Những tác phẩm văn chương của những nhà văn Mỹ gốc Phi Châu hay từ các quần đảo trong vùng Caribbean là những đóng góp quý giá cho nền văn chương Mỹ từ hai thế kỷ nay. Đỉnh cao của sự thành tựu này là những tác phẩm của Toni Morrison, giải Văn Chương Nobel 1993. Mặc dù sự kỳ thị trong việc nhìn nhận giá trị văn chương da đen của giới học thuật và giáo dục Mỹ bằng cách loại bỏ những tác phẩm văn chương da đen ra khỏi các quyển văn tuyển giòng chính và trong các chương trình giảng dạy ở trung và đại học đã được xóa bỏ dần dần từ những năm 70 thế kỷ trước, mảng văn chương da đen ở Mỹ vẫn phát triển mạnh, nhất là từ khi Toni Morrison được trao giải Văn Chương Nobel, với những nhà văn thuộc thế hệ sinh trong thập niên 70s, đứng hàng đầu là Colson Whitehead và Marlon James.
Trong một chương trình Điểm Sách trước đây chúng tôi đã giới thiệu Colson Whitehead với tác phẩm Sag Harbor. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin giới thiệu nhà văn Mỹ gốc Jamaica Marlon James với quyển tiểu thuyết có chủ đề chế độ nô lệ The Book of Night Women/Quyển Sách về Những Phụ Nữ của Đêm Tối hiện đã lọt vào vòng chung kết của giải National Critics Circle Award năm 2010 của Mỹ.
Marlon James sinh năm 1970 ở Kingston, Jamaica. Tiểu thuyết dầu tay John Crow’s Devil xuất bản năm 2005 vào chung kết giải văn chương của báo Los Angeles Times và giải Commonwealth Prize cũng như được New York Times chọn là quyển sách hay trong năm.
Marlon James tốt nghiệp khoa văn ở đại học West Indies năm 1991 và bằng thạc sĩ ngành sáng tác ở đại học Wilkes tiểu bang Pennsylvania năm 1996. Có truyện và luận văn đăng trên những tạp chí văn chương ở Mỹ và Jamaica, giảng dạy sáng tác ở Kingston và New York City, cũng như ở Macalester College ở St. Paul tiểu bang Minnesota. Marlon James sống, viết, và dạy học ở New York City và ở Kingston, Jamica.
The Book of Night Women dày 417 trang là một quyển sách khó đọc nhưng hấp dẫn. Khó đọc vì tác giả pha trộn các thể loại tiểu thuyết lịch sử, thuyết thoại về chế độ nô lệ, và truyện giật gân bình dân cũng như các lối nói và phương ngữ của người da đen ở Jamica thời xưa. Nhưng hấp dẫn vì nghệ thuật tả cảnh và kể truyện tài tình của tác giả khi viết về những cảnh bạo tàn, hiếp chóc, trả thù, giết người v.v… tuy làm người đọc ghê rợn nhưng ấn tượng ghi đậm trên tâm trí lại là tình người và niềm hy vọng.
Phải đến gần cuối truyện người đọc mới được tác giả tiết lộ nhân thân nhân vật kể chuyện là một thiếu nữ cháu chắt của nhân vật chính. Câu nói của nhân vật kể chuyện được trải khắp trong quyển sách là “Người da đen nào cũng bước đi quanh một vòng tròn.” Câu nói này có nghĩa là cuộc sống của người da đen ở Châu Mỹ là một vòng luẩn quẩn, đầy ngập những sự việc khủng khiếp do người da trắng đã làm với người da đen và người da đen đã làm với người da trắng và cả với người da đen chỉ vì người da trắng.
Khởi điểm thời gian của truyện là năm 1785 và kết thúc vào năm 1801, truyện xảy ra ở đồn điền mía Montpellier Estate, nằm ở bờ phía Đông Jamaica. Đồn điền rộng mênh mông này là một thế giới cách biệt, bị vây kín với sự bạo tàn tột đỉnh xảy ra triền miên, người dân nào sống ở đó cũng có một sự bí mật phải dấu kín. Vào thời đó xứ này còn đặt dưới sự đô hộ của Đế quốc Anh, cứ 30 người dân da đen mới có một người da trắng.
Truyện mở ra với cảnh một cô gái nô lệ Jamaica 13 tuổi hấp hối trong vũng máu vì cô đang sinh hạ một đứa hài nhi gái thân thể nhày nhụa máu và “khóc ré lên như thể đang bị tống khỏi thiên đường để đi xuống địa ngục.” Người sản phụ chết sau khi sinh con, sau này đứa trẻ được đặt tên là Lilith. Con bé tuy da đen nhưng có cặp mắt xanh rêu vì cha nó là Jack Wilkins, một tay đốc công da trắng của đồn điền mía. Jack Wilkins đã hãm hiếp mẹ của Lilith sau khi giết chết người anh của cô.
Để hiểu rõ hơn đời sống ở đồn điền mía này cũng như ở những đồn điền khác quanh vùng do chủ nhân là người Anh làm chủ, chúng ta cần biết về giai cấp ở đó. Dĩ nhiên trên cao nhất là ông bà chủ người Anh, kế đến là những đốc công, sau đó là chủ gia đình nô lệ, những nô lệ thuộc cùng một hộ, rồi đến thợ làm mía, và cuối cùng là những phu trồng mía. Ngoài ra còn phải kể tới bọn da đen trung thành với chủ, được trang bị võ khí để canh chừng quanh đồn điền. Bọn này cực kỳ hung bạo, vô nhân. Thành phần bị hành hạ tàn bạo nhất là đám phu trồng mía, không những phải lao động từ tờ mờ sang đến chiều tối mà còn bị quất roi hay chặt chân tay tuy chỉ phạm một lỗi lầm nhỏ.
Lilith sinh trưởng trong một thế giới với cái khởi đầu là hãm hiếp và sự chết nên tâm hồn người thiếu nữ này đã in đậm thù hận nên dĩ nhiên cô có thiên hướng trả thù, có bản năng giết người một cách lạnh lùng. Mới hơn 10 tuổi Lilith đã dùng dao giết chết một đứa con trai định hãm hiếp nó. Sống trong cái xã hội khép kín, bí mật, và nghi ngờ đó, con người kể cả da trắng lẫn da đen coi nhau như kẻ thù. Nhưng Lilith đã tìm được sự thân thiết gần gũi khi Homer, một phụ nữ da đen đứng đầu đám phụ nữ làm công việc nhà, âm thầm đóng vai thủ lãnh bí mật, tuyển vào nhóm Phụ Nữ của Đêm Tối hoạt động bí mật âm mưu gây những cuộc nổi loạn ở Monpellier Estate và những đồn điền lân cận.
Nhóm này gồm 6 phụ nữ đứng đầu là Homer, một tính cách mãnh liệt, trái tim mang nặng hận thù. Tác giả đặt tên những phụ nữ này theo chữ Hy Lạp như Homer, Gorgon, Callisto, Hippolyta, Lilith… vì thời đó ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp còn rất đậm ở Jamaica. Theo lời người kể chuyện thì tất cả 6 phụ nữ trong nhóm Đêm Tối đều là con rơi con rớt của đốc công Jack Wilkins.
Đại đa số người da đen thời đó không biết chữ. Nhưng đặc biệt Homer lại biết chữ, và quyển sách gối đầu giường của cô là quyển “Joseph Andrews” của Henry Fielding. Ngoài việc biết chữ ra Homer còn có khả năng chữa bệnh cũng như chế tạo độc dược. Homer rất thương yêu và kỳ vọng về Lilith nên cô dạy cho Lilith biết đọc vì theo Homer khi một người biết đọc thì “cô ta có thể lập kế hoạch, dù chỉ trong nháy mắt.” Ngoài ra Homer cũng huấn luyện Lilith kỹ thuật giết người và khủng bố.
Tâm hồn Lilith có khác những phụ nữ trong nhóm vì ngoài thù hận Lilith cũng khao khát yêu đương. Đã có lúc Lilith đã phải lòng Humphrey, con trai chủ đồn điền người Anh nhưng rồi cô bị phản bội. Trong khi thất vọng Lilith cặp bồ với Robert Quinn, một đốc công gốc Ái Nhĩ Lan thù ghét người Anh. Robert thật lòng thương yêu và bảo vệ Lilith nên cô xóa bỏ dần dần lòng thù hận đối với Jack Wilkins cha cô, và cũng không còn tha thiết với việc giết hại người da trắng như kế hoạch của Homer nữa. Tuy Lilith cảnh báo Homer cuộc nổi loạn sẽ thất bại nhưng Homer là một thủ lãnh cương quyết nên cuộc nổi loạn đã bùng lên như dự tính.
Lilith tin tưởng rằng cặp mắt màu xanh rêu của mình là chứng cớ cha cô là một người da trắng, và điều này khẳng định cô là một người đặc biệt khác với những người nô lệ. Lilith không cảm thấy xấu hổ khi tuyên bố “mũi tên bắn thẳng từ sự xấu xa sang sự đẹp đẽ là từ đen sang trắng,” cho nên Lilith có những khát vọng xa hơn những phụ nữ trong nhóm Phụ Nữ của Đêm Tối.
Với niềm tự hào và lòng cuồng nhiệt, mãnh liệt và không biết ơn, Lilith đã từ chối để mình bị cuốn hút vào hành động của nhóm cho nên cuối cùng cô đã nếm những bài học thương tổn đớn đau. Niềm tin mặc dù mình hiện là một người nô lệ số phận thấp hèn nhưng Lilith có quyền muốn được hơn nữa như lời kể của nhân vật tự sự: “Đôi khi cô mong ước Thương đế toàn năng sẽ xuất hiện và một lần nữa làm lụt lội cho trôi hết mọi người đi. Ruông mía, đồn điền và cả quận hạt này. Quận hạt này và cả thế giới nữa. Rất có thể mọi người sẽ bắt đầu lại hết và nô lệ là tự do và tự do là nô lệ.” Cho nên dù bị hành hạ, bị roi quất để lại những vết sẹo trên thân thể Lilith vẫn tin tưởng “sẹo chỉ làm cho làn da mạnh mẽ hơn,” và rằng “rồi sẽ không còn roi vọt, không còn những bàn tay ẩn dấu quất mình ngã xuống.”
Khi cuộc nổi loạn do Homer khởi xướng nổ ra Lilith đã cứu sống Robert Quinn. Nhưng khi cuộc nổi loạn bị dẹp tan chỉ sau một ngày, người da trắng lập tức trả thù người da đen một cách hết sức tàn bạo. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử của xứ Jamaica xảy ra không biết bao nhiêu cuộc nổi dậy, máu đã chảy rất nhiều nhưng “khi ông chủ cũ chết đi, ông chủ mới lên thay thế không đảm bảo một tương lai sáng sủa hơn cho dân chúng mà đất nước còn chìm xâu vào hỏa ngục hơn. Càng đàn áp càng xảy ra nhiều cuộc nổi loạn đến nỗi một sử gia đã phải đưa ra nhận xét “Jamaica có sự ổn định của một thùng thuốc súng đặt trên bếp lửa.”
Tác giả cho thấy trong tính cách của Lilith có những xung lực đối nghịch giữa đen và trắng, giữa giết chóc và yêu thương, giữ thủ phạm và nạn nhân, giữa yếu đuối và sức mạnh quật khởi. Tuy quyển Những Phụ Nữ của Đêm Tối khá hấp dẫn nhưng cũng làm người đọc rất ghê rợn trong những mô tả cảnh hà hiếp, hành hạ tra khảo đầy thù hận, cuộc nổi loạn máu chảy thịt rơi. Ngoài ra người đọc cũng còn phải tìm hiểu nghĩa những phương ngữ, chẳng hạn chữ “Combolo” có nghĩa là gia đình, “duppy” có nghĩa là ma quỷ v.v… và điều này cũng gây khó khăn không ít cho người đọc.
The Book of Night Women là một truyện kể về cuộc nổi loạn do sáu phụ nữ da đen Jamaica cầm đầu xảy ra vào cuối thế kỷ 18. Tác giả không chủ tâm trả lời câu hỏi như các tiểu thuyết lịch sử vẫn làm là mô tả “cái gì đã xảy ra” mà muốn trả lời câu hỏi “tại sao lại xảy ra”. Nhân vật chính trong truyện là Lilith, một thiếu nữ bố da trắng mẹ da đen được tác giả trình bày như một sự đối nghịch giữa đen và trắng.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Trump tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai, nói rằng ông được 'Chúa cứu rỗi' để giải cứu nước Mỹ
2Gia đình ông Trump trông khác khi ông trở lại Tòa Bạch Ốc lần này
3Sắc lệnh hành pháp là gì? Nhìn vào công cụ của ông Trump để nhanh chóng tái định hình chính phủ
4Ông Trump và sự trở lại nắm quyền chưa từng có tiền lệ, nhắm đến tái định hình các định chế Hoa Kỳ
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!