Trong khi mọi người đang đua nhau đi hành hương, đi trẩy hội, đi du xuân trong những ngày đầu năm Tết Ất Mùi, một thanh niên từ phía Bắc đơn độc khởi hành chuyến đi bộ xuyên Việt để quyên sách tặng người nghèo.
Đó là cuộc hành trình có một không hai của anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng hệ thống thư viện dân sự ‘Sách hóa Nông thôn Việt Nam’, một chàng trai bị hỏng mắt nhưng nhiều năm nay đã phấn đấu hiện thực hóa ước mơ khai sáng dân trí, xóa mù tri thức cho các cộng đồng nông thôn chiếm đa phần dân số Việt Nam.
Sau 8 năm áp dụng tại nông thôn, sáng kiến ‘Sách hóa nông thôn’ của anh Thạch đã giúp xây dựng hàng ngàn tủ sách các loại gồm Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách hậu phương-quê hương chiến sĩ, và Tủ sách lớp em tại nhiều địa phương từ Bắc chí Nam.
Từ năm 2010, anh đã đứng ra thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng, một tổ chức NGO được giám sát bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, và đã bỏ việc để có thể đảm nhiệm tất cả các khâu từ quản lý, vận động chính sách, truyền thông đến gây quỹ để quyên sách cho các vùng quê nghèo khó, dân trí thấp.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ nhà cách mạng thư viện trẻ tuổi trong lúc anh đang sải từng bước chân chinh phục chiều dài đất nước và trái tim của mọi người, kêu gọi sự ủng hộ của người Việt khắp nơi đóng góp mỗi tháng 1 cuốn sách cho chương trình ‘Sách hóa nông thôn’ để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu sách ở nông thôn trước năm 2017.
Nguyễn Quang Thạch: Tôi đã đeo đuổi chương trình Sách hóa nông thôn 18 năm nay. Từ năm thứ hai sinh viên, tôi đã xác định tôi sẽ trở thành một nhà cách mạng thư viện. Từ 1997, tôi đã nghiên cứu thiết kế ra các mô hình thư viện. Đến 2007, tôi đưa các mô hình đó vào áp dụng tại nông thôn trước khi chia sẻ với toàn xã hội. Trong quá trình làm có nhiều thành công ngoài dự kiến. Từ tháng 11/2011 tới nay, tôi áp dụng mô hình gây quỹ. Chính người dân địa phương ở Thái Bình tự góp tiền mỗi năm 50 ngàn để làm được hơn 30 ngàn quyển sách. Tôi đã vận động thành công ở cấp huyện và tỉnh. Cho nên, Tết này tôi muốn đi bộ xuyên Việt vận động ở cấp Bộ Giáo dục để họ ra chủ trương nhân rộng ra toàn quốc mô hình Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học. Chúng tôi kêu gọi phụ huynh mỗi năm góp 50 ngàn để mua sách bỏ vào tủ sách trong lớp học của con họ, tạo nền tảng tri thức nhân văn, nuôi dưỡng sáng tạo trong mỗi cá thể công dân Việt Nam để tạo thay đổi trong tương lai. Tôi tiếp tục kêu gọi khoảng 500 ngàn người Việt trong và ngoài nước góp cho chương trình chúng tôi mỗi tháng 1 cuốn sách tương đương 20 ngàn đồng để tôi thúc đẩy chương trình Sách hóa nông thôn nhắm đạt 300 ngàn tủ sách vào năm 2017. Mỗi trường tôi ủng hộ sách cho 2 lớp, sau đó người ta tự nhân lên.
Trà Mi: Đối tượng phục vụ là học sinh cấp nào trở lên?
Nguyễn Quang Thạch: Từ cấp 1. Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa sách vào trường mầm non để khuyến khích thầy cô giáo đọc sách cho các cháu.
Trà Mi: Nội dung sách tặng là giáo khoa, giáo dục, hay sách truyện các loại?
Nguyễn Quang Thạch: Tôi đưa sách nâng cao, chú trọng sách mang tinh thần hiện sinh, văn học phương Tây, Mỹ, Nhật nhưng loại bỏ sách Trung Quốc. Sách Trung Quốc toàn cổ vũ bạo lực, mưu hèn kế bẩn, chúng tôi không đưa vào cho học trò Việt Nam đọc. Từ nay trở đi, chúng tôi đưa sách tập làm nhà phát minh của phương Tây để học trò Việt nuôi dưỡng đam mê khoa học, kỹ năng và giá trị sống.
Trà Mi: Những đầu sách quyên tặng có nhất thiết là sách mới hay có thể là sách đã qua sử dụng?
Nguyễn Quang Thạch: Thông thường sách người ta tặng quá cũ. Cho nên, mấy năm nay, chúng tôi khuyến khích phụ huynh liên lạc với nhà sách để mua sách giá thấp. Tôi đề nghị các nhà sách giảm giá cho họ từ 30-50%. Chúng tôi cổ vũ mọi người tặng sách mới. Một phần quỹ chúng tôi quyên được thì chúng tôi mua sách mới hoàn toàn. Chúng tôi còn có các mô hình như Tủ sách Giáo xứ. Ở Thái Bình, tôi làm một tủ sách đầu tiên và người Công giáo tự nhân rộng. Sắp tới, tôi sẽ viết thư cho Tổng giám mục Giáo hội Việt Nam đề nghị nhân rộng Tủ sách giáo xứ ra toàn quốc để mỗi nhà thờ có một hệ thống thư viện. Khi người Công giáo khám phá tri thức thoải mái, tri thức nhiều cộng với đức tin lớn thì họ có thể làm được nhiều việc tốt. Còn mô hình Tủ sách dòng họ, các dòng họ đóng tủ, chúng tôi ủng hộ sách. Số tủ sách này giờ đây quá nhiều, không thống kê nổi. Với mô hình Tủ sách hậu phương-quê hương chíên sĩ, mỗi gia đình có vợ là giáo viên ở nông thôn, chồng đi quân đội, thì chúng tôi ủng hộ khoảng 100 đầu sách để cô giáo đấy cho học trò mình đọc.
Trà Mi: Tủ sách lớp em khác với Tủ sách phụ huynh thế nào?
Nguyễn Quang Thạch: Tủ sách lớp em dành cho khu vực miền núi. Nơi đó, cha mẹ học sinh không tự góp tiền mua được, sách do chúng tôi ủng hộ, nhà trường đóng tủ. Năm nay đi xuyên Việt, tôi bắt đầu chiến lược gây quỹ trên toàn cục. Tôi sẽ đặt các thùng ‘Chia sẻ trách nhiệm xã hội’ tại các doanh nghiệp, trường học. Tôi quan niệm xã hội này xấu có lỗi của từng cá thể, chứ không phải cứ đổ lỗi xã hội rổi không làm gì cả. Phải hình thành tự cường của người Việt, phải nắm tay nhau để xây dựng ra hệ thống thư viện.
Trà Mi: Vì sao anh nảy ra ý tưởng đi bộ quyên sách chứ không phải là một hình thức vận động nào khác?
Nguyễn Quang Thạch:: 2010 tôi đã đi xe gắn máy. Năm nay tôi đi bộ. Thông qua bước chân, sự kiên trì và tận tâm của mình để hàng triệu người dân Việt phải hành động thật sự. Một ông Thạch bị hỏng 1 mắt, bị gai đôi cột sống, giờ đi bộ xuyên Việt kêu gọi mọi ngừơi chung tay. Ngày đầu tiên tôi đã phát 270 cuốn sách ở Hồ Gươm và trứơc thư viện quốc gia. Dọc đường, đến mỗi tỉnh chúng tôi xây dựng khoảng 2 tủ sách. Tôi gửi sách qua bưu điện trước. Hôm đó, tôi chỉ tới trao và nói chuyện với học trò thôi.
Trà Mi: Đi bộ đội nắng đội mua trên một chặng đường quá dài, anh dự kiến hoàn tất chuyến đi trong bao lâu?
Nguyễn Quang Thạch: Hành trình hơn 100 ngày thôi mà giúp được hàng triệu trẻ có sách đọc vào năm 2017 là việc làm truyền cảm hứng cho xã hội. Ai cũng có thể làm được. Tôi phải hành động hết mình để tới khi bị hỏng cả hai mắt thì đã hoàn thành được sứ mạng của mình. Tôi thích đời sống của mẹ Theresa, ông Gandhi. Nhà tôi 3 thế hệ đã làm việc khuyến học. Tôi kế thừa truyền thống nâng cao dân trí để đất nước này được tôn trọng. Ông Gandhi ngày xưa đi bộ 387km, sau đó góp phần đưa độc lập lại cho Ấn Độ không tốn một viên đạn.
Trà Mi: Một mình anh, một cá nhân đơn lẻ, làm thế nào kêu gọi sự hưởng ứng của giới hữu trách và sự ủng hộ của người dân?
Nguyễn Quang Thạch: Bằng sự liêm chính và tận tâm, đó là sức mạnh của mọi thứ.
Trà Mi: Những nỗ lực của anh có nhận được sự hỗ trợ từ nhà chức trách như mong muốn hay chưa?
Nguyễn Quang Thạch: Ở cấp tỉnh và cấp Sở, như ở Thái Bình thì họ đã ủng hộ. Một đất nước 40 năm nay con trẻ không được đọc sách là quá muộn. Thư viện chậm đi 1 năm là đất nước chậm đi 10 năm. 12 năm học ở nhà trường, mỗi năm đọc 30 đầu sách tử tế thì chắc chắn đất nứơc này sẽ có hàng triệu công dân đẳng cấp. Phải nghĩ rằng nếu mình không làm cho đất nước mình giàu mạnh là một điều sỉ nhục. Sách vở sẽ giúp con người ta sáng tạo và tử tế, nhưng quan trọng nhất là nó còn nuôi dưỡng sự tự nhục trong mỗi cá thể, nhục khi đất nước nghèo, nhục khi đất nước thua lân bang.
Trà Mi: Vì sao anh hướng tới sách từ Châu Âu, Châu Mỹ. Thế còn sách nội
Nguyễn Quang Thạch: Đất nước mình rất yếu về khoa học, cho nên mình cần đưa trực tiếp các giá trị phương Tây vào.
Trà Mi: Còn về lĩnh vực nhân văn, con người? Việt Nam tự hào có nền văn hóa lâu đời, rất nhiều các tác phẩm văn chương, văn học. Vì sao anh không hướng tới các đầu sách nội địa?
Nguyễn Quang Thạch: Thời gian tới bọn tôi phải lọc cái đã. Các sách về tinh thần hòa giải như Trần Nhân Tông, chúng tôi sẽ cố gắng đưa về, hay như các bộ lịch sử về Lý Công Uẩn , Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt chẳng hạn. Tôi muốn đưa tinh thần nhân văn và các giá trị kích thích sáng tạo, dám nghĩ khác cho học trò để các em có nhận thức đa dạng, đa chiều, và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hơn.
Trà Mi: Anh có nghĩ trọng tâm nội dung Sách hóa nông thôn của mình hơi hướng Tây không?
Nguyễn Quang Thạch: Chúng ta cần phải đưa những thứ mới, hay ho vào, tạo các giá trị mới trong đời sống dân chúng để dần dần người ta chuyển hóa sang những thứ tử tế. Tính nhân văn và sáng tạo có trong mỗi cá thể thì nước mới mạnh được. Tôi cũng không muốn đưa tinh thần Trung Quốc nô lệ vào đầu người Việt như Tam Quốc chí chẳng hạn. Những truyện như An Dương Vương, khi đất nước bị ngoại bang xâm chiếm mà thần Kim Quy lại bảo ‘Giặc sau lưng’ để cha giết con, tạo ra tiềm thức huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt ở đất nước này. Những cái như thế phải bỏ. Truyện Tấm Cám chẳng hạn, là một chuyện ác, tôi không đưa về cho các em. Bây giờ mình làm thế nào để dân tộc này sau 50 năm phải có dàn tên lửa hạt nhân từ biên giới Lạng Sơn mới tốt. Mình mà không nâng cao dân trí hơn vài chục lần thì mình mất nước với Trung Quốc. Dân trí phải như Mỹ, Israel thì may ra thắng lại được sức mạnh của họ. Tôi là một ngừơi rất yêu dân chủ, tôi phải tìm cách để tạo ra các giá trị đấy.
Trà Mi: Với môi trường ở Việt Nam hiện nay, một người yêu dân chủ và tìm cách tạo ra tinh thần đó như anh, có gặp những thách thức, khó khăn nào chăng?
Nguyễn Quang Thạch: Không vấn đề gì. Tôi nói mọi người thay vì suốt ngày cứ chém gió trên mạng thì hãy đến các khu nhà trọ công nhân hướng dẫn họ học sách luật để hình thành tinh thần dân chủ thì hay hơn. Muốn làm việc tử tế để ảnh hưởng cộng đồng, trứơc hết phải gần xã hội, gần cộng đồng. Đó là lý do tôi bám trụ ở nông thôn rất nhiều năm để tìm các mặt cắt của xã hội. Cái xấu còn nằm trong văn hóa xã hội, tiềm thức cộng đồng. Thật ra xã hội Việt Nam ra như thế này là do bị ảnh hưởng của Khổng giáo quá nhiều: tính háo danh và muốn làm một chức quan để kiếm chác. Muốn thay đổi thật sự phải đưa vào tiềm thức của đất nước này đầu vào những sự tử tế, tinh thần hiện sinh của Châu Âu.
Trà Mi: Là người yêu dân chủ, các đầu sách của anh cho học sinh lớp lớn có chú trọng đưa kiến thức pháp luật, kiến thức dân chủ?
Nguyễn Quang Thạch:: Có hai loại dân chủ. Một là kiến thức dân chủ thực hiện. Hai là kiến thức tiềm ẩn trong các tác phẩm. Trong các truyện như Túp lều bọc có đầy các giá trị dân chủ. Mọi người đừng phơi bày ra theo kiểu người Việt ở nước ngoài. Chúng ta đừng quá thái quá, phải tìm hiểu cặn kẽ sự biến đổi ở trong nước. Các bạn kêu gọi các giá trị Mỹ, Châu Âu, nhưng các giá trị này phải chuyển hóa vào trong mỗi cá thể chúng ta. Phải có tri thức rồi tổng hợp, chuyển hóa các giá trị phù hợp với đặc tính đời sống cộng đồng của mình thì mới bền vững. Còn nếu theo kiểu áp đặt thì gây bất ổn. Khi nào ngừơi Việt ý thức được chia sẻ tri thức là tạo dựng đẳng cấp cho người Việt thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nơi nào có thư viện và có nhiều trẻ đọc sách thì nơi đó sẽ hình thành giá trị dân chủ, nhân văn, và phân biệt đẳng cấp sẽ dần dần mất đi.
Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.