Đường dẫn truy cập

Ông Trump: Từ ‘kẻ ngoài cuộc’ thành ‘người định hình’ chính trị Mỹ


Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Một ngày trước khi rời Tòa Bạch Ốc vào năm 2021, ông Donald Trump đã thề sẽ tiếp tục là một thế lực trong nền chính trị Hoa Kỳ. “Phong trào mà chúng ta khởi xướng chỉ mới bắt đầu”, ông nói trong một video chia tay.

Những gì có vẻ như là suy nghĩ viển vông khi đó giờ đây nghe giống như một lời tiên tri.

Ông Trump rời nhiệm sở với tư cách là một nhân vật thất bại và bị cô lập, bị cấm trên mạng xã hội và bị những người Cộng hòa khác trong chính quyền của ông chối bỏ. Quốc hội, bị lung lay bởi cuộc tấn công của những người ủng hộ ông vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ, lúc đó đang chuẩn bị phiên tòa luận tội thứ hai chống lại ông.

Ông Trump, 78 tuổi, sẽ trở lại vị trí tổng thống trong nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1 năm nay với quyền lực hơn bao giờ hết. Ông đối mặt với ít rào cản hơn trong khi theo đuổi chương trình nghị sự phá vỡ chuẩn mực vốn đã làm đảo lộn Washington và gây lo ngại trên thế giới.

Ông từng là một nhà phát triển bất động sản, người có chức vụ dân cử đầu tiên là tại Tòa Bạch Ốc, và hiện có thể được coi là nhân vật chính trị tiêu biểu của đầu thế kỷ 21.

“Ông ấy không có vẻ gì là bị chối bỏ. Có vẻ như phiên bản chính trị Cộng hòa của ông ấy là xu hướng chính thống nhất”, giáo sư lịch sử Julian Zelizer của Đại học Princeton, nhận định.

Không giống như khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017, ông Trump được củng cố bởi chiến thắng bầu cử rõ ràng, giành được cả phiếu Đại cử tri và phiếu phổ thông.

Những phụ tá lần trước tìm cách kiềm chế những xung lực hung hăng nhất của ông đã bị thay thế bởi những người trung thành nhiệt huyết muốn khuất phục Washington theo ý muốn của ông. Những người hoài nghi trong Đảng Cộng hòa của ông đã phải nghỉ hưu, để lại những đồng minh háo hức thúc đẩy các đề xuất của ông thông qua Quốc hội. Một Tòa án Tối cao đồng cảm, một phần ba trong số đó là những người được ông Trump bổ nhiệm, đã tuyên bố rằng ông sẽ có quyền hạn rộng rãi để thực hiện những gì ông muốn.

Những ông trùm Thung lũng Silicon từng giữ khoảng cách đang cạnh tranh để giành được sự ủng hộ của ông. Người giàu nhất thế giới, Tổng giám đốc Tesla, ông Elon Musk, đã tình nguyện giúp ông Trump cải tổ chính phủ, trong khi CEO của Meta, ông Mark Zuckerberg, và người sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, sẽ xuất hiện nổi bật tại lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.

Ông Trump, một cựu ngôi sao truyền hình thực tế, cũng có thể trông cậy vào mạng lưới những người làm podcast và người có sức ảnh hưởng đồng cảm để khuếch đại thông điệp của mình, trong khi các phương tiện truyền thông đã thành danh phải vật lộn với lượng khán giả ngày càng giảm. Cuộc phỏng vấn của ông với người làm podcast Joe Rogan vào tháng 10 đã đạt 54 triệu lượt xem trên YouTube, gần bằng 67 triệu lượt xem cuộc tranh luận trên truyền hình của ông với đối thủ tranh cử tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris.

Ông Trump thừa hưởng một nền kinh tế mạnh mẽ và biên giới phía nam đang yên lắng, với số vụ bắt giữ di dân hồi tháng rồi thấp hơn so với lúc ông rời nhiệm sở lần trước.

Tuy nhiên, ông đã nói rằng ông có kế hoạch áp thuế quan cao đối với các đối tác thương mại và trục xuất hàng triệu di dân nhập cảnh bất hợp pháp - những chính sách có thể làm bùng phát lại lạm phát và gây áp lực lên giá cổ phiếu, điều mà ông Trump theo sát.

Một yếu tố kiểm tra đối với tham vọng của ông là thị trường trái phiếu, nơi các nhà đầu tư có thể hoảng sợ nếu khoản nợ quốc gia 36 nghìn tỷ đô la tăng mạnh hoặc Quốc hội phải vật lộn để tăng giới hạn vay. Thị trường cũng có thể phản ứng kém nếu ông không thực hiện lời hứa gia hạn những khoản cắt giảm thuế hồi năm 2017 và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Người đàn ông Florida

Khi ông Trump ra tranh cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp từ khu điền trang Florida của mình vào tháng 11 năm 2022, vận may của ông đang đi xuống. Nhiều ứng cử viên quốc hội được ông ưa thích đã thua trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và ông phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra hình sự và dân sự. Các đối thủ như Thống đốc Florida Ron DeSantis đã khơi dậy sự nhiệt tình từ những người Cộng hòa mong muốn thoát khỏi những năm tháng của ông Trump. “Người đàn ông Florida đưa ra thông báo”, tờ New York Post đã viết một cách khinh thường về ông Trump.

Nhưng các cử tri Cộng hòa đã ủng hộ ông Trump sau bản cáo trạng hình sự của ông vào tháng 3 năm 2023 vì che đậy khoản tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim khiêu dâm, các khoản quyên góp đổ về và ông dễ dàng giành được đề cử của đảng. Các sự kiện rộng lớn hơn cũng có lợi cho ông, khi các cử tri ngày càng bất mãn với phản ứng của Tổng thống Dân chủ Joe Biden đối với giá cả leo thang và di dân bất hợp pháp. Ông Biden đã hủy bỏ nỗ lực tái tranh cử của mình vào tháng 7 năm 2024 sau một màn tranh luận thảm hại, khiến bà Harris không có nhiều thời gian để tự mình đưa ra lập trường với cử tri.

Ông Trump cũng biến bất hạnh thành lợi thế của mình, mô tả những rắc rối pháp lý của ông là một chiến dịch đàn áp chính trị và đưa ra một biện hộ dai dẳng, cuối cùng đã buộc các công tố viên liên bang phải hủy bỏ hai vụ án của họ, bao gồm một vụ can thiệp bầu cử, chống lại ông. Khi bị một viên đạn của kẻ ám sát sượt qua tai vào tháng 7 năm ngoái, ông Trump đã giơ nắm đấm và hét lên “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!”, tạo nên một trong những hình ảnh tiêu biểu của năm.

Trong chiến thắng bầu cử vào tháng 11, ông Trump đã thâm nhập vào các khu vực bầu cử truyền thống của đảng Dân chủ như những người trẻ tuổi và người gốc Tây Ban Nha. Các cử tri đã phớt lờ các bản án trọng tội của ông và lời cảnh báo của đảng Dân chủ rằng một ứng cử viên từ chối thừa nhận thất bại năm 2020 sẽ gây ra mối đe dọa liên tục đối với nền dân chủ.

Ông Trump đã đe dọa sẽ cắt bớt nhân sự liên bang và yêu cầu Bộ Tư pháp dòm ngó những kẻ thù chính trị của mình. Ông đã đưa ra khả năng rằng ông có thể từ chối những khoản chi mà Quốc hội cho phân bổ, điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu về mặt hiến pháp.

Ông đề ra chương trình nghị sự về việc mở rộng lãnh thổ - chẳng hạn như mua Greenland từ Đan Mạch và khẳng định quyền kiểm soát Kênh đào Panama - làm dấy lên khả năng nhiệm kỳ thứ hai tại Tòa Bạch Ốc của ông có thể hỗn loạn như nhiệm kỳ đầu tiên.

Nhưng ngay cả trước khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump đã định hình lại Washington. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hiện đều chia sẻ cách tiếp cận đối đầu hơn của ông đối với Trung Quốc và sự hoài nghi của ông đối với các hiệp định thương mại tự do. Các đề xuất cắt giảm đối với các chương trình y tế và hưu trí phổ biến, từng là một phần chính trong các đề xuất ngân sách của đảng Cộng hòa, đã không còn nữa. Ông Biden vẫn giữ nguyên nhiều mức thuế của ông Trump và đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào chất bán dẫn do nước ngoài sản xuất.

Từ một người ngoài cuộc trong chính trị Hoa Kỳ, ông Trump giờ đây đã trở thành người định hình nó.

“Rõ ràng là kể từ năm 2015, chúng ta đã ở trong kỷ nguyên Trump”, ông Matthew Continetti, một thành viên của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, một nhóm nghiên cứu bảo thủ, nhận xét. “Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc”.

Diễn đàn

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG