Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói bất chấp tình cảm ái quốc đang dâng cao, ông không tin rằng căng thẳng hàng hải ở Biển Ðông sẽ dẫn đến xung đột vì sự lệ thuộc vào nhau ngày càng nhiều trong khu vực. Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi Nhật Bản lật qua một trang sử mới về Thế chiến thứ hai và cải thiện bang giao với Nam Triều Tiên và Trung Quốc. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Phát biểu hôm qua tại Hội đồng Ðối ngoại có trụ sở ở Washington, Thủ tướng Lý Hiển Long nói vùng Châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhất là trong tình hình Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông nói các nước khác cũng trở nên hùng mạnh hơn và sự giao tiếp giữa họ đã trở nên mãnh liệt hơn trong 10 năm qua, vào lúc thương mại và dân chúng đi lại nhiều hơn.
Nhưng theo ông, kèm theo sự giao tiếp như thế, là những điểm va chạm, tỷ như các tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông:
“Không có nước nào trong vùng Ðông Nam Châu Á muốn tranh chấp với Trung Quốc. Thực ra, cả Trung Quốc cũng đã tìm mọi cách để phát triển quan hệ thân hữu với ASEAN. Và họ đã có những cách rất tế nhị và toàn diện để làm điều đó. Nhưng, có vấn đế này về các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Không dễ gì mà giải quyết được bởi lẽ có một yếu tố khác đã thay đổi trong 10 năm qua, vì chủ nghĩa dân tộc đã trở nên một tình cảm mạnh hơn và một yếu tố mạnh hơn trong việc gây ảnh hưởng với các chính phủ.”
Ông nói điều này đặc biệt đúng tại Nhật Bản và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Singapore cho rằng Trung quốc chủ trương rằng các khẳng định chủ quyền của họ từ trước đến nay đối với phần lớn vùng biển Hoa Nam đi trước luật quốc tế và phải được thừa nhận.
“Tôi không phải là một luật sư vì thế tôi cho rằng có một mức độ hợp lý nào đó trong lập luận ấy, nhưng, từ quan điểm một quốc gia phải sống còn trong một hệ thống quốc tế, nơi có những nước lớn và những nước nhỏ và kết quả không thể được quyết định bởi nguyên tắc mạnh là đúng, tôi nghĩ luật quốc tế phải có một sức nặng lớn trong cách thức giải quyết các tranh chấp.”
Thủ tướng Lý Hiển Long gợi ý rằng Trung Quốc nên theo gương một cường quốc khác là Hoa Kỳ trong việc thường tuân thủ luật quốc tế. Ông nói nếu Trung Quốc có thể đi đến lập trường đó, thì họ sẽ đạt được một thành tích lớn.
Ông Lý cho rằng Trung quốc biết rõ các cường quốc lớn trong lịch sử nổi lên nhờ sức mạnh, như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ðức Quốc Xã, Liên bang Sô viết và Ðế quốc Anh, đều đã sụp đổ. Ông nói Trung Quốc đang cố gắng không phạm cùng lỗi lầm như thế.
Nhà lãnh đạo Singapore nói trong khi đang dạt được thành quả trong việc chuyển hóa nền kinh tế của họ, Trung Quốc vẫn chưa hình dung được điều ông gọi là quản lý xã hội, duy trì sự hài hòa xã hội trong khi đi tìm các phương thức để giao tiếp với dân chúng và nhu cầu của họ cần có tiếng nói lớn hơn. Nhưng ông tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết theo con đường cải cách.
Ông Lý Hiển Long cũng kêu gọi Nhật Bản cuối cùng lật qua một trang sử mới 70 năm sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai, giống như ở châu Âu, và nhấn mạnh rằng đó là cách để cải thiện bang giao với Trung Quốc và Nam Triều Tiên.
“Ðó thực là một sự chọn lựa tối thượng mà Nhật Bản phải làm, nhưng trong tư cách một đối tác của phía Nhật Bản và với lời chúc phúc cho họ, tôi chắc chắn rằng quý vị sẽ bày tỏ hy vọng, mà Phó Tổng thống Joe Biden đã đặt vào, rằng Nhật Bản sẽ có hành động thận trọng và sẽ tìm cách phát triển quan hệ với các nước láng giềng cận kề là Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Họ không thể tự làm điều ấy, vì cần có hai bàn tay để vỗ, vì vậy họ cần cả phía Trung Quốc, và Triều Tiên phải dự phần vào việc ấy, song trừ phi có thể bỏ lại Thế chiến thứ hai sau lựng ta và ta không thể tiếp tục khơi lai những vấn đề như án úy phụ, như xâm lược, như những điều xấu xa đã thực hiện trong thời chiến, tôi nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục gây đau đớn.”
Ông Lý Hiển Long cho biết chuyến thăm kéo dài một tuần lễ của ông tại Washington là để đánh dấu 10 năm ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Singapore. Ông tỏ ý lạc quan rằng các cuộc thương nghị dẫn tới hiệp định thương mại tự do Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP sắp hoàn tất. Ông nói TPP là một bộ phận chủ yếu trong chính sách tái quân bình của Chính quyền Obama hướng về vùng châu Á Thái Bình Dương.