Đường dẫn truy cập

‘Cuội’ không chỉ một ‘chú’ mà tới… cả đàn!


Lại thêm một bằng chứng cho thấy cam kết chống tham nhũng, phòng ngừa thất thoát công sản là hứa… cuội.

***

Từ khi thuật ngữ PPP (hợp tác công tư) trở thành phổ biến tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) - một trong những kiểu PPP - nở rộ như nấm sau mưa.

Tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức BT (doanh nghiệp tư nhân thiết kế, tổ chức thi công, khi hoàn thành thì giao công trình cho chính quyền) vẫn được ví von là “đổi đất lấy hạ tầng”, vì hệ thống công quyền dùng công thổ, công thự thanh toán cả vốn lẫn lãi cho danh nghiệp tư nhân đảm nhận vai trò nhà đầu tư.

PPP vốn là phương thức hữu hiệu để phát triển hạ tầng khi nguồn tiền trong công khố có hạn. Tuy nhiên khác với thiên hạ, khi áp dụng PPP nói chung và BT nói riêng, Việt Nam không tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp tư nhân có năng lực tài chính và năng lực thiết kế - thi công tốt nhất.

Khi áp dụng PPP nói chung và BT nói riêng, hệ thống công quyền Việt Nam thường xuyên chọn - chỉ định doanh nghiệp tư nhân nào đó làm nhà đầu tư.

Cách nay hai năm, tại một hội thảo về những vấn đề có liên quan đến đầu tư theo hình thức BT, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định, BT đã trở thành “mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng”. Hệ thống công quyền thường định giá công thổ, công thự rất thấp khi giao cho các doanh nghiệp tư nhân được chính hệ thống này chọn làm nhà đầu tư.

Lúc đó, chỉ kiểm tra 22 dự án phát triển hạ tầng được thực hiện theo hình thức BT, KTNN đã phát giác, hệ thống công quyền nhiều nơi đã định giá những mảnh đất, công thự mà họ đem ra hoán đổi với các doanh nghiệp tư nhân do chính họ chọn làm nhà đầu tư, thấp hơn giá trị thực khoảng… 3.800 tỉ đồng (1)!

Chưa kể thay vì chỉ giao công thổ, công thự khi công trình hoàn tất và kết quả nghiệm thu cho thấy công trình đạt các yêu cầu về thời gian thi công, chất lượng thì hệ thống công quyền lại thường xuyên giao công thổ, công thự cho nhà đầu tư lúc công trình… khởi công! Đó cũng là lý do các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức BT vừa trễ về thời hạn, vừa kém về chất lượng!

Bởi đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BT diễn ra như thế suốt hai thập niên, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu cứ tiếp tục ồ ạt “đổi đất lấy hạ tầng”, quỹ đất sẽ cạn, công thổ, công thự ở những vị trí đắc địa sẽ… mất sạch. Do sự thúc ép của dư luận, cả Quốc hội lẫn chính phủ Việt Nam cùng “nhất trí”, tạm ngưng thực hiện các dự án BT chờ hướng dẫn mới...

***

Tuần trước, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP, đặt định các yêu cầu trong việc sử dụng công sản để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT.

Nghị định vừa kể sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm nay và được các viên chức hữu trách quảng bá là sẽ giúp “chấm dứt tình trạng hệ thống công quyền chỉ định doanh nghiệp đảm nhận vai trò nhà đầu tư – thực hiện các dự án BT” qua đó “chấm dứt những băn khoăn lâu nay về việc thất thoát công thổ, công thự để thanh toán cho các dự án BT” (2).

Tuy nhiên nghe vậy chứ đừng… tưởng vậy! Đó không phải là ý kiến của kẻ viết bài này. Đó là nhận định của những người am tường cả lịch sử lẫn thực trạng PPP tại Việt Nam.

Chẳng hạn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn vừa có một bài, nhấn mạnh, “Quy định mới về dự án BT: Tưởng đấu giá mà không phải vậy” (3).

Nói vắn tắt, “điểm mới” của Nghị định 69/2019/NĐ-CP - đang được quảng bá rộng rãi - là dùng kết quả đấu thầu xác định giá trị của dự án BT. Song “điểm mới” ấy vẫn được đặt trên nền tảng “ngang giá” (giá trị công thổ, công thự được hoán đổi phải ngang với giá trị công trình).

Bởi “ngang giá” theo kiểu cũ vẫn còn là… nguyên tắc nền, thành ra nếu nhà đầu tư chủ động đề nghị đổi công trình có giá trị tương đương công thổ, công thự mà họ muốn thì không cần tổ chức đấu thầu, hệ thống công quyền vẫn có thể xem rồi gật hay lắc. “Điểm mới”- tổ chức đấu thầu - chỉ áp dụng với những dự án BT do hệ thống công quyền khởi xướng. Chỉ như thế thì rõ ràng là chẳng có gì mới.

Mặt khác, tuy Nghị định 69/2019/NĐ-CP yêu cầu đấu thầu các dự án BT nhưng vì rất chung chung, thiếu chi tiết cho nên sẽ phải chờ “Thông tư” hướng dẫn. Điều đó chẳng khác gì tình trạng Luật Quản lý - sử dụng tải sản công: Đã có hiệu lực từ 1/1/2018 nhưng chưa có… hướng dẫn nên hệ thống công quyền chưa… thi hành và nay… vận dụng Nghị định 69/2019/NĐ-CP như “kim chỉ nam” đối với các dự án BT!

***

Công sản vẫn tiếp tục được hệ thống công quyền chủ động cắt “hộ khẩu”, cho thay đổi nơi thường trú. Dù Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam ban hành vô số luật, nghị định, thông tư, rồi thề thốt, cam kết, giới thiệu đủ kiểu, vẽ ra đủ cách để trừng phạt hối mại quyền thế, ngăn chặn sự liên kết giữa các viên chức hữu trách với một số cá nhân, một số nhóm, lũng đoạn quốc gia, bòn rút công sản nhưng công sản vẫn lũ lượt đổi chủ.

Đâu chỉ có tùy tiện lựa chọn – chỉ định nhà đầu tư vào các dự án PPP (BOT, BT,…). Ngay cả tổ chức đấu thầu cũng vẫn thế, vẫn tanh tưởi!

Tháng trước, công chúng sửng sốt khi chính quyền nhiều tỉnh gọi thầu cung cấp nhang đèn, bánh kẹo nhân dịp “Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ” trị giá một vài tỉ. Nhà thầu thắng tất cả các gói thầu loại này ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,… là Công ty Bảo Hưng.

Theo điều tra của báo điện tử Gia Đình, vài năm gần đây, Công ty Bảo Hưng liên tục thắng thầu. Các cuộc đấu thầu ấy đều… đúng pháp luật: Có thông báo gọi thầu, lần nào cũng có vài doanh nghiệp tranh thầu và Công ty Bảo Hưng luôn luôn trội nhất vì các đối thủ hoặc “chưa đăng ký với Hệ thống Đấu thầu Quốc gia”, hoặc bị “cấm đấu thầu”.

Tuy luôn luôn thất bại trong tranh thầu nhưng các doanh nghiệp như Công ty Phúc Thành, Công ty Thanh Phong, Công ty In Hà Nội, Công ty 24H Pharma,… vẫn thay phiên nhau nộp hồ sơ tham dự tất cả các cuộc đấu thầu do nhiều Sở LĐTBXH ở miền Bắc tổ chức để… tranh với Công ty Bảo Hưng (4).

Trong một báo cáo về tình hình đấu thầu năm 2017 gửi Thủ tướng Việt Nam, Bộ Kế hoạch – Đầu tư gọi tình huống như vừa kể là “thông thầu” (các doanh nghiệp dự thầu dàn xếp với nhau, hoặc phía mời thầu dàn xếp với nhà thầu). Đó là một trong những lý do khiến càng ngày, hoạt động đấu thầu càng phát sinh nhiều vấn nạn (5).

Cách nay khoảng hai thập niên, “thông thầu” đã được nhận diện là gian lận, phải trừng trị thích đáng nhưng giống như chỉ định thầu, dẫu gây ra tác hại nhiều mặt cho kinh tế, xã hội, vấn nạn chỉ định thầu càng ngày càng trầm kha. Tại sao? Cứ nhìn Nghị định 69/2019/NĐ-CP sẽ thấy, theo thời gian, số lượng “Cuội” ở Việt Nam không giảm mà chỉ tăng!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/chi-dinh-thau-du-an-bt-la-dat-mau-cho-tham-nhung-20171019140924645.htm

(2) https://vnexpress.net/kinh-doanh/bo-tai-chinh-se-khong-con-du-an-bt-nhan-dat-di-ban-cham-ban-giao-cong-trinh-3968959.html

(3) https://www.thesaigontimes.vn/td/292964/quy-dinh-moi-ve-du-an-bt-tuong-dau-gia-ma-khong-phai-vay.html

(4) http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-sao-cong-ty-bao-hung-lien-tiep-trung-nhieu-goi-thau-mua-sam-banh-keo-o-cac-tinh-voi-tong-gia-tri-len-toi-hang-tram-ti-20190802154755773.htm

(5) https://tuoitre.vn/69-goi-thau-qua-chi-dinh-thau-nhieu-thong-thau-quan-xanh-quan-do-20181127162949285.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG