Đường dẫn truy cập

Sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Myanmar ‘gây bất ổn’ Đông Nam Á


Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Myanmar Min Aung Hlaing bên lề Diễn đàn Kinh tế miền Đông tại Vladivostok, Nga, ngày 7/9/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Myanmar Min Aung Hlaing bên lề Diễn đàn Kinh tế miền Đông tại Vladivostok, Nga, ngày 7/9/2022.

Sự hậu thuẫn của Nga dành cho nhà cầm quyền quân sự Myanmar là không thể chấp nhận và gây bất ổn, với việc cung cấp vũ khí giúp châm ngòi cho một cuộc xung đột đã trở thành thảm họa đối với nước này, một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ ngày 23/3 nói.

Cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet nói với Reuters rằng Hoa Kỳ lo ngại về tác động rộng lớn hơn của cuộc khủng hoảng leo thang ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính năm 2021 và sự phát triển mối quan hệ của chính quyền quân sự với Nga, vốn có thể tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự ở nước này.

“Bất cứ ai đang nói chuyện với Moscow cần nói với họ rằng việc họ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho chính quyền quân sự Myanmar là không thể chấp nhận. Điều đó gây bất ổn”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn nhân chuyến thăm Đông Nam Á.

“Và đó không chỉ là vấn đề của Myanmar, mà còn là vấn đề của khu vực này.”

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính chấm dứt một thập niên dân chủ tạm thời, với khoảng 1,2 triệu người phải di dời do giao tranh, theo Liên hiệp quốc, khi quân đội tìm cách đàn áp sự kháng cự đối với sự cai trị của quân đội.

Các nhà hoạt động và các chuyên gia của Liên hiệp quốc đã lên án Nga, cường quốc lớn đầu tiên lên tiếng ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar, cũng như Trung Quốc, vì đã cung cấp vũ khí cho một quân đội mà họ cáo buộc là có hành vi tàn bạo có hệ thống đối với dân thường.

Chính quyền quân sự Myanmar nói rằng họ đang chiến đấu với “những kẻ khủng bố”.

“Những gì tôi thấy trong vài năm qua là mối quan hệ quân sự ngày càng phát triển,” ông Chollet nói.

“Hiện tại tôi lo ngại hơn về việc cung cấp vũ khí đến Myanmar chủ yếu từ Nga.”

Nga đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Myanmar kể từ cuộc đảo chính và khi phương Tây tăng cường trừng phạt đối với cả hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng và nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã đến thăm Myanmar, trong khi người đứng đầu chính quyền quân sự Min Aung Hlaing đã đến Nga nhiều lần kể từ năm 2021 và được trao bằng tiến sĩ danh dự.

Ông Chollet nói chính quyền Mỹ coi cuộc khủng hoảng ở Myanmar là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” ở Đông Nam Á, bao gồm sự bất ổn, tội phạm xuyên biên giới và ma túy bất hợp pháp.

Ông nói Hoa Kỳ ủng hộ một nỗ lực ngoại giao của Đông Nam Á tại Myanmar và đang hợp tác với các quốc gia đó để giao tiếp với phe đối lập dân chủ.

“Chúng tôi tin rằng các quốc gia khác nên làm điều tương tự... rằng họ nên giao tiếp,” ông nói thêm.

Ông cũng cho biết các nước trong khu vực đã bày tỏ lo lắng về căng thẳng Mỹ-Trung.

“Chúng tôi muốn xử lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm,” ông Chollet nói.

“Chúng tôi không sợ cạnh tranh... Sẽ có những lĩnh vực trong mối quan hệ sẽ mang tính đối đầu, bởi vì chúng tôi sẽ bất đồng về cơ bản, chẳng hạn như về tương lai của Đài Loan.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG