Nguyễn Lương Hải Khôi
Ngày 11 tháng 11 năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua một “nghị quyết về lịch sử Đảng". Đây là nghị quyết về “lịch sử" thứ 3 trong lịch sử đảng này. Đã có nhiều bình luận, phân tích về “nghị quyết lịch sử đảng" này của Tập, nhưng nghị quyết này có một luận điểm thú vị mà ít được các nhà quan sát Trung Quốc để ý: nghị quyết nói rằng Đảng thời của Tập “đã giải quyết được những vấn nạn suốt thời gian dài không thể giải quyết được".
Vấn nạn đó là gì? Chi tiết này có mối quan hệ gì với các đại chiến lược của Tập hay không? Bài viết ngắn này sẽ thử trả lời những câu hỏi đó, cung cấp một góc nhìn về các cải cách của Trung Quốc thời Tập Cận Bình.
Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã bế mạc ngày 11 tháng 11, nhưng trong ngày này, chỉ có bản tóm tắt (1) nghị quyết được công bố, còn bản toàn văn nghị quyết chỉ được công bố 5 ngày sau đó, vào 16/11.
Như trên đã nói, trong cả bản tóm tắt ngày 11/11 và bản toàn văn ngày 16/11 của nghị quyết về lịch sử đảng của Tập đều có một chi tiết thú vị, nhấn mạnh đảng của Tập “đã giải quyết được những vấn nạn suốt thời gian dài không thể giải quyết được". Điều đáng nói là đoạn văn kể công này trong “nghị quyết về lịch sử" năm 2021 giống hệt một đoạn trong “Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19” đăng trên Nhân dân Nhật báo năm 2017, không chỉ lặp lại ý mà còn lặp lại cả về ngôn từ theo kiểu “tự đạo văn” của chính mình.
Cả bản tóm tắt ngày 11/11 và bản toàn văn ngày 16/11 của nghị quyết về lịch sử đảng của Tập đều viết:
“Đảng đã ban hành hàng loạt chính sách lớn, đưa ra hàng loạt biện pháp lớn, đẩy mạnh hàng loạt nhiệm vụ lớn, vượt qua hàng loạt thách thức lớn, giải quyết được những vấn nạn suốt thời gian dài không thể giải quyết được, đã đạt được nhiều thành quả lớn không thực hiện được trong quá khứ, thúc đẩy những thay đổi mang tính lịch sử trong sự nghiệp của đảng và đất nước.”
Đoạn trên là đoạn trùng lặp gần như 99% ở bài phát biểu 2017 và “nghị quyết về lịch sử” tháng 11 năm 2021 vừa rồi. Văn bản năm 2017 viết “vượt qua hàng loạt thách thức lớn” thì văn bản 2021 chỉ thêm vào một từ “vượt qua hàng loạt hiểm nguy và thách thức lớn” ( “战胜一系列重大风险挑战”). Cái “hiểm nguy" hay “rủi ro" (风险) mà văn bản 2021 thêm vào có thể hiểu là những xung đột với Hoa Kỳ (thương chiến Mỹ Trung bùng nổ từ đầu năm 2018) hay đại dịch COVID-19. (3)
Việc lặp lại ý đã “giải quyết được những vấn nạn suốt thời gian dài không thể giải quyết được” đã nói năm 2017 chứng tỏ đây là điều Tập thực sự muốn nhấn mạnh. Ở đoạn tiếp theo trong bản tóm tắt, Tập nói rõ “vấn nạn” đó là gì:
“Tình trạng buông lỏng, mềm yếu của Đảng trong công cuộc quản trị tổ chức đảng về cơ bản đã được đảo ngược. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thắng lợi và được củng cố toàn diện. Đảng trở nên vững mạnh hơn trong quá trình trui rèn cách mạng.”
Ở đoạn này, Tập muốn nói rằng, trước Tập, các lãnh tụ đảng đã không thành công trong việc chống tham nhũng. Phải đợi đến Tập mới làm được. Đến bản toàn văn ngày 16, vấn đề chống tham nhũng 反腐败斗争 được nhắc đi nhắc lại 6 lần.
Thực vậy, Đặng Tiểu Bình không đặt ra vấn đề chống tham nhũng. Có lẽ Trung Quốc khi đó mới mở cửa, tham nhũng chưa phải là vấn đề ưu tiên. Giang Trạch Dân cũng không đặt vấn đề chống tham nhũng. Thậm chí, cách tổ chức quân đội của Giang làm cho tham nhũng trong quân đội Trung Quốc trở thành ung nhọt của chế độ.
Hồ Cẩm Đào có nêu vấn đề chống tham nhũng nhưng thất bại. Trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, Hồ chỉ bắt được vài quan chức thuộc hàng “dê chó", trong đó lớn nhất là bắt Bí thư Thượng Hải Chen Liangyu (Trần Lương Vũ), chứ chưa đụng được đến “hổ" như Tập Cận Bình.
Bộ Chính trị Trung Quốc giai đoạn Hồ Cẩm Đào có 9 uỷ viên thì Giang Trạch Dân trước khi rút lui khỏi chính trường đã cài vào ít nhất 6 người (4). Bản thân Hồ Cẩm Đào được ông trùm Đặng Tiểu Bình cơ cấu từ 1992, chứ không thuộc trung tâm quyền lực “Thượng Hải" của Giang Trạch Dân. Có thể thấy cơ cấu 6/9 của Bộ Chính trị Trung Quốc thời bấy giờ đã khóa tay Hồ Cẩm Đào, bất kể ông có muốn chống tham nhũng hay không thì ông cũng không thể làm được.
Xét về mặt gây ấn tượng trước truyền thông, Tập là người thành công hơn người tiền nhiệm khi bỏ tù hàng loạt chính khách và tướng lĩnh quân đội (và cả công an) ở cấp cao nhất.
Tháng 6 năm 1989, trong khi cuộc tranh đấu của sinh viên Bắc Kinh ở quảng trường Thiên An Môn đang dâng cao, Đặng Tiểu Bình đưa Giang Trạch Dân từ vị trí Bí thư Thượng Hải vào vị trí tối cao của đảng ở Bắc Kinh. Giang bước vào ngai vàng ở Bắc Kinh nhưng chưa có hậu thuẫn gì. Đặng sau đó lần lượt trao cho Giang các công cụ chính trị để củng cố quyền lực, chức Chủ tịch quân uỷ trung ương (tháng 11 cùng năm), chức Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương (tháng 3 năm 1990). Hai chức này giúp Giang nắm quân đội Trung Quốc.
Quân đội, do đó, trở thành nơi đầu tiên Giang xây dựng lực lượng hỗ trợ ở trung ương. Chức chủ tịch nước thì đến 1993 Đặng mới lấy từ tay Dương Thượng Côn trao cho Giang. Quân đội Trung Quốc với cách tổ chức thành từng quân khu biệt lập từ thời Mao đã nhanh chóng phát triển thành những đế chế tham nhũng.
Hồ Cẩm Đào, trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ 18 ngày 8/11/2012, đã cảnh báo bằng giọng nói khá “bi phẫn" là “tham nhũng có thể giết chết đảng và làm quốc gia diệt vong". (5) Đại hội này đưa Tập Cận Bình lên ngôi. Ngay trong ngày đầu nắm quyền, Tập đã thề sẽ “đả hổ diệt ruồi". Sau đó là chiến dịch bắt giữ hàng loạt tướng lĩnh và quan chức cấp cao. Theo Minxin Pei, tính đến 2016 khoảng 150 “hổ" bị bắt, (6) trong đó, cũng theo Minxin Pei, đến 2015, tính riêng trong quân đội, có 39 tướng lĩnh cấp cao bị bỏ tù (7).
Các nhà quan sát phương Tây thích mô tả chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi" của Tập như một thủ đoạn chính trị để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên chính trường. Tạp chí the Economist cho rằng "đả hổ diệt ruồi" là thứ vũ khí dùng để tranh giành quyền lực. (8) Murong Xuecun ví chiến dịch đả hổ của Tập với các cuộc thanh trừng chính trị của Stalin (9). He Pin cho rằng Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu bị bắt vì tham vọng quyền lực hơn là vì tham nhũng. (10)
Những phân tích trên có thể đúng, nhưng sự thực không chỉ có vậy. Có một khía cạnh khác của chiến dịch đả hổ này: Tập không thể hiện đại hoá quân đội Trung Quốc nếu không đánh đàn hổ tham nhũng trấn giữ yết hầu này của chế độ và đất nước. Nếu không hiểu mối quan hệ giữa “đả hổ diệt ruồi" và hiện đại hoá quân đội, người ta dễ chủ quan trước các cải cách của Trung Quốc thời Tập.
Phần tiếp theo sẽ bàn về cải cách quân đội và “Trung Quốc mộng” của Tập.
(1) Xem bản tóm tắt công bố ngày 11/11/2021 trong “Thông cáo của Hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19”, ngày 11 tháng 11 năm 2021
中国共产党第十九届中央委员会第六次全体会议公报
http://www.news.cn/politics/2021-11/11/c_1128055386.htm
(2) Xem bản toàn văn nghị quyết: “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về các kinh nghiệm lịch sử và những thành quả vĩ đại trong quá trình 100 năm tranh đấu của Đảng”, ngày 16/11/2021
中共中央关于党的百年奋斗重大成就和历史经验的决议
http://www.gov.cn/zhengce/2021-11/16/content_5651269.htm
(3) Xem đoạn [解决了许多长期想解决而没有解决的难题] trong “Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19” (Ngày 25 tháng 10 năm 2017)
习近平在党的十九届一中全会上的讲话 (2017年10月25日)
http://www.xinhuanet.com/politics/2017-12/31/c_1122191624.htm
(4) China's top nine leaders, CNN, 2002
https://www.cnn.com/2002/WORLD/asiapcf/east/11/14/china.nine/index.html
(5) Xem video ghi đoạn phát biểu của Hồ Cẩm Đào trên VOA Tiếng Hoa, ngày 9/11/2012
https://www.voachinese.com/a/1541982.html
(6) Xem: CSIS, Can Xi Jinping’s Anti-corruption Campaign Succeed?, 2016
https://chinapower.csis.org/can-xi-jinpings-anti-corruption-campaign-succeed/
(7) Minxin Pei, Soviet lesson for Chinese purges, Project Syndicate, 13/8/2015.
(8) "Tiger in the net", The Economist, 13/12/2014, https://www.economist.com/china/2014/12/11/tiger-in-the-net
(9) Murong Xuecun, 习近平的选择性反腐 (Cuộc chống tham nhũng có chọn lựa của Tập Cận Bình), The New York Times Tiếng Hoa, 19/1/2015
https://cn.nytimes.com/opinion/20150119/c19murong/
(10) Fang Bing, 周永康案是中共建政以来最大政变案? (Vụ án Chu Vĩnh Khang có phải là cuộc đảo chính lớn nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập?), VOA Tiếng Hoa, 6/12/2014
https://www.voachinese.com/a/zhouyongkang-case-20141205/2547874.html