Ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo có thực quyền quyết sách cao nhất Việt Nam, mới đây nêu rõ những bất cập về khả năng sản xuất và tự chủ công nghệ của đất nước, được nhiều người khen ngợi trên mạng rằng ông dũng cảm, thẳng thắn nhìn vào và nói ra sự thật, tạo hy vọng về những thay đổi.
Tổng Bí thư Tô Lâm của Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu hôm 15/1 tại một diễn đàn cấp quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số rằng Việt Nam “vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia”, theo nội dung bài diễn văn của ông được Báo Điện Tử Chính Phủ đăng lại.
Nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam chỉ ra một “điểm yếu lớn” là năng lực nghiên cứu và phát triển, gọi tắt theo tiếng Anh là R&D, “vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài”. Ông nói thêm rằng, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, ảnh hưởng đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
Tiếp đến, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật thực trạng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt “nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Nêu ra thông tin là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ 6 về xuất khẩu thiết bị máy tính; thứ 7 về gia công phần mềm, thứ 8 về thiết bị linh kiện điện tử, song vị tổng bí thư đặt ra các câu hỏi “Chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài”.
“Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là ‘ngộ nhận’, là ‘tự huyễn hoặc’, là ‘tự ru mình’ không”, ông Tô Lâm nói, theo Báo Điện Tử Chính Phủ.
Vẫn ông Tô Lâm đưa ra dữ liệu rằng khu vực FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài) xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này.
Dẫn ra hoạt động của hãng Samsung của Hàn Quốc ở Việt Nam, ông Tô Lâm chỉ ra rằng trong số gần 240 đối tác của Samsung, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 7% và “chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải”...
“Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng”, nhà lãnh đạo số 1 của Việt Nam nhấn mạnh.
Vị tổng bí thư cũng lưu ý rằng sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp. Chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, ông nói và đề nghị: “Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm ‘lắp ráp - gia công’, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì”.
Theo quan sát của VOA, sau khi bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố, nhiều người - trong đó có Phó Giáo sư Mạc Văn Trang và chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh - đã bày tỏ trên mạng những lời khen ngợi về việc ông “can đảm”, “thẳng thắn”, “dám đối diện với sự thật”, “phân tích sâu và trúng bản chất căn bệnh”, có “tư duy đột phá”…
Từ đó, họ nhận xét rằng ông Tô Lâm nhen lên hy vọng về một sự thay đổi lớn, thậm chí có thể xem là khởi đầu cho “một cuộc cách mạng” dù có lẽ sẽ phải vượt qua những thách thức lớn.
Trong các thảo luận trên mạng, cũng có những người tỏ ra điềm tĩnh hơn, nêu ý kiến rằng những điều ông Tô Lâm nói không hề mới mà thực ra trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động và các chuyên gia phản biện đã từng trình bày, phân tích rồi, song thường bị giới dư luận viên thuộc chính quyền chỉ trích, thóa mạ là “tự nhục”, “phản động”, “phản quốc”, “3 que”, “đu càng”…
Nhóm người có cách nhìn thận trọng này bình luận rằng điều quan trọng là liệu ông Tô Lâm và bộ máy của ông sẽ vạch ra những giải pháp ra sao và hành động như thế nào, đó mới là những gì người dân đang chờ đợi.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, một học giả Việt Nam hiện thỉnh giảng tại American University (Đại học Mỹ) ở thủ đô Washington của Mỹ, đưa ra so sánh với VOA rằng khác với người tiền nhiệm đã qua đời là ông Nguyễn Phú Trọng, một người đề cao vấn đề tư tưởng và đạo đức, đương kim Tổng Bí thư Tô Lâm là người quyết liệt, thực tiễn, muốn thúc đẩy cải cách lớn và có tham vọng cao về đưa Việt Nam phát triển.
Vì vậy, việc ông Tô Lâm chỉ ra những bất cập, thiếu sót làm hạn chế sự phát triển của Việt Nam là một động thái tốt, theo Ts. Hải, và ông nói thêm: “Nó bắt mạch được đúng cái căn bệnh hiện nay của Việt Nam. Việc thẳng thắn chỉ ra điều đó sẽ thôi thúc, tạo ra động lực cho cả xã hội, cho cả chế độ cần phải vận động, cần phải phát triển vì lâu nay chúng ta cứ ru ngủ với nhau. Việc phát triển lâu nay của chúng ta chưa phát huy được tiềm năng mà chúng ta có”.
Nhận định về những giải pháp, chiến lược sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng, của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, Ts. Hải, vốn là giảng viên cao cấp thuộc Đại học Vin ở Việt Nam, nói: “Mục tiêu, trọng tâm mà chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trong năm nay không phải là đổi mới ngay, ra chính sách ngay, mà trọng tâm là chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 14”.
“Sự thành công của Đại hội 14 và ai lên làm lãnh đạo sẽ quyết định về chuyển hóa những quyết tâm, những nghị quyết thành hiện thực trong 5 năm tiếp theo”, Ts. Hải nói thêm.
Đưa ra cái nhìn toàn cảnh gắn với việc Tổng Bí thư Tô Lâm có những tuyên bố và động thái thúc đẩy cải cách thể chế, tinh giản bộ máy nhà nước và đổi mới công nghệ, Ts. Hải đánh giá rằng Việt Nam nhìn chung “đang đi đúng hướng” nhưng người dân và giới quan sát sẽ vẫn phải chờ đợi cho đến sau Đại hội 14 để thấy rõ hơn các quyết tâm của bộ máy lãnh đạo Việt Nam như thế nào, được triển khai ra sao.
Diễn đàn