Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 14/11 cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ tăng cường vị thế an ninh của mình ở châu Á nếu Bắc Kinh không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Trong cuộc họp kéo dài ba giờ đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung cũng có những lời lẽ mạnh mẽ về Đài Loan.
Tổng thống Biden, trong cuộc họp báo sau cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với ông Tập kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2021, cho biết hai bên đã nói chuyện thẳng thắn về nhiều vấn đề đang khiến mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Ông Biden nói không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và nói thêm rằng ông không nghĩ Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh nóng.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, ông Tập nói Đài Loan là “lằn ranh đỏ đầu tiên” không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
Ông Biden nói ông muốn đảm bảo với ông Tập rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi, tìm cách giảm căng thẳng đối với hòn đảo tự trị này. Ông nói với các phóng viên: “Tôi không nghĩ có bất kỳ âm mưu nào sắp xảy ra từ phía Trung Quốc nhằm xâm lược Đài Loan.”
Về Triều Tiên, ông Biden nói nếu Trung Quốc không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng thì Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Bắc Kinh đã tạm dừng một loạt các kênh đối thoại chính thức với Washington, bao gồm cả về biến đổi khí hậu và các cuộc đàm phán giữa quân đội với quân đội, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 vừa qua.
“Vấn đề Đài Loan là cốt lõi của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, và là ranh giới đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ,” Tân Hoa xã trích lời ông Tập Cận Bình.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chính phủ dân cử của Đài Loan bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này. Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ trong những năm gần đây khuyến khích Đài Loan độc lập.
Ông Biden cho biết hai bên đã thiết lập một cơ chế liên lạc thường xuyên hơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc để tiếp tục các cuộc thảo luận. “Tôi nghĩ chúng ta hiểu nhau,” ông nói.
Cười và bắt tay
Trước cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã mỉm cười và bắt tay nồng nhiệt trước quốc kỳ của họ tại một khách sạn trên đảo Bali của Indonesia, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Khối 20 (G20) vốn dự kiến sẽ đầy căng thẳng về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
“Thật tuyệt khi được gặp ông,” ông Biden nói với ông Tập khi choàng tay ôm ông Tập trước cuộc gặp.
Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã đưa ra một số chủ đề gai góc với ông Tập, trong đó có nêu lên sự phản đối của Hoa Kỳ đối với “các hành động ngày càng hung hăng và cưỡng ép” của Trung Quốc đối với Đài Loan, “các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Bắc Kinh và các hoạt động ở “Tân Cương, Tây Tạng, và Hong Kong, và vấn đề nhân quyền nói chung.”
Cả hai nhà lãnh đạo đều không đeo khẩu trang để tránh COVID-19, mặc dù các thành viên trong phái đoàn của họ có đeo.
Ông Tập nói trước cuộc gặp rằng mối quan hệ giữa hai nước không đáp ứng kỳ vọng toàn cầu và các tuyên bố sau đó phản ánh sự rạn nứt đang tiếp diễn.
“Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của Trung Quốc và nội bộ của Trung Quốc”, ông Tập nói, theo truyền thông nhà nước.
“Bất kỳ ai tìm cách tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ vi phạm lợi ích cơ bản của đất nước Trung Quốc.”
Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố sẽ kiểm soát Đài Loan và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm như vậy.
Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết họ hoan nghênh việc ông Biden tái khẳng định chính sách của Hoa Kỳ. “Điều này một lần nữa chứng minh đầy đủ rằng hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế,” văn phòng nói.
Quan hệ căng thẳng
Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nóng lên trong những năm gần đây do căng thẳng gia tăng về các vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, các tập tục thương mại của Trung Quốc và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với công nghệ Trung Quốc.
Nhưng các quan chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực âm thầm của cả Bắc Kinh và Washington trong hai tháng qua để sửa chữa quan hệ.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen trước đó đã nói với các phóng viên ở Bali rằng cuộc gặp nhằm mục đích ổn định mối quan hệ và tạo ra một “bầu không khí chắc chắn hơn” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Bà cho biết ông Biden đã nói rõ với Trung Quốc về những lo ngại an ninh quốc gia liên quan đến các quy định đối với các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ và đã nêu quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc.
Ông Biden và ông Tập từng điện đàm qua 5 cuộc điện thoại hoặc video kể từ tháng 1 năm 2021. Lần gặp mặt trực tiếp gần đây nhất là dưới thời chính quyền Obama khi ông Biden là phó tổng thống.
Chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia cho biết ông hy vọng cuộc họp vào ngày 15/11 có thể “mang lại những mối quan hệ đối tác cụ thể có thể giúp thế giới phục hồi kinh tế.”
Tuy nhiên, một trong những chủ đề chính tại G20 sẽ là cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ông Tập và ông Putin đã trở nên gần gũi hơn trong những năm gần đây, cùng bị phương Tây không tin tưởng. Nga-Trung tái khẳng định quan hệ đối tác chỉ vài ngày trước khi Nga xâm chiếm Ukraine. Nhưng Trung Quốc đã cẩn thận không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ vật chất trực tiếp nào có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước này.
Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia hôm Chủ nhật, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh “sự vô trách nhiệm” của các mối đe dọa hạt nhân, cho thấy Trung Quốc không thoải mái với lời lẽ hạt nhân của Nga, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Phương Tây đã cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi xâm lược nước láng giềng Ukraine vào tháng Hai năm nay. Ngược lại, Nga cáo buộc phương Tây có những lời lẽ “khiêu khích” về hạt nhân.
Diễn đàn