Viết truyện về những người nghiện rượu, con đường dẫn tới nghiện ngập, và những hậu quả do nghiện rượu gây ra, tuần tự theo một lộ trình đường thẳng dù kỹ thuật tự sự và lối viết văn có trên mức trung bình thật cũng khó hấp dẫn được người đọc. Vả lại việc khai thác chủ đề “nghiện rượu” theo cách này đã được các nhà văn trước đây khai thác khá nhiều, và dù có cho vào truyện những tình tiết ly kỳ chăng nữa thì kết cục người đọc vẫn không rút ra được điều gì sau khi đọc xong quyển truyện.
Ta có thể thấy lộ trình của kẻ nghiện rượu gồm ba đoạn: giai đoạn khởi đầu đi vào nghiện ngập, giai đoạn gây ra những hậu quả đáng tiếc, và giai đoạn kết thúc tuy có nhiều kịch bản khác nhau tùy trường hợp từng cá nhân nhưng thường là bi thảm như thường xảy ra ngoài đời. Nhưng còn những kẻ nghiện rượu, sau khi gây hậu quả thảm khốc cho người khác, đã can đảm “cai dứt rượu” được thì sao? Đó là câu hỏi nhà văn nữ Mỹ Michelle Huneven muốn đặt ra khi viết quyển tiểu thuyết Blame/Qui Tội được xuất bản cuối năm ngoái và được người đọc cũng như giới phê bình đón nhận tích cực.
Quyển này cũng được chọn vào vòng chung kết của giải văn chương National Book Critics Circle năm 2010 do những nhà phê bình lập ra.
Michelle Huneven sinh năm 1953 ở Altadena, California, tốt nghiệp khóa viết văn Iowa Writers Workshop, ngoài việc viết tiểu thuyết còn là tác giả những bài viết về nhà hàng và thực phẩm của tờ Los Angeles Weekly và Los Angeles Times. Từ năm 2001 Michelle Huneven về cư ngụ tại Altadena nơi chốn bà sinh trưởng và cũng giảng dạy lớp viết văn ở UCLA và Occidental College.
Tiểu thuyết đầu tay Round Rock xuất bản năm 1997 có nhân vật chính là một sinh viên bậc cao học miễn cưỡng phải cai rượu dần dần ở một trại cai nghiện ở vùng quê California. Cuốn tiểu thuyết thứ nhì Jamesland in năm 2003 lấy khung cảnh khu dân cư Los Feliz kế cận Los Angeles với ba nhân vật gồm một mục sư, một hậu duệ của triết gia William James, và một tay đầu bếp nổi tiếng – những số phận đang có những vấn đề nan giải – họ gặp nhau trong những buổi hội thảo trị liệu – gần gũi giúp đỡ nhau để hiểu được bản thân và vượt qua những khó khăn ttrong đời sống. Nói chung chủ đề tiểu thuyết cùa Michelle Huneven xoay quanh sự bình phục và trưởng thành. Bà được nhận giải Whiting Writers’ Award năm 2002.
Tựa đề quyển truyện Blame/Qui Tội cho người đọc thấy ngay được chủ đề nỗi dằn vặt của tội lỗi và con đường tìm lại sự vô tội đã mất. Phần đầu quyển truyện khá ngắn, có thời điểm “Tháng Bảy năm 1980”, lời kể chuyện nhanh, tác giả cho xuất hiện ba nhân vật: cô bé Joey Hawthorne 12 tuổi được ông chú tên Brice cùng cô bạn gái của ông là Patsy MacLemoore đột ngột đến trường đón đi thăm mẹ cô bé mắc chứng ung thư vú ở bệnh viện. Dù còn nhỏ Joey cũng lờ mờ hiểu được việc đi thăm đột ngột bất thường này báo hiệu sự tang chế.
Trên đường đến bệnh viện Patsy dù đã khá chuếch choáng lại đòi xỏ lỗ tai cho Joey. Phần mở đầu truyện này chủ ý tác giả gây ngạc nhiên cho người đọc và cũng để người đọc làm quen với nhân vật chính Patsy, kẻ có một tính cách khá khác thường qua cái nhìn của cô bé Joey, kẻ 20 năm sau đóng một vai trò khá quan trọng ttrong đời Patsy.
Sang phần II “Tháng 5, 1981” mở ra với cảnh Patsy đang bị giam ở nhà tù Altadena, California vì tội say rượu cán chết một phụ nữ và đứa con gái nhỏ trên lối lái xe ra vào nhà nên lãnh án 4 năm tù. Dù không tha thiết nhưng ở trong tù Patsy cũng dự những cuộc hội thảo nhóm do tổ chức AA (Anonymous Alchoholics) giúp người cai nghiện rượu. Trong phần này tác giả mới cho người đọc biết rõ hơn về Patsy.
Năm nay 29 tuổi, Patsy là một giáo sư đại học ngành Sử. Thời còn ở trung học Patsy đã nổi tiếng học giỏi, “có hạng cao” vì là người đầu tiên trong gia đình vào học cấp thạc sĩ rồi tiến sĩ ở đại học danh tiếng Berkeley ở California, đồng thời cũng là người đầu tiên trong gia đình bị giam trong trại cải huấn người nghiện rượu!
Patsy hồi tưởng về những ngày học đại học bạn bè thường nói theo lời kể “Bọn mình không theo kip bạn được, Patsy ạ. Và cũng chẳng ai theo kịp được cuộc đời của Petsy.” Nhưng bên cạnh những ưu điểm như thông minh, học giỏi, lóng lánh Patsy cũng là một kẻ “có máu rượu chè” và sống buông thả. Tốc độ kể chuyện trong phần này vẫn còn nhanh, giọng văn tác giả có phong độ một tay làm nghề viết truyện chủ động được giòng tự sự.
Sang phần 3 “Tháng Sáu 1983” với Patsy tuy đã được ra tù nhưng tâm khảm vẫn còn mang nặng nỗi ám ảnh tội lỗi do mình gây ra nên quyết tâm thay đổi như lời người kể chuyện thuật lại “Trước đây cô ta ăn nói sắc xảo, miệng lưỡi. Nhưng nay thì cô ta đã nguyện với lòng mình: không dùng lời nói để hại ai nữa. Cô ấy hoàn toàn bắt đầu lại từ đầu. Ngậm miệng lại. Cô hài lòng về sự trầm lặng ít nói của mình, ngoại trừ khi cô cảm thấy mình là kẻ hợm hĩnh.” Điểm khá độc đáo là nhận xét của Patsy về nhà tù: nhà tù thực không cung cấp cho tù nhân một không gian tâm tưởng để hối lỗi.
Nhịp độ kể chuyện từ đây chậm lại. Patsy trở lại với công việc giảng dậy tại một đại học nhỏ ở California một cách nghiêm túc, chỉ giao du với một vài người bạn thật thân, sống đơn giản trong một căn hộ thuê, và tiếp tục dự những buổi hội thảo dành cho người cai rượu vì sau khi ra tù vẫn còn ở trong giai đoạn bị kiểm soát hành vi. Patsy cũng đến gặp Eileen Silver, một tâm lý gia trị liệu, để được cố vấn vì theo một bạn tù nhận xét rằng người càng có nhiều học vấn càng khó dứt hẳn rượu.
Patsy nay rất thân thiết với Giles là bạn tình đồng tính của Brice, cũng là một cựu tù nhân vì nghiện rượu. Tuy là người đồng tính nhưng cả Brice và Giles đối xử với Patsy rất tốt. Ngoài ra Patsy cũng tìm gặp chồng của người phụ nữ cô cán chết và giúp đỡ tiền bạc ông ta để có thể lo cho đứa con trai của hai người học hành đàng hoàng. Và rồi định mệnh xui khiến, Patsy gặp Cal Sharp, một người rất được kính nể vì không những là một người làm thương mại thành công giàu có mà còn đứng ra tài trợ hội những người cai rượu AA và tận tình giúp đỡ để họ làm lại cuộc đời.
Cal rất lịch thiệp, rộng rãi về tiền bạc, tuy đã khá lớn tuổi. Hơn nữa chính Cal Sharp cũng là một người nghiện rượu trước đây. Dù trong lòng không hẳn đã yêu Cal nhưng Patsy nhìn thấy ở người đàn ông tuy lớn tuôi hơn cô là một người cô có thể sống chung nốt quãng đời còn lại. Hai người làm đám cưới mặc dù Patsy mới đây có gặp một nghiên cứu sinh nam trạc tuổi cô, anh này rất thông minh, trí thức, dễ mến nên tuy Patsy có tình cảm tốt đẹp về anh ta nhưng vẫn cố gắng trung thành với cuộc hôn nhân của mình.
Nhưng cuộc hôn nhân của Patsy và Cal không phải là hạnh phúc. Trước hết Patsy phải đối đầu với đứa con gái riêng của Cal, một thiếu nữ mới lớn con nhà giàu nhiều thói hư tật xấu, không có thiện cảm với Patsy. Và tuy bề ngoài là người giàu có, nhiều nhà cửa bất động sản nhưng sự thực đó không hẳn là tài sản của Cal.
Sự thật Cal chỉ là một kẻ làm thuê, quản lý tài sản và thương mãi cho đại gia đình của ông ta. Nhưng nỗi thất vọng lớn nhất của Patsy là về con người thực của Cal, con người đó không phải là kẻ Patsy đã kính trọng yêu mến. Sống bên nhau Patsy mới biết Cal có cái tính cách điển hình của một người da trắng theo đạo Tin Lành: coi trọng đồng tiền, có thái độ chống trí thức, đầu óc địa phương hẹp hòi, trung thành với tiêu chí phi thương bất phú. Khi còn nhỏ chính Patsy đã chán mứa cái thế giới sống đó nên mới tìm lối thoát khi về Berkeley, California theo đuổi việc học. Mẹ của Patsy từ trần khi cô còn đang ở trong tù và cha cô hiện nay tuy đã già nhưng vẫn là một kẻ say sưa cuồng nộ. Như vậy ta thấy hôn nhân không phải là niềm an ủi đối với Patsy.
Một biến cố bất thường lại xảy đến đột ngột: người ta cho Patsy biết không phải Patsy đã lái xe cán chết người phụ nữ và đứa con gái bà. Kẻ gây ra tai nạn đã kịp thời trốn thoát. Khi biết sự thực như vậy Patsy đã bao ngày sống trong tội lỗi thống hận nên coi thông tin đó không thay đổi được gì.
Là một trí thức, Patsy suy tưởng về sự phạm tội của mình, tìm ra con đường riêng để sống. Trong cuộc trò chuyện với Silver, vị bác sĩ tâm lý Patsy đã nói rõ quan niệm của mình khi Silver khuyến khích Patsy nâng bản ngã mình lên một tầm cao hơn, rũ bỏ nghiện ngập cũng như sự ám ảnh, cưu mang một bản ngã đích thực, phá bỏ mọi sự nô lệ, Patsy đã trả lời “Tôi đến gặp bà chỉ cốt để làm cách nào để sống với sự phạm tội,” một câu trả lời rất trí tuệ.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.