Đường dẫn truy cập

PetroVietnam bị tố tiếp tay với doanh nghiệp Myanmar làm lợi cho quân đội


Cờ đảng, quốc kỳ và cờ của tập đoàn PetroVietnam trước trụ sở ở Hà Nội, ngày 11/01/2016.
Cờ đảng, quốc kỳ và cờ của tập đoàn PetroVietnam trước trụ sở ở Hà Nội, ngày 11/01/2016.

Một nhóm phi chính phủ ở Myanmar vừa cho biết tập đoàn PetroVietnam nằm trong số các công ty dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới đã tiếp tay cho chính quyền quân quản Mynamar mang lại nguồn thu bất hợp pháp, giúp chế độ này tấn công tàn bạo chống lại chính người dân của mình.

Các tài liệu và hồ sơ thuế của doanh nghiệp mới bị rò rỉ tiết lộ rằng 22 công ty dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới, trong đó có tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) “đã tiếp tục làm việc tại Myanmar sau âm mưu đảo chính của quân đội, giúp cung cấp khí đốt và mang lại doanh thu quan trọng cho chính quyền”.

Tổ chức Justice For Myanmar phát hiện rằng PetroVietnam vẫn đang hoạt động tích cực tại Myanmar và tập đoàn này vừa tuyên bố có hợp đồng sau âm mưu đảo chính bất hợp pháp của quân đội Myanmar.

Bà Yadanar Maung, một phát ngôn viên của Justice For Myanmar, cho VOA biết hôm 2/2 qua email:

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng Việt Nam tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ theo quy định bằng cách theo đuổi hoạt động kinh doanh ở Myanmar, tiếp tay cho chính quyền quân sự, một tổ chức khủng bố. Có một mô hình rõ ràng là các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam ở Myanmar đang cố tình hỗ trợ quân đội Myanmar, như Viettel và PetroVietnam”.

Trong hai năm kể từ khi một chính quyền quân quản Myanmar phát động một cuộc đảo chính, một số công ty dịch vụ dầu khí lớn nhất thế giới tiếp tục kiếm được hàng triệu đôla từ các hoạt động giúp chống đỡ cho chế độ quân sự, theo các tài liệu thuế mà trang The Guardian được xem.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền vào tháng 2/2021 và theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, họ đang “phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người hàng ngày”. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 2.940 người, bao gồm cả trẻ em, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những thường dân khác đã thiệt mạng.

Trong bối cảnh bạo lực này, hồ sơ thuế Myanmar bị rò rỉ và các báo cáo khác dường như cho thấy các nhà thầu khai thác dầu khí của Mỹ, Anh và cả Việt Nam– những đơn vị cung cấp các dịch vụ khoan thiết yếu và các dịch vụ khác cho các nhà khai thác mỏ khí đốt của Myanamar – đã tiếp tục kiếm được hàng triệu đô lợi nhuận ở nước này sau khi cuộc đảo chính.

Trụ sở PetroVietnam ở Hà Nội.
Trụ sở PetroVietnam ở Hà Nội.

Justice For Myanmar phát hiện ra rằng PetroVietnam đang hoạt động tích cực tại Myanmar và xác định một công ty con của tập đoàn này là Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã có hợp đồng sau âm mưu đảo chính bất hợp pháp của quân đội.

PetroVietnam, một tập đoàn dầu khí nhà nước của Việt Nam, hiện có ba văn phòng chi nhánh tại Myanmar: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEF), Tổng công ty Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí Việt Nam (PV Drilling) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), một công ty con của PetroVietnam, đã giành được hợp đồng từ POSCO International vào tháng 6/2021 để thi công chân đế giàn công nghệ trong khuôn khổ Giai đoạn 3 của dự án khai thác mỏ Shwe tại Myanmar, theo một tuyên bố của Justice for Myanmar

Ngoài ra, PTSC cũng đã trực tiếp vận chuyển cuộn vòi áp lực cho Công ty dầu khí Myanmar (MOGE) vào tháng 10/2022, theo hồ sơ mà Justice For Myanmar xem được.

Vietsepetro, một liên doanh của PetroVietnam với Zarubezhneft do nhà nước Nga kiểm soát, vào tháng 9/2021, đã khởi công xây dựng hai cơ sở giàn khoan mở rộng dự án Zawtika, theo hợp đồng với Công ty dầu khí thượng nguồn quốc gia Thái Lan (PTTEP).

Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating) vào tháng 7/2022, đã giành được hợp đồng từ công ty PTTEP để bọc một đường ống dẫn khí trên biển dài 9,5 km.

VOA đã liên lạc PetroVietnam và các doanh nghiệp thành viên, và đề nghị họ bình luận về phát biểu của Justice for Myanmar, nhưng chưa được phản hồi.

Người phát ngôn của Justice for Myanmar nêu quan ngại về các giao dịch trên của các đối tác Việt Nam tại Myanmar trong bối cảnh chính quyền quân quản được cho là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhưng cộng đồng thế giới chưa có biện pháp cứng rắn: “Điều này càng đáng lo ngại hơn khi Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”.

Bà Wai Wai Nu, Giám đốc Mạng lưới Hòa bình của Phụ nữ (Women’s Peace Network- WPN) có trụ sở ở Mỹ, nêu nhận định với VOA về sự tiếp tay của doanh nghiệp Việt Nam do nhà nước quản lý đối với các doanh nghiệp quân đội Myanmar:

“Các khoản đầu tư lớn vào Myanmar là từ Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Các quốc gia này có mối quan hệ rất chặt chẽ về lợi ích kinh doanh cũng như các lợi ích địa chính trị khác ở Myanmar.

“Tôi có thể nói rằng lợi ích kinh doanh của họ hoặc các lợi ích khác của họ có thể không bền vững nếu chế độ độc tài mất đi bởi vì nếu như chúng ta không thấy sự ổn định, chúng ta không có hòa bình ở Myanmar, thì kết cuộc rồi các doanh nghiệp sẽ tiêu tan và sẽ không có bất kỳ lợi ích nào, hay sự bảo vệ lợi ích nào cho của họ ở Myanmar”.

“Việc bảo kê cho quân đội hoàn toàn chỉ là phá hủy đất nước. Tôi nghĩ rằng họ đang có một sự lựa chọn thực sự sai lầm. Tôi nghĩ họ đang thực sự tiếp tay cho quân đội Myanmar để phá hoại đất nước… Họ đang tiếp tay quân đội Myanmar phạm phải tất cả những tội ác này cũng như ngăn cản chúng tôi trên đường hướng tới một tương lai tự do cho người dân Myanmar”, bà Nu cho biết thêm.

Trước đó, vào tháng 12/2022, một tàu dịch vụ dầu khí của một công ty Việt Nam đã ra tay cứu 154 người tị nạn Rohingya trên một con tàu sắp chìm ở Vịnh Thái Lan, nhưng sau đó lại thực hiện theo yêu cầu của Hà Nội là bàn giao nhóm người này cho nhà chức trách quân sự Myanmar. Cơ quan giám sát người tị nạn của Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền gọi hành động này của chính phủ Việt Nam là vi phạm nguyên tắc “không từ chối” hay còn gọi là “non-refoulment” của công ước LHQ về người tị nạn và nói rằng đó là hành động “phi nhân đạo”.

Các nhà hoạt động nói với VOA rằng việc chuyển giao những người tị nạn này của phía Việt Nam cho chính quyền quân quản Myanmar dường như xuất phát từ mục đích kinh tế.

“Chúng tôi kêu gọi PetroVietnam và chính phủ Việt Nam ngay lập tức chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh với chính quyền quân sự, cả trực tiếp và gián tiếp, và tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của họ”, bà Yadanar Maung ra khuyến nghị trong email gửi cho VOA.

Trong danh sách 22 doanh nghiệp mà Justice for Myanmar nêu tên có cả công ty Baker Hughes, Diamond Offshore Drilling của Hoa Kỳ, China Oilfield Services Limited (COSL) của Trung Quốc, Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc, Japan Drilling Company của Nhật.

“Chúng tôi tin rằng các công ty dịch vụ mỏ dầu này đã tự đồng lõa với chính quyền khi họ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đối với người dân Myanmar”, Justice for Myanmar cho biết trong một tuyên bố.

Ngành công nghiệp dầu khí ở Myanmar được cho là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho chính quyền quân quản. Doanh thu từ dầu khí được cho là dùng để sử dụng để mua vũ khí, nhiên liệu máy bay và các nguồn cung cấp khác cần thiết cho chính quyền quân sự tiếp tục thực hiện các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Hoa Kỳ gia tăng trừng phạt nhắm vào chính quyền quân sự Myanmar
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:46 0:00

Theo số liệu của chính quyền quân sự, Myanmar đã kiếm được 1,72 tỷ đôla Mỹ từ xuất khẩu khí đốt chỉ trong 6 tháng tính đến ngày 31/3/2022.

Trả lời yêu cầu bình luận của The Guardian, công ty Baker Hughes của Mỹ nói rằng các hợp đồng của họ đã được ký trước cuộc đảo chính và hoàn tất vào đầu năm 2022. Công ty cho biết họ đã không ký hợp đồng mới nào kể từ cuộc đảo chính và hiện chỉ có “một số lượng nhân sự rất hạn chế trong nước để hỗ trợ các nhu cầu vận hành và an toàn thiết yếu”.

Vào tuần trước, khi đánh dấu 2 năm từ khi cuộc lật đổ xảy ra, các quốc gia Hoa Kỳ, Anh, Úc và Canada đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt Myanmar, bao gồm cả giám đốc điều hành và phó giám đốc điều hành của công ty MOGE.

Vào tháng 2/2022, Liên minh Châu Âu (EU) lần đầu tiên công bố các biện pháp trừng phạt đối với công ty MOGE do “tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng ở Myanmar” và “các nguồn tài nguyên đáng kể” mà MOGE cung cấp cho chính quyền quân quản.

Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm cấm các công ty châu Âu làm việc trong các dự án mỏ dầu khí của Myanmar. Nhưng đa số các quốc gia khác và cả khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa đưa ra các biện pháp tương tự.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG