Magnificient (Michigan Street) của thành phố Chicago còn thấy những bích chương quảng cáo cho World Cup.
Không khí World Cup 2018 nhìn chung ở vùng Vịnh San Francisco yên lặng. Ngay khu vực San Jose có đông người gốc Việt và gốc Mỹ Latinh nhưng cũng không náo nhiệt, ồn ào.
Những ngày đầu với đội tuyển Mexico thi đấu nên sân vận động San Jose có màn hình lớn chiếu trực tiếp. Không đông khán giả đến xem, chừng đôi ba trăm. Nếu so với các trận vô địch bóng rổ mới diễn ra hơn một tháng trước, với đội Warriors của Oakland, California tranh chức vô địch với đội Cavaliers của Cleveland, Ohio, đã có hàng vạn người đến sân vận động Colliseum xem trực tiếp truyền hình khi trận đấu diễn ra ở bang Ohio.
Người Mỹ vẫn mê bóng bầu dục, bóng chầy, bóng rỗ chứ chưa mê bóng đá, dù đội bóng đá nữ của Hoa Kỳ đã nhiều lần đoạt giải vô địch World Cup nữ.
Năm 1994 World Cup được tổ chức tại Mỹ, nhiều trận diễn ra trên sân cỏ của Đại học Stanford ở vùng vịnh San Francico nhưng cũng không gây được không khí náo nhiệt, sôi động trên đường phố.
World Cup 1994 còn đọng lại trong trí nhớ của tôi với trận đấu giữa Mỹ và Columbia mà tuyển thủ Andres Escobar đá ngược banh vào khung thành của Columbia đưa đến kết quả Hoa Kỳ thắng trận đó. Khi về nước Escobar đã bị một ủng hộ viên tức giận bắn chết. Tuy thắng ăn may, năm đó Hoa Kỳ vẫn đứng chót trong số 32 đội tuyển.
Qua World Cup 1998 có trận gặp mặt giữa Hoa Kỳ và Iran trên sân cỏ. Các nhà bình luận hy vọng qua bóng đá quan hệ hai nước sẽ có bước tiến trong quan hệ, như kiểu ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thể thao và chính trị trong trường hợp này không đưa đến những quan hệ tốt đẹp hơn. Mỹ và Iran ngày nay vẫn coi nhau như kẻ thủ và quan hệ vẫn đóng băng, tuy có lúc ấm lên chút chút dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Xa hơn nữa về quá khứ, năm 1986 khi đó tôi đang làm việc trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á, tin tức về World Cup được đồng bào chú ý lắng nghe qua các làn sóng phát thanh BBC hay VOA. Vì điều kiện sinh sống trong trại không có những thông tin cập nhật về thể thao nên khi đứa em trai từ Việt Nam viết thư xin tôi một tấm hình khổ lớn của Maradona, không rõ em có viết tên sai hay tôi đọc nhầm và hiểu sai, tưởng em tôi muốn hình ca sĩ Madonna đang nổi tiếng thời bấy giờ. Khi ra Singapore tôi đã mua tấm hình cô ca sĩ, bỏ hộp gửi về cho em. Vài tuần sau gói bưu phẩm bị trả lại với ghi chú: loại hàng bị Việt Nam cấm cho nhập vào.
Những ngày còn ở quê nhà, tuy không phải là dân nghiền thể thao nhưng thỉnh thoảng Chủ Nhật tôi cùng bạn ghé vào sân vận động quân đội, cạnh Bộ Tổng Tham mưu, coi những trận đá giao hữu. Qua đài phát thanh tôi biết đến những cầu thủ có tiếng của nền túc cầu Việt Nam Cộng hoà thời đó như Tam Lang, Rạng, Trung đầu hói và nhất là những buổi tường thuật trực tiếp từ sân cỏ của ký giả Huyền Vũ với giọng ngân dài “dôôô…” khi có banh vào khung thành, như những ký giả nói tiếng Tây Ban Nha ngày nay kéo dài chữ “gôôô…lờ” bất tận khi tường thuật trực tiếp World Cup.
Tôi đã có dịp sống ở nhiều nơi và nhận ra rằng môn thể thao bóng đá được khắp thế giới ưa chuộng, từ châu Phi qua châu Âu, đến châu Á, Nam Mỹ. Có lẽ vì môn này không đòi hỏi sân chơi đúng kích thước, không tốn nhiều tiền. Một em bé ở nước nghèo, nếu thích thì bất cứ vật gì hình cầu cũng có thể trở thành quả bóng đá và khung thành chỉ cần hai cục đá, hai ống lon hay hai cái áo, cái quần là đủ.
Tám năm nữa, năm 2024, World Cup sẽ trở lại Hoa Kỳ, lần này trong liên hiệp với các nước Bắc Mỹ gồm Canada và Mexico. Không biết đến khi đó, không khí bóng tròn ở Mỹ có sẽ nóng lên được chút nào không.
Năm nay, với nhiều trận ngựa về ngược, tôi bắt đội Croatia thắng Pháp 2-1. Nếu thua, tôi ra cầu Golden Gate tham quan và hóng mát.