Xem phim thời xa xưa của Mỹ, ta thường thấy một cảnh quen thuộc của một cảnh sát viên trên xe mô tô nấp sau một chỗ khuất để rình chờ nổ máy, hụ còi, sau khi thấy một người lái xe vượt tốc độ vụt ngang qua.
Vào những năm 1950, xe ôtô có gắn rađa là công cụ được nhân viên công lực ưa thích để bắt những người lái xe vượt tốc độ.
Ngày nay, tại các thị trấn và thành phố trên khắp nước Mỹ, xe cảnh sát không cần chụp bắt những người chạy quá tốc độ nữa, vì đã có những máy thu hình cố định, không cần người điều khiển; giúp bắt được những người vượt tốc độ với số lượng kỷ lục.
Máy thu hình được căn dặn tốc độ giới hạn trong khu vực, và ghi được chiếc xe chạy nhanh bao nhiêu kilomet, ngày và giờ vi phạm. Và máy sẽ chụp cận ảnh bảng số xe khi xe chạy vụt qua.
Các camera này cũng chụp những bác tài vượt đèn đỏ. Chúng là nguồn thu nhập béo bở cho những thành phố và thị trấn đang thiếu tiền nộp cho ngân sách. Chỉ năm ngoái không thôi, tiền phạt của những người bị máy ảnh ghi vượt đèn đỏ tại một quận bên ngoài thủ đô Washington thu được hơn 13 triệu đô la.
Các cảnh sát trưởng còn gọi các camera này là những anh hùng cứu mạng cho nhiều người. Theo bà Cathy Lanier, cảnh sát trưởng Washington, tử vong vì tai nạn giao thông tại thành phố giảm một nửa trong vòng 4 năm. Bà nói số vụ đụng xe vì vượt tốc độ giảm bớt và cũng do việc kiểm tra tốc độ chặt chẽ, nếu có vụ đụng xe cũng ít khi gây chết người vì xe chạy ở tốc độ thấp.
Tuy nhiên, phe chống lại máy ảnh chụp tốc độ cũng thật mạnh mẽ và ồn ào. Nhiều người trên nước Mỹ cho rằng máy này chỉ là dụng cụ làm tiền và thời gian để rửa hình, gởi giấy phạt và thu tiền phạt làm cho cảnh sát bận rộn không có thì giờ chống tội phạm.
Bên cạnh đó nhiều người cho rằng các tay ưa vượt tốc độ chẳng mấy chốc sẽ biết được nơi nào có đặt máy ảnh. Họ sẽ chạy chậm khi đến những điểm đó rồi sau lại chạy văng mạng như cũ.
Một số người chống đối gay gắt khác nói rằng máy ảnh chụp tốc độ vi phạm quyền công dân. Họ còn dẫn chứng nhiều lúc người chủ xe nhận giấy phạt không hề lái xe ngang qua chỗ đó, và trong nhiều trường hợp không biết ai đã sử dụng xe mình.
Họ nêu tu chính án thứ 6 của Hiến pháp Mỹ bảo đảm quyền của công dân được đối chất với người buộc tội mình tại tòa án. Và chắc chắn là máy ảnh sẽ cực kỳ bận rộn nếu người bị kết tội quyết định chống lại giấy phạt trước tòa.
Máy hình đặt tại các góc đường có đèn hiệu giao thông để phạt những người vượt tốc độ gây nên nhiều tranh luận trên toàn nước Mỹ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1