Đường dẫn truy cập

Thêm một TNS Dân chủ tuyên bố chống thỏa thuận với Iran


Thượng nghị sĩ Menendez cho biết Tổng thống Obama đã sai lầm khi nói rằng thỏa thuận này sẽ vĩnh viễn chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran (ảnh tư liệu).
Thượng nghị sĩ Menendez cho biết Tổng thống Obama đã sai lầm khi nói rằng thỏa thuận này sẽ vĩnh viễn chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran (ảnh tư liệu).

Một Thượng nghị sĩ nổi tiếng của Đảng Dân chủ cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, khiến cho việc thông qua thỏa thuận này ở Quốc hội càng thêm bất định.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez của bang New Jersey cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Ba tại Đại học Seton Hall rằng ông cho là thỏa thuận này sẽ cho Iran giữ lại điều mà ông gọi là "yếu tố cốt lõi của một cơ sở hạ tầng hạt nhân mạnh mẽ."

"Nếu Iran mà thủ đắc một quả bom hạt nhân thì sẽ không có tên tôi trên đó," ông Menendez nói. "Tôi sẽ bỏ phiếu không chấp thuận thỏa thuận này và, nếu được yêu cầu, tôi sẽ bỏ phiếu bác phủ quyết (của Tổng thống)."

Ông Menendez cho biết Tổng thống Barack Obama đã sai lầm khi nói rằng thỏa thuận này sẽ vĩnh viễn chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran. Thượng nghị sĩ này nói rằng Iran đã nuốt lời hứa trước đây của họ về việc từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Ông cũng nói rằng thỏa thuận này chỉ khiến cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran thu hẹp lại chứ không bị dỡ bỏ.

Tháng trước, Thượng nghị sĩ bang New York Chuck Schumer, nhân vật cao cấp thứ ba của Đảng Dân chủ, cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận hạt nhân và sẽ cố gắng thuyết phục những thượng nghị sĩ khác làm theo.

Tổng thống Obama đã hứa sẽ phủ quyết nếu Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu chống lại thỏa thuận hạt nhân vào tháng sau. Không rõ liệu Quốc hội có huy động đủ phiếu để bác quyền phủ quyết hay không.

Thỏa thuận đạt được giữa Iran và năm cường quốc lớn của thế giới - gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, và Nga - đòi Iran phải giảm thiểu hoạt động tinh chế uranium của mình để không chế tạo được một quả bom, và mở cửa những địa điểm quân sự cho các thanh sát viên quốc tế đến để bảo đảm Iran tuân thủ thỏa thuận.

Đổi lại, sáu cường quốc sẽ giảm bớt những biện pháp trừng phạt đã khiến nền kinh tế Iran điêu đứng. Những người ủng hộ thỏa thuận này gọi đây là thỏa thuận hạt nhân mạnh mẽ nhất có thể. Những người chống đối, trong đó có Israel, nói rằng thỏa thuận cho Iran thời gian để chế tạo một quả bom và củng cố điều mà họ gọi là nhà nước khủng bố.

VOA Express

XS
SM
MD
LG