Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay Hàn Quốc, tôi vẫy một chiếc taxi để chở tôi cùng bạn mình về chỗ nghỉ ngơi. Tài xế là một người đàn ông khoảng chừng 50 tuổi. Ông đứng loay hoay một lúc để xem xét chỗ để hành lý của hai đứa, nhưng với lượng va li khá nhiều và cồng kềnh, ông quyết định gọi thêm 1 chiếc taxi nữa để cùng chở. Người tài xế thứ hai cũng trạc tuổi với mái tóc hoa dâm. Thực ra lúc đó tôi không có lấy làm lạ lùng cho lắm vì cũng khá mệt mỏi, sau một thời gian ở đây, tôi mới nhận ra các tài xế lái xe taxi đều cỡ tuổi 50 đến 60, hoặc hơn thế.
Với vốn tiếng Hàn ít ỏi của mình, tôi bập bẹ vài câu giao tiếp với một số người tài xế. Những người đàn ông này thường là đã nghỉ hưu, có gia đình con cái trưởng thành cả, nhưng vẫn muốn đi làm thêm để kiếm tiền tiêu lặt vặt, để gom góp đi du lịch hoặc đơn giản là muốn chạy xe loăng quăng gặp gỡ mọi người. Có lẽ cũng bởi muốn ủng hộ họ, chính phủ cũng như dân Hàn cũng không cởi mở với các dịch vụ taxi phi quốc gia đang rất phổ biến tại nhiều nước trên thế giới như Uber, Grabtaxi. Khi tôi hỏi một số bạn trẻ về những dịch vụ như vậy, họ đều ngơ ngác.
Ở Hàn, độ tuổi nghỉ hưu chính thức là 60. Tuy nhiên theo trang JobKorea, tuổi về hưu trung bình của người Hàn rơi vào khoảng 50 đến 54 tuổi, hầu hết lý do nghỉ việc đều là: “Thấy đã đến lúc phải nghỉ việc rồi.” Vậy nhưng họ vẫn cứ năng nổ làm đủ mọi công việc xã hội khác. Đến bể bơi sẽ thấy cơ man là các “bà cô già” đứng quầy bán vé, hoặc làm nhân viên vệ sinh cọ rửa phòng thay đồ, thu xếp khăn tắm. Công việc khá thảnh thơi, vừa làm vừa tán gẫu với khách, hoặc hứng lên thì cũng đi tắm, vào phòng xông hơi ngồi “relax.” Đi vào siêu thị, những người đứng quầy tính tiền cũng toàn người ở độ tuổi trung niên.
Vào các lớp học đại học ở Hàn cũng thấy người già đi học rất nhiều. Họ đến lớp đều đặn và tích cực tham gia khóa học. Trong các buổi thảo luận, các cô các chú phát biểu đóng góp ý kiến liên tục. Những trường hợp như thế này tôi cũng gặp tại nhiều lớp học ở Mỹ. Họ tham gia với tư cách như một học viên, có tên trong danh sách lớp và đóng tiền đầy đủ. Có người chỉ ngồi lắng nghe ghi chép, có người cũng trao đổi kiến thức với giáo sư luôn tại lớp.
Ngày trước cùng lớp học Nhiếp ảnh với tôi có bà Susan, một hướng dẫn viên tình nguyện tại vườn quốc gia của thành phố. Bà học chả với mục đích bằng cấp gì, chỉ đơn giản là thích thú đi chụp hình cây cỏ hoa lá tại khu vườn vậy thôi. Lâu lâu gửi vài tấm đi dự mấy cuộc thi thiên nhiên hoang dã. Ấy thế mà cứ đến cuối tuần là lại thấy Susan ngồi “mọc rễ” trong phòng máy tính cả ngày, chăm chỉ học chỉnh sửa ảnh bằng các phần mềm. Tôi bắt chuyện vì bà hay ngồi trúng cái máy quen thuộc của tôi.
Nói thật tôi thấy cũng kỳ lạ, có vẻ như tại các nước phát triển, việc nghỉ hưu như mở ra một con đường mới mẻ (hoặc hồi xuân). Họ tận dụng cơ hội làm những việc mình thích, học những điều chưa được học. Trong một cuộc phỏng vấn với hơn 1.000 nhân viên văn phòng đã nghỉ hưu, trong đó có câu hỏi “Nghỉ hưu anh/chị sẽ làm gì?”. Có 32.2% người đồng ý với câu trả lời”Bắt đầu công việc cá nhân mới như tự kinh doanh”. Tiếp đến là “Làm những gì mình thích” hoặc “Thi lấy các chứng chỉ, tìm kiếm con đường học vấn chuyên môn.” (Theo trang Thông tin Hàn Quốc.)
Khi tìm hiểu về những thông tin như vậy, tôi cảm thấy rất thú vị. Người Hàn với thói quen cần cù chăm chỉ từ khi còn trẻ, đến lúc về già, mặc dù tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, họ cũng không chịu ngồi yên nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống. Họ cứ năng nổ, đi chỗ này làm chỗ nọ như một người trẻ tràn đầy hoài bão. Ừ đấy, vậy nên đất nước người ta mới phát triển với tốc độ chóng mặt như thế. Nhưng ngồi ngẫm thêm, chẳng phải ở xứ Việt mình, người già cũng như thế hay sao? Cũng tận tâm tận tụy và năng nổ với đời, cố gắng kéo dài tuổi hưu để tiếp tục công việc, có cụ đến 72 tuổi vẫn sẵn sàng lao tâm khổ tứ hy sinh thời gian thảnh thơi, dành trọn đam mê và sức lực để cống hiến. Ấy thế sao vẫn chưa đủ đà để đẩy mạnh đất nước lên “sánh vai với các cường quốc năm châu?” Liệu có phải rằng người già xứ mình, năng nổ chưa đúng cách?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.