Hàng triệu gia đình ở Việt Nam với hàng chục triệu người đang thắc thỏm khi con cháu bước vào Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2019 mà kết quả sẽ quyết định đứa trẻ có thể nhận bằng tốt nghiệp cấp ba hay không, sau đó, sẽ được trường đại học nào tiếp nhận (?).
Trong vài ngày vừa qua, những thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đã trở thành chủ đề chính cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội. Độc giả, bất kể giới nào, đang ở đâu cũng cảm thấy xao xuyến với những câu chuyện bên lề kỳ thi này, chẳng hạn:
- Một bà mẹ phải bỏ nhà mình đi chăm sóc nhà của người khác để có tiền lo cho con cái ăn học, sát ngày thi đầu tiên mới có thể xin nghỉ vài tiếng, hối hả đón xe về nhà nhưng vẫn không kịp gặp con gái trước khi cô vào phòng thi, thành ra bà bật khóc vì không thể thực hiện được mơ ước: Hỗ trợ con về mặt tinh thần (1).
- Dù trời nắng hay mưa, những người cha, người mẹ, trong đó không ít những cụ ông, cụ bà vẫn luẩn quẩn, loanh quanh trước các điểm thi, đợi con cháu, nhìn mặt chúng để dự đoán kết quả. Chững chạc hay lam lũ thì phụ huynh vẫn có một điểm chung: Hồi hộp, lo âu nhưng vẫn tìm cách này, cách khác nhắc nhau đừng làm lũ trẻ căng thẳng.
- Ngay cả khi có những chuyện vốn dễ làm người ta bật cười như ngủ quên (2), mải tìm bò (3),… lỡ hoặc suýt lỡ các buổi thi nhưng gần như không ai nỡ trách. Các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có lẽ là những dịp hiếm hoi, người ta thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương… dễ thương.
Làm sao không tán thưởng khi những nhóm “Tiếp sức mùa thi” lo cho những đứa trẻ nghèo miếng ăn, chỗ ở. Công an triển khai những kế hoạch chống kẹt xe. Hội đồng thi phát cảnh báo, hệ thống công quyền tiếp nhận - tìm kiếm những đứa trẻ chưa trình diện giám thị, giao cho công an đưa chúng đến trường thi (4)?
- Giống như các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây, kỳ thi này lại làm người ta bồi hồi thương cảm vì có nam sinh suy thận, trước ngày thi phải chạy thận nhân tạo nhưng vẫn ráng lết đến trường thi (5). Tương tự, có nữ sinh mới mổ ruột thừa nhưng không chịu bỏ thi nên được đưa đến trường bằng xe cứu thương (6)…
Hiếm có xứ sở nào như Việt Nam, đeo đuổi việc mở mang học vấn là phải chấp nhận dấn bước trên một con đường toàn khổ nạn mà dù muốn hay không, cả đứa trẻ lẫn phụ huynh phải cùng nhau gánh đủ loại khổ nạn từ tìm nơi học, học phí, lệ phí, chi phí học thêm, chương trình quá tải, thi cử trở thành thái quá và luôn luôn phát sinh các bất cập.
Hiếm có dân tộc nào nhẫn nại chịu đựng các bất cập ấy như người Việt, cho dù rất nhiều dân tộc khác đã vẫy tay tạm biệt các kỳ thi tuyển vào lớp 10, tốt nghiệp phổ thông trung học từ lâu mà vẫn đạt những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực giáo dục, đủ để không ngừng phát triển khoa học – kỹ thuật, kinh tế - xã hội.
***
Ngày xưa, cổ nhân thường răn hậu sinh: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Sau này, người Việt thường nhắc nhau: Sau cơn mưa, trời sẽ sáng. Tuy nhiên trong tương quan giữa giáo dục với tương lai, gánh vác khổ nạn khi đeo đuổi việc mở mang học vấn lại không mang tới bất kỳ kết quả tích cực nào, kể cả khi hoàn tất bậc đại học, thậm chí sau đại học.
Dưới gầm trời này, chắc chắn sẽ rất khó tìm thấy những bi kịch như bị kịch xảy ra hồi tháng 4 năm 2013 ở Cà Mau: Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ngụ tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau treo cổ, tự kết liễu cuộc đời của mình. Lý do khiến bà Nhân hành động như vậy là vì bà bị bệnh nan y, đứa con trai lớn đang theo học Cao đẳng Dầu khí sắp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Trong thư tuyệt mạng, bà Nhân bày tỏ hi vọng sau cái chết của bà, tổng thu nhập/tháng của cả gia đình sẽ giảm, nhờ vậy sẽ hội đủ tiêu chuẩn của một “gia đình nghèo”, ba đứa con của bà sẽ được giảm hoặc miễn học phí. Bà Nhân mong các con không trách mẹ và ráng học hành thành tài (7)…
Cũng năm 2013, nhiều tờ báo ở Việt Nam cùng kể về ông Nguyễn Hữu Định – một nông dân nghèo, bỏ quê tìm về Hà Nội để bốc vác, khi kiệt sức thì chuyển qua sửa xe để có tiền nuôi bốn đứa con ăn học. Mười năm mưu sinh tại Hà Nội là mười năm ông Định trú trong một ống cống bằng bê tông, đường kính 1,2 mét. Trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2013 tại Việt Nam, hai đứa con trai song sinh của ông Định trở thành thủ khoa, một của Đại học Y Hà Nội, một của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đó, cô con gái lớn của ông Định đã giành được một chỗ trong Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn Hà Nội, cô con gái thứ hai thì giành được một chỗ trong Cao đẳng Giao thông - Vận tải (8)…
Sự học của ba đứa con bà Ngân, bốn đứa con ông Định không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn nhuốm cả máu của những bậc sinh thành. Từ đó đến nay đã sáu năm, hệ thống truyền thông chính thức Việt Nam không cho biết các con của bà Ngân, ông Định ra sao nhưng khi đa số thanh niên có học vấn cao cùng thất nghiệp, phải làm đủ thứ việc không cần học vấn hoặc không như chuyên môn đã từng mơ ước, từng trả một giá rất đắt để đến được đích, ít ai dám tin con cái của bà Ngân, ông Định may mắn trở thành ngoại lệ: Tìm được việc làm đúng sở trường, tương lai ổn định… tương xứng với cả nỗ lực lẫn kỳ vọng của cha mẹ.
Hàng chục triệu người Việt thuộc nhiều thế hệ đã đi hết con đường mở mang học vấn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu như vậy. Đáng ngạc nhiên là hàng chục triệu người Việt ấy lại xem mồ hôi, nước mắt, sức lực, nỗ lực của cả cha mẹ lẫn của chính mình trở thành… công cốc như một sự mặc định của số phận, không thắc mắc và chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải điều chỉnh để tạo ra những cơ hội tương xứng. Cho đến giờ này, người Việt chỉ nghiêng mình trước hi sinh phi thường của nhiều người cha, người mẹ, trầm trồ trước những nỗ lực vượt khó khó tin của thế hệ trẻ rồi thở dài khi hi sinh, nỗ lực có tới mực nào thì tương lai cũng vẫn vô vọng, vô định rồi… thôi. Tại sao cam chịu, từ bỏ các quyền chính đáng và lợi ích hợp pháp lại trở thành thuộc tính?
***
Thập niên 1980, nhiều người nghêu ngao bài hát Đi qua vùng cỏ non của Trần Long Ẩn vì lời nhạc phẩm này có những câu có thể dùng như một cách diễn tả tâm trạng của họ: Em phải đi đến nơi, dù muộn cũng phải nói với nhau: Những dòng sông đã lâu, không ra được biển rộng là... những dòng sông lạc loài, muộn phiền quanh vách núi, như gương không người soi! Từ đó đến nay đã gần bốn thập niên, tuy những dòng sông đã biến dạng theo hướng tệ hơn, trở thành đầm lầy, ao tù nước đọng song những trăn trở lại nhỏ hẹp hơn. Khát khao của đa số giờ chỉ là cơm ăn, áo mặc, nhà lầu, xe hơi,… dù triển vọng thân lạc, tâm an càng ngày càng giống ảo vọng, đặc biệt là với con cháu của mình.
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/thi-sinh-den-so-gd-dt-khoc-xin-duoc-thi-vi-ngu-quen-20190625095915671.htm
(3) https://tuoitre.vn/di-tim-bo-suyt-tre-gio-thi-20190625094200344.htm
(5) https://tuoitre.vn/nam-sinh-chay-than-truoc-ngay-di-thi-thpt-quoc-gia-20190625091724379.htm
(6) https://tuoitre.vn/moi-mo-ruot-thua-nu-sinh-di-xe-cuu-thuong-den-truong-thi-2019062508344716.htm
(7) http://tuoitre.vn/nguoi-me-tu-van-vi-chong-con-chinh-quyen-dia-phuong-co-loi-545422.htm
(8) http://news.zing.vn/10-nam-muu-sinh-via-he-song-ong-cong-cua-bo-thu-khoa-dh-y-post343896.html