Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 6/2 nói Israel sẽ trao Gaza cho Hoa Kỳ sau khi chiến tranh kết thúc và người dân ở vùng đất này đã được tái định cư ở nơi khác, điều mà ông cho biết có nghĩa là không cần quân đội Hoa Kỳ trên bộ.
Một ngày sau khi cả thế giới lên án tuyên bố của ông Trump rằng ông muốn tiếp quản và phát triển Dải Gaza thành “Riviera (khu nghỉ mát dọc bờ biển) của Trung Đông”, Israel đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị cho phép người Palestine ở Gaza “tự nguyện rời đi”.
Ông Trump, người trước đó đã từ chối loại trừ khả năng triển khai quân đội Hoa Kỳ đến vùng lãnh thổ ven biển nhỏ bé này, đã làm rõ ý tưởng của mình trong các bình luận trên nền tảng Truth Social của ông.
“Israel sẽ trao Dải Gaza cho Hoa Kỳ sau khi kết thúc chiến sự”, ông nói. Người Palestine “lúc đó đã được tái định cư tại các cộng đồng an toàn và đẹp hơn nhiều, với những ngôi nhà mới và hiện đại trong khu vực”. Ông nói thêm: “Hoa Kỳ sẽ không cần đến lính!”
Trước đó, trong bối cảnh làn sóng ủng hộ ở Israel đối với đề nghị mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi là “đáng chú ý” của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị một kế hoạch cho phép cư dân Gaza muốn rời đi được tự nguyện rời khỏi vùng đất này.
“Tôi hoan nghênh kế hoạch táo bạo của Tổng thống Trump. Người dân Gaza nên được tự do rời đi và di cư, như thông lệ trên toàn thế giới”, ông Katz phát biểu trên X.
Ông cho biết kế hoạch của mình sẽ bao gồm các lựa chọn rời đi qua các cửa khẩu trên đất liền, cũng như các sắp xếp đặc biệt để rời đi bằng đường biển và đường hàng không.
Thông báo bất ngờ của ông Trump vào ngày 4/2, gây ra sự tức giận trên khắp Trung Đông, được đưa ra khi Israel và Hamas dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán tại Doha về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza, nhằm mở đường cho việc rút quân hoàn toàn của Israel và chấm dứt chiến tranh.
Thế lực lớn trong khu vực là Ả Rập Xê Út đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này và Vua Abdullah của Jordan, người sẽ gặp ông Trump tại Tòa Bạch Ốc vào tuần tới, ngày 5/2 nói rằng ông bác bỏ mọi nỗ lực sáp nhập đất đai và di dời người Palestine.
Ai Cập cũng nhập cuộc, nói rằng họ sẽ không tham gia bất kỳ đề nghị nào nhằm di dời người Palestine khỏi vùng Gaza, nơi người dân phản ứng dữ dội với đề nghị này.
“Chúng tôi sẽ không bán đất của mình cho ông, nhà phát triển bất động sản. Chúng tôi đói, vô gia cư và tuyệt vọng nhưng chúng tôi không phải là những kẻ cộng tác”, ông Abdel Ghani, một người cha của bốn đứa con sống cùng gia đình trong đống đổ nát của ngôi nhà ở Thành phố Gaza, nói. “Nếu (Trump) muốn giúp đỡ, hãy để ông ấy đến và xây dựng lại cho chúng tôi ở đây”.
Không rõ liệu ông Trump có tiếp tục đề nghị của mình hay không, hay, theo hình ảnh tự nhận là một người làm ăn khôn ngoan, chỉ đơn giản là đưa ra một lập trường cực đoan như một chiêu trò mặc cả. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2017-21 đầy rẫy những tuyên bố về chính sách đối ngoại mà những người chỉ trích cho là thái quá, nhiều tuyên bố trong số đó chưa bao giờ được thực hiện.
Thất tán
Đề nghị gây sốc của ông Trump có thể ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc đàm phán ngừng bắn thì vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có 13 trong số 33 con tin Israel dự kiến được thả trong giai đoạn đầu tiên cho đến nay đã được trả tự do, với ba người nữa dự kiến sẽ được thả vào ngày 8/2. Năm con tin người Thái cũng đã được thả.
Quan chức Hamas, Basem Naim, cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cố gắng che đậy “cho một quốc gia không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong cuộc chiến ở Gaza” và cho biết người Palestine quá gắn bó với đất đai của họ nên không thể rời đi.
Việc di dời người Palestine là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất ở Trung Đông trong nhiều thập niên. Việc di dời cưỡng bức hoặc ép buộc một nhóm dân cư dưới sự chiếm đóng của quân đội là một tội ác chiến tranh, bị cấm theo Công ước Geneva năm 1949.
Chi tiết về cách thức thực hiện bất kỳ kế hoạch nào như vậy vẫn còn mơ hồ. Ngoại trưởng Israel, Gideon Saar, cho biết cần có cách suy nghĩ khác về tương lai của Gaza nhưng bất kỳ sự ra đi nào cũng phải là tự nguyện và các quốc gia phải sẵn sàng chấp nhận.
“Chúng tôi chưa có thông tin chi tiết, nhưng chúng tôi có thể thảo luận về các nguyên tắc”, ông Saar phát biểu tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Ý, Antonio Tajani. “Mọi thứ phải dựa trên ý chí tự do của (cá nhân) và mặt khác, dựa trên ý chí của một quốc gia sẵn sàng tiếp nhận”, ông nói.
Một số chính trị gia cực hữu Israel đã công khai kêu gọi di dời người Palestine khỏi Gaza và có sự ủng hộ mạnh mẽ cho động thái của ông Trump trong cả những người theo chủ nghĩa an ninh diều hâu và phong trào định cư Do Thái, những người muốn đòi lại đất ở Gaza đã được sử dụng cho các khu định cư Do Thái cho đến năm 2005.
Ông Giora Eiland, một cựu tướng lĩnh Israel đã thu hút sự chú ý rộng rãi trong giai đoạn đầu của cuộc chiến với “Kế hoạch của các tướng lĩnh” về việc di dời cưỡng bức người dân khỏi miền bắc Gaza, nói kế hoạch của ông Trump là “hợp lý” và không nên cho phép viện trợ đến tay những người di tản trở về miền bắc Gaza.
Sau cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào Israel hôm 7 tháng 10 năm 2023 châm ngòi cuộc chiến, chiến dịch quân sự trả đũa của Israel đã giết chết hàng chục nghìn người và buộc người Palestine phải liên tục di dời trong Gaza để tìm kiếm sự an toàn.
Nhưng nhiều người cho biết họ sẽ không bao giờ rời khỏi vùng đất này vì họ sợ phải di dời vĩnh viễn, giống như “Nakba”, khi hàng trăm nghìn người đã bị đuổi khỏi nhà trong cuộc chiến khi nhà nước Israel ra đời vào năm 1948.
Ông Katz cho biết các quốc gia phản đối các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza nên tiếp nhận người Palestine.
“Các quốc gia như Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy và các quốc gia khác đã đưa ra những cáo buộc và tuyên bố sai sự thật chống lại Israel về các hành động của nước này ở Gaza, có nghĩa vụ pháp lý phải cho phép bất kỳ cư dân Gaza nào vào lãnh thổ của họ”, ông nói.
Diễn đàn