Đường dẫn truy cập

Tản mạn mồng một Tết ở Hà Nội


Cụ đồ giải thích chữ nghĩa cho khách trẻ.
Cụ đồ giải thích chữ nghĩa cho khách trẻ.

Khí hậu Tết ở Hà Nội năm nay nóng nực khác thường. Mọi năm thì ngay như người Âu Mỹ lúc này cũng phải mặc parka. Vì thế cho nên tình trạng hoa Tết chán lắm. Nắng ấm lâu quá khiến hoa đào nở gần hết hồi Tết Tây, đến Tết Nguyên Đán chẳng còn mấy. Chợ hoa èo uột chả có gì. Không hiểu có phải vì thế hay không mà năm nay có mode mua cây cảnh mini (không phải bonsai). Không hẳn là theo thời thượng, nhưng cũng may tìm được mấy thứ mini khá đẹp mà lại rẻ: cành đào bé tí, cao chỉ hơn 2 gang tay, nhưng có dáng rất đẹp, lại nhiều nụ. Và đêm giao thừa hé nở nụ đầu. Thủy tiên cũng hàm tiếu nụ đầu đêm giao thừa. Tìm được cây quất bé tí để trên bàn chơi, quả cũng khá sai, mà chỉ gần 2,5 đôla.

Đào lẫn Thủy tiên cùng hàm tiếu nụ đầu đêm Giao thừa.
Đào lẫn Thủy tiên cùng hàm tiếu nụ đầu đêm Giao thừa.

Tối 30 năm nay sau khi cúng Giao thừa tôi không đi đền Bích Câu, nơi thờ Trần Tú Uyên, như mọi năm, mà đi chùa Huy Văn gần nhà hơn (gần ngay bên kia đường, vào trong ngõ Văn Chương có mấy chục mét mà lâu nay không để ý). Chùa này là chỗ ngày xưa bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao của vua Lê Thái Tông (sau này là Quang Thục Hoàng thái hậu) sinh ra hoàng tử Tư Thành trong lúc chạy nạn, tránh sự bức hại của bà Huệ Phi Nguyễn Thị Anh. Về sau hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. Thời Lê có lệ làm tượng chân dung (portrait) của hoàng gia để thờ trong các đền, chùa. Trong chùa Huy Văn này còn giữ được các tượng chân dung của vua Lê Thánh Tông, Quang Thục Hoàng thái hậu, và Trường Lạc Hoàng hậu (vợ vua Lê Thánh Tông).

Tượng chân dung Vua Lê Thánh Tông ở chùa Huy Văn.
Tượng chân dung Vua Lê Thánh Tông ở chùa Huy Văn.

Về nhà tự xông đất rồi treo tranh Môn Thần (thần giữ cửa, ở đây là thần Tử Vi trấn trạch bên trái, và thần Huyền Đàn trấn môn bên phải) hai bên ngoài cửa. Ngày xưa người Việt mình có cặp tranh môn thần phổ biến hơn là tranh Thần Đồ, Uất Lũy mà bây giờ không còn tìm đâu ra được…

Tranh môn thần và câu đối Tết.
Tranh môn thần và câu đối Tết.

Chiều mồng một Tết đi ra chợ Ông Đồ gần Văn Miếu. Năm nay họ phục dựng lại lệ cổ bán tranh gà ngày Tết. Tục lệ mua tranh gà ngày Tết này không phải chỉ xảy ra trong những năm gà. Ngày xưa ngày Tết mọi người mua muối (đầu năm mua muối cuối năm mua vôi) để gia đình được đằm thắm, và mua tranh gà để năm mới được may mắn và sung túc. Chọn mãi mua được hai bức ‘Kê nhi hỷ xuân’ (Gà con vui Tết), và ‘Tam dương khai thái’ (Ba dương mang lại sự hanh thông). Ý nghĩa của ‘Tam dương khai thái’ là khi bói dịch số gặp được 3 hào Dương của quẻ Càn thì hết vận bỉ, và mọi việc bắt đầu hanh thông.

Chọn tranh gà.
Chọn tranh gà.

Mọi người đi ‘chợ ông Đồ’ khá đông. Văn Miếu bên kia đường chật cứng khó chen chân vào được. Người ta hay cho trẻ con đi mua chữ. Thành phố Hà Nội một, hai năm nay bầy đặt ra việc sát hạch các ông đồ. Ai được chấm đỗ mới có quyền vào chợ bán chữ. Mà không hiểu ai có quyền sát hạch người ta? Có ai trong những người sát hạch làm được một bài thơ biền ngẫu tứ lục đơn giản, hay làm được một bài thơ Đường cho đúng niêm, luật? Nghĩa là có ai có đủ trình độ tối thiểu của một ông Đồ (Tú tài) để mà sát hạch người khác hay không. Ngay từ năm 1919, trong lần thi Hương cuối cùng, thì đề thi đã hơn nửa là thi Pháp văn và Quốc ngữ. Chỉ có một phần ba là thi chữ Nho. Đến nỗi cũng trong năm 1919 quần thần tâu xin, và được vua Khải Định chuẩn tấu, cho dịch sách chữ Hán ra Quốc ngữ để người Việt “còn biết được văn hóa Việt”. Và từ năm 1936 cụ Vũ Đình Liên đã hoài niệm các ông đồ bằng câu “những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ…” Vì thế đáng lý ra thời nay chỉ cần những người viết được chữ đẹp để thiên hạ đến mua, chứ đâu phải cần các nhà nho uyên bác đi bán chữ như vậy. Có nhiều cụ già tự ái không cho bọn hậu sinh sát hạch để vào bán chữ trong chợ, mà họ ra bán chữ ngoài lề đường.

Qua khỏi mồng một Tết thì cũng chẳng còn làm gì nhiều. Chỉ đi vãn cảnh một vài đền, chùa cổ bên Hồ Tây và Bắc Ninh, Bắc Giang xem người ta đi lễ cho vui thôi… Nhưng quả thật, những khung cảnh xuân đượm nét văn hóa dân tộc cổ truyền này chỉ có thể tìm ra được ở Hà Nội.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG