Đường dẫn truy cập

Phùng Khánh-Phùng Thăng, những dịch giả một thời


Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải. (Phathocdoisong.com)
Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải. (Phathocdoisong.com)

Hai chị em, hai nữ lưu xuất chúng, không dễ xuất hiện được mấy phụ nữ trong cả một thế hệ, đã mang tài trí phụng vụ đạo pháp và trí tuệ cho hàng triệu người Việt Nam.

Đinh Yên Thảo


Lời tác giả: Sau sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ, tôi dành thời gian tìm đọc lại một số tác phẩm của vài bậc cao tăng và giáo sư tại viện đại học Vạn Hạnh, nơi tập trung những trí thức lỗi lạc của miền Nam trước năm 1975, từ các bậc tu sĩ, giáo sư cho đến những sinh viên từng thụ huấn. Trong số các vị này là hai chị em dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng với một vài dịch phẩm mà tôi đã từng đọc qua trước đây nhưng chưa biết nhiều về thân thế. Vậy là cất công quay ngược lại thời gian để tìm hiểu thêm về hai nữ lưu trí thức và tài ba này. Vài chi tiết tham khảo trong bài viết này được sử dụng từ ấn bản đặc biệt về Phùng Thăng trên Thư Quán Bản Thảo (số 59, tháng 3-2014) do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương cùng một số trang Phật học khác nhau (ĐYT).

***

Trong dịch phẩm "Kẻ lạ ở thiên đường" (nguyên tác Attente de Dieu hay Waiting for God) của nữ triết gia người Pháp gốc Do Thái Simone Wiel, dịch giả nhận xét trong lời giới thiệu rằng, ""Kẻ lạ ở thiên đường" được chọn làm tên chung cho bản dịch sáu bức thư gởi cho linh mục Perrin và năm bài trần thuyết về năm đề tài tôn giáo. Qua toàn thể văn phẩm, tâm hồn Simone Weil vẫn là một tâm hồn quằn quại cô đơn nhưng rất sáng suốt trong công cuộc đi tìm một Quê Hương tâm linh đích thực cho mình. Chính sự sáng suốt ấy đã đưa Simone Weil đến chỗ khước từ thiên đường hữu hạn để chọn hỏa ngục vô biên vì quá xót thương và muốn chia sớt những lầm than của trần thế. Trong nguyện ước của nàng, như có vọng âm những lời phát nguyện của các vị bồ tát Phật giáo từ muôn nghìn thế kỷ. Trên thiên đường hữu hạn ấy, nếu được chọn, Simone Weil sẽ vẫn mãi mãi là một kẻ xa lạ lạc loài, vì nàng không ước muốn. Nàng chỉ ước muốn Thiên Đường chính thực, Quê Hương tâm linh bình đẳng cho tất cả Loài Người.".

Đọc lời giới thiệu trên, có thể hiểu đó là sự thấu cảm của dịch giả về tác phẩm và tác giả mà cũng có thể, văn phong và tư tưởng đó xuất phát từ chính dịch giả, một nữ lưu rất trẻ, chỉ quá giữa tuổi đôi mươi mà tài năng và sự suy tưởng đã uyên sâu và đầy hạnh nguyện để cảm nhận và giới thiệu về một tác phẩm mang đầy tính tôn giáo và triết học như vậy.

Nữ dịch giả đó là Phùng Thăng, em ruột của Phùng Khánh, tức Ni trưởng Thích nữ Trí Hải, một vị danh ni thông tuệ của Phật giáo Việt Nam trong nhóm đại học Vạn Hạnh và cũng là một dịch giả riêng hay chung với em gái trong một vài tác phẩm vang tiếng một thời, có thể kể như Câu chuyện dòng sông, Bắt trẻ đồng xanh, Sói đồng hoang, Ngư ông và biển cả, Câu chuyện triết học...

Ni sư Thích nữ Trí Hải, Pháp danh Tâm Hỷ và thế danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh sinh năm 1938 tại làng Vỹ Dạ và em gái Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng sinh năm 1943 trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc thâm tín Phật giáo tại Huế. Cả hai bà được kể lại là có tư chất thông tuệ và phẩm cách thanh cao, có ý hướng phát nguyện và dấn thân vào Phật giáo từ rất trẻ.

Ngay thời còn đi học, cả hai bà đã am hiểu triết học Đông phương sâu sắc, giỏi tiếng Anh và tiếng Đức. Nói thêm là, tiếng Đức vốn được xem là ngôn ngữ của triết học và có nhiều triết gia hậu cổ điển lừng danh như Kant, Hegel, Marx, Nietzsche, Heidegger..., tất nhiên cả văn hào Hermann Hesse nên có một giới trí thức rành tiếng Đức để đọc hay Việt dịch các tác phẩm tiếng Đức. Riêng bà Phùng Khánh còn thông thạo cả tiếng Hán lẫn tiếng Pháp, khi đọc lại lời giới thiệu cuốn sách Nhập Bồ Tát Hạnh, được Ni sư Trí Hải cho biết bà đã dịch từ Hán ngữ và tham khảo thêm từ cả hai ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh.

Cách nhau năm tuổi, hai bà cùng tốt nghiệp Viện đại học Huế với Phùng Khánh lấy cử nhân Anh văn và Phùng Thăng là cử nhân Triết. Ra trường, hai bà trở thành giáo sư tại các trung học nổi tiếng tại Quảng Nam. Phùng Khánh dạy tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng và Phùng Thăng dạy tại trường Trần Quý Cáp, Hội An.

Năm 1960, Phùng Khánh sang Mỹ du học. Sau khi tốt nghiệp Cao học ngành thư viện và văn chương tại Princeton, bà tiếp tục làm luận án tiến sĩ nhưng bỏ dỡ để về nước lo Phật sự đang rất cần hiền tài lúc bấy giờ. Hạnh nguyện thọ giới Sa di từ trẻ chưa đạt nên năm 1964 bà quyết dứt bỏ thế tục, xuống tóc quy y, được Giáo hội cử làm thư ký cho Thượng Tọa Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh Thích Minh Châu. Bà là giáo sư Anh ngữ rồi được cử làm Thư viện trưởng và Giám đốc trung tâm an sinh xã hội của viện.

Sau 1975, Ni sư tiếp tục Phật sự và hoằng pháp. Bà nghiên cứu, giảng dạy và biên dịch, trở thành nữ giảng sư đầu tiên của Viện Cao cấp Phật học Việt Nam. Năm 1984, bà bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam vì bị xem có liên đới với hai vị Thượng Tọa Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu, đến năm 1988 mới được trả tự do sau hơn bốn năm tù. Là Viện chủ các Tu viện Lộc Uyển, Liên Hoa và Diệu Không, Ni trưởng Trí Hải cũng hoạt động tích cực trong các cuộc lạc quyên và ủy lạo các nạn nhân thiên tai bão lụt.

Cuối năm 2003, với tài đức và đạo hạnh của một vị Ni trưởng từ bi và thông tuệ, bà được cử làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Nhưng đáng buồn là chỉ vài ngày sau, giới ni tăng cùng Phật tử, trí thức Việt Nam bỗng bàng hoàng nhận hung tin là Ni trưởng Thích nữ Trí Hải đã tử nạn cùng vài đệ tử tháp tùng trong một tai nạn giao thông, khi bà đang trên đường về sau một cuộc cứu trợ. Bà thọ 66 tuổi thế và chúng sanh mất đi một biển sở học và trí tuệ, theo như pháp hiệu Trí Hải của bà. Tính đến cuối năm qua, Ni sư Trí Hải đã viên tịch tròn 20 năm.

Với Phùng Thăng là một câu chuyện buồn khác khi bà bị thảm tử lúc còn khá trẻ. Các tài liệu cho biết, sau biến cố 1975, bà dắt con gái xuống miền Tây tìm đường vượt biên, nhưng đã bị quân Pol Pot bắt và hạ sát cùng với nhiều người Việt khác, vào thời điểm mà Khmer Ðỏ tái phát động phong trào “cáp duồn”, hạ sát người Việt sắt máu hơn ngay sau 1975. Câu chuyện buồn nên có lẽ không cần đi sâu hơn, chỉ biết rằng dịch giả Phùng Thăng như vậy đã qua đời khi mới ngoài 30 tuổi.

Hai chị em, hai nữ lưu xuất chúng, không dễ xuất hiện được mấy phụ nữ trong cả một thế hệ, đã mang tài trí phụng vụ đạo pháp và trí tuệ cho hàng triệu người Việt Nam. Giới trí thức cùng những cựu sinh viên học sinh đồng thời với hai bà trong các bài viết đều cho biết rằng, họ đã học hỏi và khai mở trí tuệ và tâm thức rất nhiều qua những tác phẩm đầy ảnh hưởng của hai bà.

Hãy cùng đọc lại một đoạn văn mà cả hai vị đã viết và dịch chung qua "Lời ngỏ" tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông mà có người từng nhận xét, qua sự Việt hóa của những dịch giả, ngỡ đâu Hermann Hesse đã viết riêng tác phẩm này cho người Việt.

(Trích)

"Quyển "Câu chuyện dòng sông" dịch từ chuyện "Siddhartha" trong tập "Weg nach Innen" (Đường về nội tâm) của Herman Hesse. Hermann Hesse là một văn hào của văn học Đức ở thế kỷ XX, sống cùng một thế hệ với Thomas Mann, Werfel, Wassermann và E.Vl Salomon.

Hesse sinh năm 1877, được giải thưởng Nobel văn chương năm 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904), Demian (1919), Der Steppenwolf (1927), Narziss und Goldmund (1930), Das Glaserlenspiel (1943).

Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho đời mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời Thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:

"Dù bị đau đớn quằn quại,
tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".

Und allem Weh zum Trotze bleib ich.
Verliebt in die verruckt Welt

Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển"Câu chuyện dòng sông".

Đọc "Câu chuyện dòng sông" chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. "Câu chuyện dòng sông" là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt". Phùng Khánh-Phùng Thăng.

(hết trích)

Khi chọn lọc dịch thuật các tác phẩm rất nổi tiếng của thế giới bằng một ngôn ngữ và tâm đạo cao đẹp, chứa đầy chánh niệm và từ bi như vậy, hai bà đã mang tâm huyết cùng công sức để góp phần soi sáng trí huệ lẫn tư tưởng của cả một thế hệ độc giả.

Chưa kể đến những bộ sách, kinh kệ Phật pháp được Ni sư Trí Hải viết hay dịch, hàng chục dịch phẩm văn chương và triết học quen thuộc được Phùng Khánh hay Phùng Thăng, hoặc từ cả hai chị em bà cùng chung sức Việt dịch, đã là một gia sản văn chương và tư tưởng không nhỏ mà cả hai bà đã giới thiệu và mang đến cho Việt Nam.

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG