Đường dẫn truy cập

Người Mỹ mất người thân vì Covid-19: Nỗi đau khôn nguôi


Một linh mục nắm tay một bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời trong khi nói chuyện với thân nhân người mất qua điện thoại ở bệnh viện Providence Holy Corss ở Los Angeles
Một linh mục nắm tay một bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời trong khi nói chuyện với thân nhân người mất qua điện thoại ở bệnh viện Providence Holy Corss ở Los Angeles

Nhiều người Mỹ, trong đó có người gốc Việt, mất người thân vì dịch virus corona phải chịu đựng nỗi mất mát không gì bù đắp và nỗi thương nhớ khôn nguôi, theo tìm hiểu của VOA, trong lúc nước Mỹ vừa bước qua cột mốt bi thảm là nửa triệu người đã chết vì dịch bệnh.

Trong bài diễn văn mặc niệm và chia buồn với những người Mỹ đã mất người thân hôm 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Rất nhiều người trong số các nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng trong đơn độc ở Mỹ.”

Con số nửa triệu người chết là lớn hơn số dân của Miami, Florida, hay Kansas, Missouri. Nó gần bằng số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam cộng lại. Nó giống như thảm họa ngày 11/9 diễn ra hàng ngày trong suốt gần sáu tháng.

Trong những tuần gần đây, số ca tử vong vì virus corona mỗi ngày đã giảm từ mức hơn 4.000 hồi đầu tháng 1 xuống trung bình dưới 1.900 người mỗi ngày sau khi chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ được triển khai cấp tập.

‘Không muốn ra đi’

Cách nay ba hôm, bà Quách Kim Kim ở thành phố Santa Ana, Quận Cam, bang California, vừa lo xong hậu sự cho chồng là Ca sỹ Quốc Anh, một ca sỹ quen thuộc trong cộng đồng người Việt hải ngoại vừa qua đời vì Covid-19 hôm 29 tháng Chạp khi chỉ còn 1 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Đến giờ, bà ‘vẫn còn rất đau’, người quả phụ này nói với VOA qua điện thoại. Bà mô tả cảm giác cô đơn mỗi khi đi làm về nhà và nỗi đau khi nhớ lại những lúc vui buồn có nhau với người chồng quá cố.

Bà kể lại cảm giác mỗi khi nhìn đồ vật trong nhà: “Tôi rớt nước mắt. Tim tôi nhói.”

Hai vợ chồng ca sỹ Quốc Anh đã chung sống với nhau được 15 năm mặc dù không có con chung ‘nhưng rất hạnh phúc’, theo lời bà Kim Kim, và bà ‘rất được chồng thương yêu’.

“Lúc ổng còn sống, tuần nào cũng dẫn tôi đi tiệc tùng, đi hát hết, vui lắm,” bà Kim nói. “Mỗi khi tôi đi làm về, ổng chạy ra mở cửa rồi kêu tôi nghỉ đi, ngồi nói chuyện đã chứ đừng làm gì hết.”

Theo lời bà Kim thì lúc chồng bà trút hơi thở cuối cùng, bà được bác sỹ gọi vào để nhìn chồng qua lớp kính chứ không được tiếp xúc trực tiếp. Lúc đó, bà nói, ca sỹ Quốc Anh ra đi ‘mà chưa nhắm mắt hẳn, còn mở he hé’.

“Tôi nhìn ông ấy thấy như ông ấy đang nhìn tôi vậy. Tôi khóc quá trời. Tôi nghĩ là chắc ổng chưa muốn ra đi,” bà Kim nói.

Lúc đó bà chỉ khóc và gọi ‘anh ơi, anh ơi’ thôi chứ ‘không nói được gì, cũng theo lời người góa phụ này. Do khóc nhiều mà đến này bà đã sụt hơn 3kg, bà nói.

Bà cho biết trước lúc bị dính virus corona, ca sỹ Quốc Anh là người rất lạc quan, yêu đời, ‘rất ham sống’. “Tại vì số phần phải ra đi thôi,” bà than thở và nói bà ‘tiếc quá trời’ vì Mỹ vừa triển khai chích ngừa thì chồng bà lại mắc bệnh.

Từ lúc vô nhà thương cho đến khi ra đi là 4,5 tuần rưỡi, bà cho biết. Trong hai tuần đầu, ông còn rất tỉnh táo gọi điện thoại, nhắn tin cho bà. Nhưng sau khi ông được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) cho đến ngày ông ra đi thì hai vợ chồng không còn nói được với nhau lời nào nữa.

‘Do đi cà phê với bạn’

Theo lời bà thì trong đợt bùng dịch hồi mùa xuân năm ngoái, ca sỹ Quốc Anh rất kỹ lưỡng. Ông ở nhà luôn trừ những lúc ra ngoài tập thể dục vì bản thân mắc nhiều bệnh nền như tiểu đường, huyết áp.

“Tôi dặn ổng phải cẩn thận vì bên ngoài người ta bệnh chết quá trời. Ổng cũng ngoan lắm, không có ra đường,” bà kể. “Nhưng đến đợt bùng dịch thứ hai này không biết làm sao mấy người bạn ổng cứ gọi phone cho ổng mỗi ngày hỏi ‘dậy chưa, ra chơi’.”

“Tôi can nhưng ổng không nghe. Ổng nói ở nhà nhiều quá thì buồn,” bà nói thêm. “Đi về cũng được mấy ngày thấy ổng lạ lạ, mệt mệt thì tôi thấy nghi rồi”.

Sau đó, bà mới biết trong nhóm bạn đi uống cà phê với ca sỹ Quốc Anh có một người chơi đàn ngồi gần nói chuyện với ông ‘bị nhiễm Covid vô nhà thương chỉ hai tuần sau là mất’.

“Ổng nói tôi ‘Em ơi, anh khó thở’ rồi qua ngày hôm sau ổng ho dữ lắm. Tôi kêu ông ấy đi bác sỹ nhưng bác sỹ không nhận, còn kêu đi nhà thương thì ổng không chịu. Ổng sợ chết lắm,” bà nói và cho biết ca sỹ Quốc Anh cố chịu thêm hai ngày nữa rồi mới gọi 911 khi bà đang đi làm, không có ở nhà.

Kể từ đó, tinh thần bà ‘đảo lộn’. Mỗi năm vào những ngày Tết, ông thường chở bà đi chợ Tết. “Năm nay tôi ra đó ngồi khóc,” bà nói.

Sau khi tang lễ xong xuôi, hiện giờ tro cốt của ca sỹ Quốc Anh đã được gửi ở nhà chùa và hai năm sau bà Kim sẽ đem ra biển rải, theo lời bà. Bà nói ‘nhiều lúc bà muốn quên nhưng nước mắt cứ trào hoài’.

“Nếu không phải vì Covid thì ông ấy sẽ không mất,” bà nói. “Ông ấy còn khỏe, còn hát hay lắm, còn giữ gìn sức khỏe dữ lắm.”

Bà nói bà ‘xúc động’ trước sự quan tâm của Tổng thống Joe Biden đã nghĩ đến và chia buồn với những gia đình người Mỹ mất người thân vì Covid-19.

‘Có thể là bất cứ ai’

Ở bang Idaho, nhiều tuần lễ sau khi bà Cindy Pollock bắt đầu cắm những lá cờ nhỏ trên sân nhà bà – mỗi lá cờ tượng trương cho một nạn nhân trong số hơn 1.800 người dân Idaho chết vì Covid-19, hai người phụ nữ mà bà chưa từng quen biết nhấn chuông cửa trong nước mắt ràn rụa. Họ đang muốn tìm một nơi để tưởng nhớ người chồng và người cha họ vừa mới mất.

“Tôi chỉ muốn ôm chặt họ,” bà cho biết “Bởi vì đó là tất cả những gì tôi có thể làm.”

“Rất khó để cho tôi nghĩ ra một người Mỹ nào đó không biết ai đó đã qua đời hoặc có một người thân đã qua đời vì Covid-19,” ông Ali Mokdad, giáo sư về các chỉ số sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, nói với hãng tin AP. “Chúng ta chưa thực sự hiểu hết đại dịch tồi tệ như thế nào, tàn phá như thế nào đối với tất cả chúng ta.”

“Tôi chưa bao giờ ngờ rằng anh ấy sẽ không vượt qua được. Tôi rất tin tưởng vào anh ấy,” cô Nancy Espinoza, người có chồng là anh Antonio đã nhập viện vì COVID-19 vào tháng trước, nói với AP.

Cặp vợ chồng này ở Hạt Riverside, bang California. Họ đã bên nhau từ thời trung học. Họ cùng đi theo nghiệp y tá và cùng tạo lập một gia đình. Vào ngày 25/1, Nancy được nhà thương gọi đến để nhìn mặt Antonio lần cuối. Khi ra đi, Antonio mới 36 tuổi và để lại một đứa con trai 3 tuổi.

“Hôm nay là chúng tôi. Và ngày mai có thể là bất kỳ ai,” cô Nancy nói.

Vào cuối mùa thu năm ngoái, 54% người Mỹ cho biết họ biết ai đó đã chết vì hoặc nhập viện vì COVID-19, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Con số người chết đã tăng gần gấp đôi kể từ đó, với dịch lan rộng ra ngoài các khu đô thị đông bắc. Các bang tây bắc bị tấn công vào mùa xuân năm ngoái và đến lượt các thành phố Vành đai Ánh dương ở phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề hồi mùa hè năm ngoái.

Khi một giáo sư được trọng vọng ở một trường cao đẳng cộng đồng ở Petoskey, bang Michigan, qua đời vào mùa xuân năm ngoái, người dân rất thương tiếc, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của nguy cơ dịch bệnh, Thị trưởng John Murphy được AP dẫn lời nói. Tuy nhiên, thái độ của người dân đã thay đổi vào mùa hè sau khi một gia đình địa phương tiệc tùng trong kho chứa cỏ. Trong số 50 người tham dự, 33 người bị nhiễm bệnh. Ba người đã qua đời, ông cho biết.

“Tôi nghĩ nhìn từ xa, mọi người sẽ nghĩ rằng ‘nó sẽ không đụng đến tôi được’,” Murphy nói. “Nhưng theo thời gian, thái độ đã thay đổi hoàn toàn từ ‘Tôi sẽ không bị đâu. Chỗ của tôi sẽ không bị đâu. Tôi đâu có già quá đâu’ đến ‘dịch bệnh là nguy cơ hiển hiện’.”

Đối với ông Anthony Hernandez, người quản lý nhà quàn Emmerson-Bartlett ở Redlands, California, cơ sở của ông đã quá tải với các nạn nhân COVID-19. Ông cho biết những cuộc nói chuyện khó khăn nhất đối với ông là khi ông không thể có câu trả lời, khi ông cố gắng an ủi những người mẹ, những người cha và con cái đã mất người thân.

Nhà quàn của ông thường chỉ có từ 25 đến 30 tang lễ trong một tháng, nhưng hồi tháng 1 đã phải tổ chức 80 đáM tang. Ông đã phải giải thích với một số gia đình rằng họ sẽ phải đợi vài tuần mới có thể chôn cất người thân được.

VOA Express

XS
SM
MD
LG