Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 26/7 cho biết ông sẽ từ chức và trao lại quyền lực cho con trai ông vào tháng tới, kết thúc chính quyền Hun Sen dài gần 4 thập kỷ trong đó ông đã thiết lập được sự ổn định sau nhiều năm chiến tranh nhưng đồng thời cũng bóp nghẹt nền dân chủ của đất nước.
Là một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất thế giới, ông Hun Sen đưa ra tuyên bố này vài ngày sau khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông giành được 120 trên 125 ghế quốc hội trong một cuộc tổng tuyển cử mà tất cả các đối thủ nặng ký đều bị loại bỏ.
“Tôi đã gặp nhà vua và trình rằng tôi sẽ không tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng nữa,” ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc. "Tôi phải hy sinh và thôi cầm quyền."
Ông Hun Sen, 70 tuổi, cho biết con trai ông, Hun Manet, sẽ được hoàng gia chuẩn thuận làm thủ tướng vào ngày 10/8 và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22/8.
"Hun Manet... sẽ trở thành thủ tướng trong vài tuần tới," ông Hun Sen nói.
Ông Hun Sen cho rằng đã đến lúc nhường chỗ cho thế hệ lãnh đạo trẻ hơn.
"Việc có một nội các mới bao gồm hầu hết những người trẻ tuổi là rất cần thiết... những người chịu trách nhiệm cho tương lai," ông nói. "Hòa bình và phát triển lâu dài sẽ được tiếp tục dưới thời con trai tôi."
Nhưng ông Hun Sen sẽ không biến mất sau khi thôi làm thủ tướng. Ông cho biết ông sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng cầm quyền và là đại biểu Quốc hội. Ông Hun Sen gần đây nói rằng ông sẽ trở lại vai trò thủ tướng nếu con trai ông không đảm nhiệm tốt chức vụ này.
Gần Trung Quốc hơn
Các chính trị gia đối lập, hầu hết là những người sống lưu vong, và các nhóm nhân quyền nói rằng ông Hun Sen đã đàn áp các thể chế dân chủ trong nhiều năm trong khi các đồng minh trong đảng của ông và người thân của họ được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi trong kinh doanh.
Chính phủ của ông Hun Sen đã bác bỏ các cáo buộc về tham nhũng trong hàng ngũ của họ từ các chính trị gia đối lập, các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động môi trường trong nhiều năm.
Ông Hun Sen vào năm 1993 bác bỏ kết quả của một cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt do Liên Hợp Quốc tổ chức nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài kể từ khi Campuchia bị kéo vào cuộc chiến tranh Việt Nam vào cuối những năm 1960.
Ông tham gia vào một liên minh không tốt đẹp với các đối thủ bảo hoàng, rồi sau đó ông đã lật đổ họ trong một cuộc tiếp quản đẫm máu vào năm 1997.
Từng là chỉ huy cấp trung của chế độ cộng sản Khmer Đỏ, ông Hun Sen đã phản ứng lại những nỗ lực của Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác nhằm thúc ép ông ủng hộ nền dân chủ bằng cách xích lại gần Trung Quốc.
“Điều đáng lo ngại là Campuchia đã chứng kiến không gian dân chủ liên tục bị thu hẹp trong những năm gần đây, làm suy yếu các quyền tự do cơ bản và quyền tham gia vào các vấn đề công,” Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 26/7.
Nhưng ông Hun Sen cũng được ghi nhận là người đã xây dựng hòa bình và nâng Campuchia lên vị thế nước có thu nhập trung bình, cải thiện y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng trong suốt 38 năm cầm quyền.
Trong khi đó ông Hun Manet, người được đào tạo ở phương Tây và là phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Campuchia, không cho biết nhiều về tầm nhìn của ông đối với đất nước. Ông đã giành được một ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử hôm 26/7.
Ông Hun Sen cho biết quốc hội mới sẽ nhóm họp vào ngày 21/8 và thủ tướng cùng nội các mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22/8.
Các nhà phê bình cáo buộc cuộc bầu cử 26/7 là một sự ngụy tạo sau khi chính phủ truất quyền của đảng đối lập duy nhất và đe dọa sẽ trừng phạt bất kỳ ai kêu gọi tẩy chay.
Đảng CPP đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 2018, sau khi một đảng đối lập trước đó bị Tòa án Tối cao giải tán.
Diễn đàn