Ở Việt Nam, người ta có thể nhìn ra rõ ràng là không chỉ ‘tân chủ tịch nước’ Nguyễn Phú Trọng - với phát ngôn bất hủ ‘đất nước có bao giờ được như thế này!’ - là chóp bu tham vọng quyền lực duy nhất, mà bên cạnh đó và rất có thể đang mong ngóng được kế thừa cái ghế ‘hoàng đế’ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sản xuất xuống, doanh nghiệp ‘chết’ nhưng GDP vẫn tăng mạnh!
Tại kỳ họp quốc hội khai mạc tháng Mười năm 2018, một lần nữa trong nhiều lần, thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ và ‘mỗi tỉnh là một đầu tàu kinh tế’ lại tiếp tục tung ra nhưng thành tích quá đỗi ấn tượng cho ‘chính phủ kiến tạo’ của ông ta: dự kiến chỉ số tăng trưởng tổng sản quốc nội (GDP) trong năm 2018 sẽ tiếp tục 6,7%, tương đương với thành tích đã lập được vào năm 2017.
Đã thành một thói ‘gật’ ăn sâu vào não trạng, cả nghị trường lặng thinh ngơ ngáo trước bài diễn văn hùng hồn, đầy số liệu và thành tích của đại biểu Nguyễn Xuân Phúc. Không một cánh tay nào giơ lên phản bác thành tích đó.
Và cũng đã thành một thói quen chiến thuật, ‘vũ khí’ chủ yếu của ông Phúc để tác chiến trên chính trường Việt Nam luôn là tỷ lệ tăng trưởng GDP cao ngất cùng toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà chính phủ không thể không đạt được.
Nhưng về thực chất, GDP của Thủ tướng Phúc là ‘tăng trưởng ổn định’ hay rơi vào suy thoái?
GDP được cấu thành chủ yếu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh của ba thành phần kinh tế tại Việt Nam (khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh).
Một sự thể trớ trêu và phản dội là trùng với thời điểm Thủ tướng Phúc say sưa nghiêng ngoẹo với những con số thành tích của mình trước gần 500 mái đầu ngoan ngoãn trong quốc hội, một bản báo cáo vào tháng Mười năm 2018 của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố đã phải thừa nhận rằng nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9%, đạt 4.908 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, đạt 33.646 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% đạt 4.855 tỷ đồng).
Trước đó khi năm 2017 trôi qua, chính Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phải đánh giá rằng thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
Mặc dù Uỷ ban Tài chính - Ngân sách không nêu cụ thể thực trạng ‘thấp hơn’ là bao nhiêu, nhưng một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80 -85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.
Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra ‘Kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng 7,31% GDP’ - gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2017 và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo?
Chưa hết. Cũng vào tháng Mười năm 2018, những số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong quý III/2018 là 96.611, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại nhiều bất thường, với 24.501 doanh nghiệp, tăng 76%. Tính chung 9 tháng kể từ đầu năm, có 73.103 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 48,1%. Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp ‘chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới.
Tình trạng tham nhũng trong hệ thống thủ tục ‘hành là chính’, thiếu đầu ra và quá dễ phá sản là những nguồn cơn khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với các chương trình khuyến mãi cho vay vốn của ngân hàng, trong tình trạng ngân hàng đang thừa mứa tiền không tiêu thụ được - hệ lụy của nạn in tiền quá nhiều từ Nhà máy In tiền quốc gia của Ngân hàng nhà nước và hình ảnh cơ suy thoái kinh tế Việt Nam đã kéo sang năm thứ 10 kể từ năm 2008. Nhiều doanh nghiệp vẫn không thể quên được vào năm 2011 họ đã phải vay ngân hàng với lãi suất cắt cổ lên đến 25 - 30%/năm (chưa kể phí ‘bôi trơn’), để sau đó không ít doanh nghiệp đã coi đó là thuốc độc mà ngân hàng bắt họ phải uống.
Thật rõ ràng, không thể có một nền kinh tế tăng trưởng liên tục và tăng trưởng mạnh đến gần 7%/năm của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ mà tỷ lệ doanh nghiệp ‘chết’ lại cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp mới ra đời!
Phương pháp thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam là ‘có vấn đề’ hay về thực chất là ‘thống kê chính trị’ theo chỉ đạo của chính Thủ tướng Phúc nhằm phục vụ cho những mục đích tô hồng cá nhân của ông ta?
Vì sao ‘nợ công giảm còn 61,4% GDP’?
Cũng tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, Nguyễn Xuân Phúc - quan chức thủ tướng bị dư luận đánh giá là còn ‘nổ’ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, đã khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP - tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn trên là 65% GDP.
Nhưng có thực như vậy không?
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Đó là nguồn cơn vì sao Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017 - lại cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, dù loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.
Điều trớ trêu là vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ: “Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần”.
Đó là lần đầu tiên ông Phúc tỏ ra cám cảnh thật sự trước tình cảnh ‘đổ vỏ’ của mình cho đời thủ tướng trước là Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí sau đó ít lâu, ông Phúc còn thốt ra một tán thán khác ấn tượng không kém: ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’.
Tuy nhiên từ đó đến nay, Thủ tướng Phúc đã im bặt mà không còn bất kỳ lời thú nhận thực nào về cảnh nạn khốn khó của ngân sách và nợ công nữa. Thay vào đó, quan chức này đi nhiều địa phương mà gần như ở đâu cũng được ban tặng là ‘đầu tàu kinh tế của cả nước’ - một thủ thuật chính trị mà dư luận chẳng khó gì để nhìn ra ngay động cơ của ông Phúc muốn vận động sớm cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021.
Chỉ có điều, những cuộc vận động của Thủ tướng Phúc có thể chẳng nên cơm cháo gì. Cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 vừa được sáp nhập với cái ghế chủ tịch nước bởi một tác giả duy nhất: ‘Hoàng đế Nguyễn Phú Trọng’.