Đường dẫn truy cập

Quyền làm báo tại Việt Nam qua vụ việc nhà báo Mai Phan Lợi


Hình ảnh mảnh vỡ của chiếc máy bay tuần thám CASA 212 8983 của cảnh sát biển Việt Nam.
Hình ảnh mảnh vỡ của chiếc máy bay tuần thám CASA 212 8983 của cảnh sát biển Việt Nam.

Chắc nhiều người biết việc nhà báo Mai Phan Lợi bị tước thẻ nhà báo vào ngày 20/6/2016 bởi Quyết Định 1063 của Bộ Thông tin và Truyền thông, với lý do được nêu chính thức là “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, đồng đội, người thân, đồng đội của những cán bộ chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ, tổn hại đến uy tín đội ngũ những người làm báo"

Sự xúc phạm này được cho là do một status của Mai Phan Lợi đăng ngày 17/6/2016, trên Fanpage Facebook Diễn đàn Nhà báo Trẻ. Sau đó, Mai Phan Lợi đã đăng Lời Xin Lỗi có các câu như: “Tôi có sử dụng ngôn ngữ không chính xác, gây tổn thương tình cảm anh em” và “Bằng stt này tôi chân thành xin lỗi mọi người, quyết không thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến và sử dụng ngôn ngữ quá nhạy cảm như vậy nữa”.

Thú thực, đọc đi đọc lại rất nhiều lần cái status của nhà báo Mai Phan Lợi, tôi không thấy có gì là không chính xác, là gây tổn thương tình cảm anh em!

Chúng ta cùng nhau đọc lại:

Vì sao CASA tan xác?

Thật đau xót đến giờ này vẫn chưa tìm được 9 cán bộ trên máy bay CASA, nhưng thắc mắc thật khó lý giải thuyết phục là tại sao máy bay tan xác? Theo bạn?

– Máy bay bị tác động từ bên ngoài nên vỡ

– Máy bay rơi từ cao xuống biển nên vỡ vụn

– Không biết lý do

– Bị bắn

– Bị giông lốc làm rơi xuống biển và vỡ khi đập vào mặt nước

– Không loại trừ bị bắn vỡ

– Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật”. (Trích)

Hình chụp cho thấy chiếc máy bay CASA vỡ thành nhiều mảnh. Chữ tan xác có gì không chính xác? Mỗi người có thể dùng các từ khác nhau, thí dụ bể vụn, vỡ vụn, nát tan, bể ra từng mảnh… tan xác cũng là một từ. Dùng từ gì là do mỗi nhà báo. Than ôi, Bộ TTTT có quyền áp đặt, trừng phạt nhà báo vì họ dùng từ này mà không dùng từ khác chăng? Cho dù biết rằng mỗi từ dù miêu tả cùng một trạng thái của sự vật vẫn có thể mang một hàm ý khác nhau, nhưng mà, Bộ TTTT muốn bắt các nhà báo phải dùng cùng một từ chăng? Viết cùng một ý, một kiểu chăng?

Tôi rất thương xót các chiến sĩ không quân đã chết, thương xót trong tình đồng bào ruột thịt, thương xót không vụ lợi, không mặc cảm, không ý đồ chính trị cá nhân. Nhưng tôi không thấy bị xúc phạm gì khi đọc những dòng của Mai Phan Lợi. Rất rõ ràng, chữ “tan xác” được dùng cho chiếc máy bay, và chỉ cho chiếc máy bay. Nếu có hàm ý thì đó là ý TIẾC cho chiếc máy bay hiện đại của không lực đất nước phải “tan xác” mà chưa tìm được nguyên nhân! Và cùng với TIẾC cho chiếc máy bay, tác giả status cũng bày tỏ ĐAU XÓT cho những người mất đi. ĐAU XÓT vì người mất đi (thực ra là mất tích nhưng rất ít còn hy vọng sống sót), và ĐAU XÓT vì chưa tìm ra lý do thuyết phục!

Qua nói chuyện với nhiều bạn bè, tôi tin rằng nhiều người hiểu, cảm nhận từ “tan xác” theo hướng đó. Nếu vậy thì từ “tan xác”, trong status của Mai Phan Lợi, mang một ý nghĩa tích cực, đáng được trân trọng. Sự Đau Xót tích cực đó khiến ông thấy mình có trách nhiệm trong việc đề ra một số hướng nghi ngờ có thể đã xảy ra để yêu cầu được lý giải một cách “thuyết phục là tại sao máy bay tan xác”. Đó chẳng phải là yêu cầu của đa số người Việt Nam sao? Chẳng phải là yêu cầu của thân nhân các chiến sĩ không quân bị thiệt mạng sao? Tôi cho rằng phải có tinh thần trách nhiệm nhà báo cao mới dám phản ánh yêu cầu này của công chúng trước công luận. Yêu cần chính đáng này “xúc phạm” ai, nhóm lợi ích nào, phe đảng nào?

Vậy đó, ngày nhà báo Việt Nam năm 2016 đánh dấu bằng việc tước thẻ nhà báo của một nhà báo có tinh thần trách nhiệm báo chí!

Tuy nhiên, tôi muốn nói tới một viễn cảnh đáng sợ hơn. Chúng ta đều biết mỗi người có suy nghĩ, có cách trình bày khác nhau. Có thể có những người hiểu và cảm nhận status của Mai Phan Lợi khác với cách trình bày ở trên. Nhưng, những người này, nhân danh cái gì mà trấn áp và dập tắt tiếng nói của những người khác ý kiến? Cứ theo đà này,có thể chăng sẽ tới ngày mà những từ như “bảo vệ lãnh thổ”, “bảo vệ quyền sống”, “nhân quyền” cũng thành những từ “phản động”, “xúc phạm người khác” và bị trừng trị?

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Phan

    Trần Phan từng làm việc tại Việt Nam, châu Âu và châu Mỹ. Trước đây làm việc nhiều năm tại Procter & Gamble (Mỹ), Hoffman La Roche (Thụy Sĩ) ở vị trí quản lý. Hiện đã nghỉ làm việc cho các công ty đó.

XS
SM
MD
LG