“Ngày trắng” le lói niềm hy vọng
Nhiều người dân Campuchia gọi 22/7/2023 là “ngày trắng”, vì mọi hoạt động đều chậm lại, một số hàng quán đóng cửa và đặc biệt người dân không được uống bia rượu cũng như không bàn về chính trị. Theo các hãng tin, nếu ngày 21/7 sôi động và náo nhiệt bao nhiêu thì ngày 22/7 lại im ắng bấy nhiêu. Người dân thường dành thời gian đó ở nhà để “bình tâm” trước cuộc bỏ phiếu được cho là “trọng đại” (1). Còn theo Khmer Times, các quan sát viên của “Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á” (ICAPP) trong cuộc họp báo sáng 24/7/2023 tại khách sạn Sokha cho biết, tiến trình bầu cử Quốc hội khóa 7 năm 2023 là minh bạch, công bằng, tự do, dân chủ và bất bạo động. Những người này đến thăm các điểm bỏ phiếu ở một số thủ đô và các tỉnh của CPC và nhận thấy quá trình bỏ phiếu diễn ra vào lúc 7 giờ sáng. Tại điểm bỏ phiếu, hàng dài người đều chờ đợi để vào phòng bỏ phiếu với nét mặt hân hoan để tiếp tục cuộc bầu cử cho đến 3 giờ chiều (2). Ngoài ICAAP, Nga và Trung Quốc, không có quan sát viên từ Mỹ và các nước phương Tây.
Kết quả cuộc bầu cử hầu như đã được báo trước. Khoảng 9,7 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trong tổng số 16 triệu dân của CPC, được kêu gọi bầu lại 125 đại biểu Quốc hội cho nhiệm kỳ 5 năm. Trước đó, tất cả các đảng đối lập tiềm năng đã bị loại khỏi cuộc đua. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong tay Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố chiếm được hầu như toàn bộ số ghế. Sau gần 39 năm điều hành đất nước, ông Hun Sen, 70 tuổi, về mặt chính thức sẽ lùi vào hậu trường để nhường quyền lại cho người con trai cả là Đại tướng Hun Manet, 45 tuổi. Khi ông Manet cất tiếng giữa đám đông, từ già đến trẻ đều im lặng lắng nghe diễn văn của vị lãnh đạo tương lai. Hun Manet nói về việc giữ vững nền hòa bình của đất nước bị ám ảnh bởi bóng ma nội chiến. Rồi ông chuyển qua các vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Tất cả không có gì mới so với những gì cha ông từng tuyên bố. Hun Manet kết thúc bài nói, tiếng nhạc cùng với điệp khúc “Hun Sen! Hun Manet!” quyện vào nhau, kèm theo hy vọng le lói trong lòng một số cử tri về một đất nước sẽ sớm chuyển mình (3).
Với sự vắng bóng của đảng đối lập sừng sỏ như Đảng Ánh nến (Candlelight Party), thì chiến thắng của CPP là tất yếu, giống như kết quả bầu cử năm 2018. Thủ lĩnh phe đối lập CPC Kem Sokha đã bị kết án 27 năm. Trước khi bỏ phiếu, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cho biết, kết quả có thể dự đoán này là nhờ ở quy trình bất hợp pháp từ cuộc bầu cử. Theo FIDH, cuộc bỏ phiếu lần này khiến giới quan sát nhớ lại cuộc bầu cử quốc gia cuối cùng của đất nước này vào năm 2018 khi Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) nổi tiếng lúc bấy giờ bị cấm tham gia chính trị. Nhờ vậy mà Hun Sen mới có thể giành được tất cả các ghế trong Quốc hội. CNRP “vang bóng một thời” đã suýt đánh bại Hun Sen trong cuộc bầu cử quốc gia cách đây một thập kỷ. Nhưng rồi đảng này phải chịu nhiều áp lực từ Hun Sen cũng như các tòa án, và cuối cùng đã bị cấm hoạt động sau những thắng lợi áp đảo của họ trong các cuộc bầu cử tại địa phương (4). Mặc dầu vậy, niềm tin của một số người dân CPC vẫn muốn thay đổi nhiều hơn nữa. Và niềm tin ấy giờ đây vẫn mạnh mẽ và chưa bao giờ nguôi ngoai.
So với “đảng cử dân bầu” ở Việt Nam
Hiếm có hai nước Đông Nam Á nào có các cuộc bầu cử vừa giống nhau vừa khác nhau như bầu cử Quốc hội ở CPC ngày 23/7 vừa qua và cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam cách đây hai năm, ngày 23/5/2021. Hai cuộc này giống nhau là căn bản, tuy cũng có những điểm khác nhau đáng bàn. Nhưng dẫu giống hay khác, thì các cuộc bầu cử ấy vẫn có thể liệt kê như là những sự kiện chính trị “ngoài hành tinh”. Và tuy hai sự kiện diễn ra cách nhau khá lâu, nhưng vì cả hai đều hiếm hoi, nên giới phân tích chính trị quốc tế vừa qua quan sát CPC cũng như trước đó quan sát Việt Nam khá kỹ để chiêm nghiệm, so sánh hai trường hợp điển hình, nhằm hiểu thêm về hai hệ thống bầu cử - Tuy hai mà một, tuy một nhưng vẫn là hai.
Giống nhau căn bản nhất, dễ nhìn thấy nhất: Hai cuộc bầu cử chỉ là để “trình diễn” màn “bắt cóc quyền lực” (hijacker of power) của các đảng chính trị nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân và một phe nhóm nhất định, loại trừ tất cả mọi lực lượng không nằm trong các đảng chính trị ấy. Ở Việt Nam “đảng cử dân bầu” (5) là cơ chế hiệp thương nhằm phục vụ cho quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV), đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã “ngồi xổm” lên cả Hiến pháp lẫn Điều lệ Đảng (6). Ở Campuchia là phục vụ cho Đảng Nhân dân CPC (CPP), đứng đầu là Đảng trưởng kiêm Thủ tướng Hun Sen, người đang cố bám giữ chiếc ghế quyền lực suốt 39 năm trời. Điều trớ trêu và nghịch lý khi nhìn màn “trình diễn” của CPP và CPV, vẫn không ít người xót xa vì một hoài niệm (nostalgia) giống như trong câu ca dao nọ: “Công anh bắt tép nuôi cò…” Ở đây, “con cò” CPP không chỉ “dò lên cây”, mà nó còn “bay lượn” và diễn xuất trong cái không gian độc tài toàn trị, lừa bịp được một số lớn cộng đồng dân cư CPC và có khi còn định bắt Hà Nội làm con tin cho nó nữa (7).
Ở Việt Nam, không riêng gì cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (23/5/2021), mà hầu như tất cả các cuộc khác trước đó, theo những người trong nước kể lại, các tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực trong mỗi phường, mỗi xã đều trực tiếp gọi điện, đến gõ cửa từng nhà để thúc giục cử tri đi bầu, nếu không đi thì sẽ bị liệt vào “danh sách đen” của địa phương, sau này khi “đến cửa quan” cần xác nhận giấy tờ, dù là chuyện hôn nhân hay chứng nhận hộ khẩu cho con cái đi học, sẽ bị làm khó dễ. Truyền thông nhà nước thì ra rả suốt trong tuần bầu cử, mạnh mẽ tố cáo “các thế lực thù địch đã xuyên tạc” rằng, bầu cử ở Việt Nam không có dân chủ, thậm chí bầu cử chỉ là quyền, không phải nghĩa vụ, nên công dân Việt Nam có thể đi bầu hoặc không đi bầu… Quốc hội CPC đã sửa đổi luật bầu cử để trừng phạt bất kỳ ai tẩy chay tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, khi bầu cử Quốc hội khóa 14, một số người dân tại Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này và thể hiện quan điểm trên mạng xã hội rằng “tôi không đi bỏ phiếu” (8).
Một nhóm nghị sĩ từ Đông Nam Á đánh giá cuộc bầu cử là “lễ đăng quang của Hun Sen và những người thân cận của ông ta”; và kêu gọi tiếp: “Cộng đồng quốc tế đừng rơi vào cái bẫy hợp pháp hóa vở kịch câm này” (9). Dẫu sao, không chỉ hệ thống bầu cử, mà bản thân sự “độc tài và độc đảng” giữa Campuchia và Việt Nam vẫn có sự khác nhau nhất định. Độc đáo của Hun Sen ở chỗ, ông ta đã dám “chia tay ý thức hệ” và con đường xây dựng CNXH, chọn một mô thức quản trị đất nước theo kiểu “độc tài thông minh” (Thành công hay thất bại là câu chuyện khác). Hun Sen không nêu khẩu hiệu học tập tư tưởng ai cả, nhưng rõ ràng vẫn giữ hơi hướng từ chính sách trung lập nổi tiếng một thời của Sihanouk. Ông tuyên bố: “Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?” nhưng ở Liên hợp quốc, lá phiếu của CPC vẫn được tôn trọng. Không đại ngôn kiểu “thùng rỗng kêu to”, nhưng đúng là ông chọn công lý và lẽ phải khi bỏ phiếu ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của quân và dân Ukraine (10).
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/media-66281520
(2) https://www.khmertimeskh.com/501330059/international-observer-the-electoral-process-in-cambodia-citizens-willing-to-strongly-support-their-favourite-party/
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crgr2r00z26o
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cy9qkvp30v3o
(10) /a/la-phieu-la-cua-viet-nam-o-lhq-noi-len-dieu-gi-/7078687.html
Diễn đàn