Đường dẫn truy cập

Scandinavia, tiếng Anh và ‘công dân toàn cầu’


Một góc Copenhagen (Đan Mạch)
Một góc Copenhagen (Đan Mạch)

Tuần rồi, tôi và gia đình đến thăm Copenhagen (Đan Mạch) và Malmo (Thụy Điển). Đan Mạch và Thụy Điển là hai trong số tám quốc gia Bắc Âu (Denmark, Sweden, Norway, Finland, Estonia, Latvia, Lithuania, Iceland).

Châu Âu không lớn nhưng cũng không nhỏ, tôi không có tham vọng đi hết châu Âu, chỉ ráng đưa lũ trẻ đến một số nơi ở Đức, một số quốc gia Tây Âu, Trung Âu, Nam Âu, Đông Âu và lần này là Bắc Âu.

Ở Bắc Âu có bán đảo Scandinavia – nơi tọa lạc của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và có một số người kể thêm cả Phần Lan, Iceland vào nhóm này.

Bán đảo Scandinavia có hai yếu tố nổi tiếng: Mùa Đông cực lạnh, thời tiết hết sức khắc nghiệt. Chính sách an sinh xã hội cực tốt (không thu học phí, viện phí, có đủ loại trợ cấp xã hội để không có ai vô gia cư, thiếu cơm ăn, áo mặc).

Nhìn một cách tổng quát thì khung cảnh của Copenhagen (Đan Mạch) không khác gì lắm so với những thành phố ở châu Âu mà gia đình tôi từng đến. Malmo (Thụy Điển) thì mới hơn, ít kiến trúc cổ kính thành ra sắc thái na ná nhiều đô thị “trẻ” ở Mỹ.

Tuy nhiên cả Copenhagen lẫn Malmo có một yếu tố đặc biệt mà không thành phố nào ở cả châu Âu lẫn Mỹ có, đó là dân cư rất giỏi ngoại ngữ!

Dù Đan Mạch và Thụy Điển đều có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng nhưng ngoài tiếng Đan Mạch (Danish), tiếng Thụy Điển (Swedish), bạn có thể dùng tiếng Anh trò chuyện với bất kỳ ai ở độ tuổi dưới 70. Nói cách khác, nếu bạn có thể sử dụng tiếng Anh thì không có bất kỳ rào cản nào về ngôn ngữ khi bạn đến Đan Mạch và Thụy Điển.

Hỏi thăm mới biết, sau Thế chiến thứ hai, dạy tiếng Anh cho trẻ con từ tiểu học là một phần trong chương trình giáo dục ở Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Phần Lan.

Anton - một anh chàng người Thụy Điển - bảo tôi, tại các quốc gia ở bán đảo Scandinavia, trẻ con học tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh là môn học bắt buộc phải rành rẽ cũng như học toán.

Tôi thử dùng Google để search mới biết, tỷ lệ dân cư các quốc gia này có thể dùng tiếng Anh dao động trong khoảng 80% - 90%.

Và không chỉ tiếng Anh, tỉ lệ dân cư trên bán đảo Scandinavia có thể sử dụng tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha (Spanish) cũng rất đáng nể, từ 40% đến 50%. Nếu so sánh về khả năng sử dụng ngoại ngữ, dân cư trên bán đảo Scandinavia hơn xa dân Mỹ.

Điều này làm tôi liên tưởng tới Việt Nam. Hồi tháng 6 vừa rồi, khi bỏ phiếu thông qua Dự luật sửa Luật Giáo dục, Quốc hội Việt Nam bác bỏ ý tưởng xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai vì “công dân có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” (1).

Thôi thì cứ để “công dân có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” để công chức nào cũng có… “Chứng chỉ B tiếng Anh” nhưng khi cần đa số phải ráng… rặn mới bật ra được… “ma de in Vietnam” như Thủ tướng hay… “phê tê bốc” như Chủ tịch Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội!

“Công dân có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” còn để thỉnh thoảng báo chí lại có cơ hội ca ngợi đồng chí lãnh đạo này, đồng chí lãnh đạo khác “biết dùng tiếng Anh” khi tiếp khách nước ngoài hay tham dự các hội nghị quốc tế chứ!

“Công dân có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” còn là cách dành đất dụng võ cho các trường… quốc tế, cho một số phụ huynh có cơ hội chứng tỏ sự thành đạt của họ về mặt tài chính vì… đủ khả năng trả tiền cho con cháu theo học các trường dạy dỗ bằng song ngữ!

Chưa kể đó cũng là cách bày tỏ sự… kiên định, kiên quyết giữ “xuất khẩu lao động” chỉ gói gọn trong phạm vi đưa người Việt đi các quốc gia châu Á, Trung Đông… giúp việc nhà, làm… những công việc nặng nhọc, nhiều rủi ro, ít tiền, thay vì mở rộng “xuất khẩu lao động” sang những lĩnh vực khác như: Giáo viên dạy toán, y tá,… giống Philippines, hay chuyên viên IT giống Ấn Độ!

Ủa? Thế còn những tuyên bố rổn rảng như “hội nhập”, “công nghiệp 4.0”, “công dân toàn cầu”… trong hai thập niên gần đây? Có bao nhiêu phần trăm thực tâm và thực chất?

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/quoc-hoi-khong-chap-thuan-tieng-anh-la-ngon-ngu-thu-2-20190614101359000.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG