Đường dẫn truy cập

Quốc hội cần người trẻ và vững chãi


Poster quảng bá cho chiến dịch tự ứng cửa Đại Biểu Quốc Hội của Mai Khôi. (ảnh do Mai Khôi cung cấp).
Poster quảng bá cho chiến dịch tự ứng cửa Đại Biểu Quốc Hội của Mai Khôi. (ảnh do Mai Khôi cung cấp).

Hôm 9-3, Ủy ban bầu cử của tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 của ca sĩ Mai Khôi (tên đầy đủ Đỗ Nguyễn Mai Khôi). Nữ ca sĩ này nộp hồ sơ vào ngày 8-3. Thông tin này vốn không quá bất ngờ, bởi xu hướng cởi mở với người trẻ thời gian qua đã được dư luận quan tâm vả khuyến khích.

Hồi tháng trước, đích thân ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã lên tiếng lưu ý các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp không nên giới thiệu người cao tuổi, sức khỏe yếu ứng cử đại biểu Quốc hội . Thay vào đó, ông Pha khẳng định rằng các cơ quan, đơn vị và ban ngành nên giới thiệu những người trẻ, có sức khỏe để đủ sức “chinh chiến” trong suốt 5 năm trên nghị trường.

Ở nhiều nước, đặc biệt các nước khu vực Đông Nam Á, hay như khu vực Tây Âu, Bắc Âu, nhiều quốc gia có xu hướng bầu chọn những người trẻ và giỏi vào Quốc hội để cùng xây dựng chính sách, giám sát và thực thi những nhiệm vụ mà người dân giao phó. Tôi từng biết đến không ít chính trị gia trẻ tuổi, thậm chí nắm giữ vị trí lãnh đạo bộ, ban ngành khi tuổi chưa quá 40. Họ trẻ, quyết tâm, dám làm dám chịu và dám cống hiến. Đó là một luồng sinh khí mới mẻ, tươi mát mà bất kỳ một nền chính trị nào cũng cần, và Việt Nam cũng không nằm ngoài logic ấy. Có rất nhiều lý do để chọn một người trẻ, vững chãi làm đại diện cho người dân trên các diễn đàn chính trị của quốc gia.

Thứ nhất, Quốc hội là nơi cần những sáng kiến và đổi mới phù hợp với tình hình đất nước, đặc biệt là tình hình khu vực và thậm chí là hội nhập toàn cầu. Khả năng sáng tạo của con người sẽ vơi dần theo thời gian, nhất là với những đại biểu có độ tuổi U40 trở đi. Trong khi đó, những người trẻ hiện tại, đa phần được thụ hưởng nền giáo dục ưu việt, không chỉ trong nước mà từ các nước tiên tiến hơn, nên khả năng đóng góp ý tưởng đổi mới kinh tế, xã hội là rất cao. Mới đây, hai cô gái người Việt đã xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi SXSWedu (Mỹ) sau khi vượt qua hàng ngàn đối thủ nặng ký đến từ khắp nơi trên thế giới. Những cái tên người trẻ Việt như thế hiện không thiếu, nhưng để huy động lực lượng này đóng góp năng lực, sức lực, chất xám, tâm huyết cho Quốc hội thì đó còn là một thử thách không phải nhỏ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là “khó quá thì bỏ”, mà là Việt Nam phải nghĩ đến và tìm cách làm cho được.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa và thông tin được trải đều, nhanh trong môi trường thế giới phẳng, một người trẻ năng động, nhiệt huyết và có tâm có thể đạt được kinh nghiệm và khả năng chịu áp lực không thua kém những lão làng trước đây. Xét mặt tích cực, các tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam từ Mỹ, Nhật, châu Âu về nước công tác khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng kiến thức và sự va chạm của họ trên chính trường không phải là quá “non xanh”. Thậm chí nhiều trí thức trẻ còn có bản lĩnh không thua kém những chính trị gia, có ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn trên nhiều diễn đàn quốc tế; không chỉ có cái mác học ở Tây về, mà còn làm chủ nhiều dự án có ảnh hưởng và mức độ lan tỏa xã hội rất cao. Tuy nhiên, họ cần hơn nữa sự cởi mở, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích từ phía chính quyền, nhà nước để tự tin, mạnh dạn ứng cử vào Quốc hội để đóng góp cho nước nhà.

Thứ ba, việc khuyến khích người trẻ ra ứng cử cũng là động lực đổi mới cho dàn quan chức cấp cao vốn đã về chiều. Sự xuất hiện của các nhân tố mới, trong một cuộc chơi công bằng hơn, khiến người lớn cũng phải cố động não, hoặc ít nhất phải kết hợp ăn ý, đóng góp xây dựng và hành động cùng tuổi trẻ để đạt được những hiệu quả công việc chung. Nó cũng phá vỡ cái ý thức hệ lạc hậu “sống lâu lên lão làng” – vốn đã phần nào tác động, làm ì ạch tư duy chính trị của người Việt trong suốt những năm vừa qua. Đó là chưa kể, trí thức trẻ trong Quốc hội sẽ giúp tầng lớp đứng tuổi cập nhật thông tin mới, học hỏi nhiều điều mới một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp ích cho công việc chung.

Cuối cùng, khuyến khích việc người trẻ tự ứng cử cũng là một cách để tạo điều kiện cho “văn hóa từ chức” ra đời. Dám tự ứng cử, thì khi làm không đúng những gì đã hứa, ắt sẽ chịu áp lực mà từ chức. Việc chỉ định có những ưu điểm riêng, nhưng hạn chế chính là người trúng cử có tâm lý được “chống lưng”, được giới thiệu nên làm sai hay làm không hiệu quả cũng làm lơ trách nhiệm. Tất nhiên, hệ quả này chưa được chứng minh, đơn thuần chỉ nằm trong suy nghĩ chủ quan của người viết, nhưng logic này không phải không có khả năng diễn ra; có chăng là có dám đẩy mạnh và đưa mọi tiêu chuẩn và khuôn khổ để thực hiện hay không.

Để kết thúc cho những dòng suy nghĩ của mình, tôi xin mượn lời cô ca sĩ Mai Khôi có chia sẻ trên báo chí, rằng theo nếp nghĩ thông thường của nhiều người thì việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội là một vấn đề gì đó xa vời và nghiêm trọng. Nhưng nếu cảm thấy mình có đủ sự tự tin, bản lĩnh và kinh nghiệm nếu được giữ vai trò này thì hãy cứ mạnh dạn. Đây là một quyết định nghiêm túc của các cá nhân – những người trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến và phục vụ. Thế nên giới trẻ hãy tự tin và biết rằng mình có quyền được tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội theo đúng pháp luật.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG