Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Nền độc tài ở thế phòng vệ hay phản công?


Tư tưởng Tập Cận Bình đề cao chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Tư tưởng Tập Cận Bình đề cao chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Nền độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tấn công vào định chế dân chủ của Hoa Kỳ hay chỉ đơn thuần là tìm cách bảo vệ mình khỏi sự sụp đổ trước sự tấn công của Mỹ và phương Tây – vấn đề này gây tranh cãi tại một buổi hội thảo mới đây ở thủ đô Washington của Mỹ.

Dưới chủ đề ‘Có phải Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh về ý thức hệ’, buổi hội thảo nhằm phân định có hay không cuộc chiến ý thức hệ giữa hai siêu cường đã được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 21/10.

Mở đầu phiên thảo luận, ông Jude Blanchette thuộc Chương trình Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc ở CSIS, nhìn nhận rằng ‘có sự đồng thuận ngày càng tăng ở Washington rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc canh trạnh địa chính trị lâu dài’ nhưng trên khía cạnh ý thức hệ việc hai nước có cạnh tranh hay không vẫn là vấn đề đang gây tranh cãi.

Nền độc tài ‘phòng ngự’

“Trung Quốc chỉ muốn làm cho thế giới trở thành nơi an toàn để cho phép chế độ độc đoán cùng chung sống với nền dân chủ,” phó giáo sư Jessica Chen Weiss thuộc Đại học Cornell nói tại phiên thảo luận.

“Mục tiêu trước hết của họ là đảm bảo duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc,” bà nói thêm.

“Lẽ dĩ nhiên Trung Quốc có những lựa chọn thay thế cho các định chế do Mỹ lãnh đạo,” bà lập luận. “Họ tìm cách đấu tranh với các giá trị phổ quát để giúp cho các chế độ chuyên chế tồn tại và lớn mạnh một cách dễ dàng hơn.”

Bà Weiss nói rằng ‘sẽ là sai lầm’ nếu ‘nhìn vào xu thế chuyên chế của Trung Quốc ở trong nước và sức ảnh hưởng càng tăng của họ trên thế giới để kết luận rằng quốc gia này là mối đe dọa sống còn’.

Dẫn chứng mà bà đưa ra là kể từ sau thời Mao Trạch Đông đến nay Bắc Kinh ‘chưa hề tìm cách xuất khẩu cách mạng hay lật đổ các nền dân chủ’.

Bà nhắc đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘hơn tất cả các lãnh đạo nào khác trước đây của Trung Quốc đã tự hào xem Trung Quốc là mô hình cho các nước khác học tập’ nhưng đồng thời ông cũng ‘lưu ý rằng Trung Quốc sẽ không xuất khẩu mô hình này hay yêu cầu các nước khác bắt chước họ’.

“Cho dù chúng ta có tin vào giọng điệu này hay không, tôi cho rằng rất khó để các nước khác học theo mô hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc,” bà nói.

Theo kiến giải của bà thì việc ông Tập thúc đẩy mô hình Trung Quốc như vậy là vì ông ‘muốn phản công lại suy nghĩ cho là cuối cùng nhân loại sẽ hội tụ về con đường dân chủ và rằng dân chủ là cần thiết để phát triển và hiện đại hóa các định chế quốc tế’.

Một dẫn chứng khác mà bà Weiss đưa ra là mặc dù Bắc Kinh tìm cách che chở cho các quốc gia độc tài trước sức ép quốc tế nhưng không phải lúc nào cũng vậy, chẳng hạn như họ đã bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt Syria hay tuân theo các nghị quyết trừng phạt quốc tế miễn là chúng không ‘đe dọa thay đổi chế độ’.

Ngoài ra, việc Bắc Kinh xuất khẩu các công nghệ giám sát và kiểm duyệt của họ dù có giúp cho các chế độ chuyên chế tăng cường kiểm soát người dân của họ nhưng đó ‘không phải là nỗ lực khiến các nước đi theo con đường của Trung Quốc’.

Đề cập đến những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm bóp nghẹt tiếng nói bất đồng ở phạm vi thế giới (chẳng hạn như việc Bắc Kinh có biện pháp trừng phạt một lãnh đạo giải bóng rổ NBA của Mỹ có phát biểu ủng hộ cuộc biểu tình ở Hong Kong) vốn đã làm ‘xói món quyền tự do ngôn luận và các giá trị tự do bên ngoài Trung Quốc’, bà Weiss cho rằng điều này ‘không phải là nỗ lực nhằm phá hoại dân chủ và lan truyền nền cai trị chuyên chế trên toàn thế giới mà xuất phát từ mong muốn duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản ở trong nước’.

Do đó, bà cho rằng ‘không có cuộc Chiến tranh Lạnh’ mới giữa Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực ý thức hệ.

Ngoài ra, việc định hình cuộc tranh chấp Mỹ-Trung theo quan điểm ý thức hệ sẽ bỏ qua ‘nguồn gốc thật sự của ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc: đó là nền kinh tế và sức mạnh kỹ thuật ngày càng lớn mạnh’, bà nói.

Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng nỗ lực ‘phòng ngự’ này của Trung Quốc ‘đe dọa các giá trị dân chủ’ ở các nước phương Tây, nhưng đó chỉ là ‘kết quả’ của hành động chứ không phải là ‘dụng ý’ của các lãnh đạo Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên làm việc cùng với Trung Quốc và đàm phán một hiểu biết chung về điều gì là nỗ lực có thể chấp nhận được để bảo vệ quyền cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ít nhất chúng ta có thể dung chấp và điều gì là sự can thiệp không thể chấp nhận vào công việc nội bộ của nước khác,” bà nói.

“Nếu Trung Quốc cố tình hủy hoại nền dân chủ hay lan truyền chủ nghĩa độc tài thì việc kiềm chế là phù hợp,” bà nói thêm. “Nhưng một chiến lược nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là sai lầm và nguy hiểm.”

“Không chỉ vì Mỹ không được trang bị đủ để chiến thắng trong cuộc chiến kiểu ‘theo ta hay theo nó’ với Trung Quốc mà nguy hiểm hơn nó sẽ đe dọa tính chất mở của xã hội Mỹ và các nguyên tắc tự do mà Mỹ chủ xướng,” bà giải thích.

Do đó, bà đề xuất cách làm tốt nhất để đương đầu với Trung Quốc là Mỹ và các nước phương Tây phải ‘bảo vệ và khôi phục nền dân chủ’ ở nước mình để làm tấm gương cho các nước khác noi theo.

Ngoài ra, theo bà, Mỹ nên tái cam kết trở lại với các định chế đa phương và các đồng minh để có nỗ lực phối hợp trong việc đối phó Trung Quốc và ngăn chặn những cách hành xử tệ hại của nước này.

Bên cạnh đó, Washington cũng cần làm việc với Trung Quốc trên những hồ sơ mà sự tham gia của Bắc Kinh là hết sức quan trọng như biến đổi khí hậu hoặc trên những vấn đề không đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ.

Đồng thời, Mỹ và các nước nên cùng hợp tác để kiềm chế những ảnh hưởng tệ hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc ‘cho dù đó là xuất khẩu kiểm duyệt hay hưởng lợi không công bằng từ các hiệp định thương mại’, bà nói.

Học thuyết Lenin

Không đồng ý với cách phân tích này, ông Dan Tobin, Khoa nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Tình báo Quốc gia, cho rằng cuộc canh tranh ý thức hệ ‘mới chính là nguồn gốc của sự mất tin tưởng giữa hai nước’ chứ không phải là nỗi sợ về cường quốc mới nổi sẽ soán ngôi cường quốc hiện trạng (bẫy Thucydides).

Ông dẫn chứng là Ấn Độ cũng là cường quốc mới nổi như Trung Quốc nhưng đối với Hoa Kỳ không đặt ra mối đe dọa như Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tobin cũng lưu ý rằng mặc dù có sự cạnh tranh ý thức hệ nhưng đó ‘không phải là cuộc xung đột giữa các nền văn minh’ hay Mỹ xung đột với văn hóa Trung Hoa hay người dân Trung Quốc mà là xung đột với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông chỉ ra hệ tư tưởng Lenin và sự pha trộn giữa học thuyết này với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc là động lực cho tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và đặt nước này vào thế đối đầu với Mỹ.

“Chúng ta không ở trong cuộc đối đầu nói chung giữa độc tài và dân chủ mà cụ thể là cuộc đối đầu với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn kể từ giữa những năm 1980 đã được gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc,” ông giải thích và nói rõ đó chính là một phiên bản của chủ nghĩa Lenin.

Ông giải thích chủ nghĩa Lenin cho rằng sự nghèo khổ lạc hậu của một nước là do chủ nghĩa đế quốc và sự bóc lột của tư bản nước ngoài và chỉ có Đảng Cộng sản với chuyên chính vô sản mới giúp chuyển hóa quốc gia lạc hậu thành một nước hiện đại. Ông cũng phản bác quan điểm cho răng ngày nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ chủ nghĩa Lenin và thay vào đó là chủ nghĩa dân tộc và tính chính danh về kinh tế.

“Một nhà nước Leninist mạnh mẽ luôn là giải pháp duy nhất đối với sự yếu ớt của Trung Quốc trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20,” ông nói. “Đó là lập luận mà Đảng nói kể từ thời của Mao cho đến thời của Tập.”

“Đảng cho rằng nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản không thể cứu được Trung Quốc. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giúp Trung Quốc phát triển.”

“Ngay cả trong những thời kỳ đen tối nhất như giữa đống đổ nát của những chính sách kinh tế thất bại của Mao Trạch Đông, các lãnh đạo Đảng Trung Quốc vẫn dứt khoát cho rằng cuối cùng họ cũng sẽ chứng tỏ sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội,” ông nói.

“Giờ đây, dưới thời kỳ Tập Cận Bình, Đảng nói rằng việc Trung Quốc vươn đến vị thế đệ nhị cường quốc để chứng tỏ được chủ nghĩa xã hội trên trường quốc tế và do đó Trung Quốc nên có một vị trí lãnh đạo vì đã tìm ra con đường thay thế cho con đường của phương Tây,” ông nói thêm.

“Điều này có nghĩa là tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ là phòng vệ để làm cho thế giới an toàn hơn cho chế độ chuyên chế mà còn là biến Trung Quốc thành lãnh đạo thế giới dựa trên những thành tựu của chế độ của họ,” ông lập luận.

Ông cũng cho rằng những lời phủ nhận của lãnh đạo Trung Quốc rằng họ không tìm cách xuất khẩu mô hình của họ là ‘không đáng tin’ vì logic của việc thúc đẩy mô hình Trung Quốc ‘phát xuất trực tiếp từ tham vọng nhất quán của Trung Quốc là có đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của nhân loại dựa trên cơ sở của chủ nghĩa xã hội’.

Do đó, ông cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là trở thành nước lãnh đạo toàn cầu vào giữa thế kỷ này là để cho thấy ‘mô hình quản trị Leninist là có ảnh hưởng hơn mô hình phương Tây’.

“Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh cạnh tranh để chiến thắng chứ không phải để sinh tồn,” ông lập luận.

Ông Tobin cũng nhấn mạnh sự đối lập giữa tư tưởng Lenin và các giá trị của phương Tây.

“Chúng ta xem con người là mục tiêu và chúng ta tin rằng tự do là đáng để ưu tiên ngay cả khi tự do đó khiến cho các quyết định chính trị trở nên khó khăn hơn và phí tổn nhiều hơn và có khi đi ngược lại lợi ích của tập thể,” ông giải thích. “Ngược lại chủ nghĩa Lenin xem con người là phương tiện để đạt được những mục tiêu xã hội chung.”

Vì lẽ đó mà Bắc Kinh xem nhân quyền, trong đó có các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp, cần phải bị bóp nghẹt vì lợi ích của an ninh và phát triển, ông cho biết. Thay vào đó, họ cho rằng mô hình chính trị xã hội cần phải được phán xét dựa trên thành quả kinh tế.

Lăng kính ý thức hệ

Cũng đồng ý là có cuộc cạnh tranh ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Toshi Yoshihara, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, giải thích là do Đảng Cộng sản Trung Quốc ‘nhìn thế giới qua lăng kính ý thức hệ’ và cho rằng ‘họ đang trong cuộc chiến ý thức hệ với phương Tây’.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm nhận mối đe dọa ý thức hệ đến từ Mỹ và phương Tây và họ đã tiến ra toàn cầu trong nỗ lực chống lại thách thức ý thức hệ này,” ông Yoshihara cho biết.

Những dẫn chứng ông đưa ra để chứng minh cho lập luận này là những văn bản của Bộ Công tác Chiến tuyến Thống nhất Trung ương (United Front Work Department – UFWD), một cơ quan của Đảng nhằm lôi kéo người dân và nhân sỹ ngoài Đảng ủng hộ Đảng Cộng sản.

Một văn bản của cơ quan này mà ông trích dẫn nêu lên nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô về bản chất ‘là về tư tưởng’.

“Nguyên nhân gốc rẽ là sự thiếu kỷ luật trong Đảng khiến cho người dân mất lòng tin,” ông trích dẫn văn bản này và giải thích rằng bài học rút ra từ việc này là ‘sự thỏa mãn về tư tưởng là yếu tố chết người đối với sự sống còn của Đảng’.

“Nói cách khác, một khi Đảng không thể xây dựng được sự tin tưởng vào hệ tư tưởng thì người dân sẽ mất lòng tin và Đảng sẽ sụp đổ,” ông giải thích.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa và tăng cường tiếp xúc với phương Tây, họ lại gặp thêm mối đe dọa về ý thức hệ từ bên ngoài, ông cho biết.

Ông giải thích rằng sự tiếp xúc với phương Tây đã dẫn đến sự đa dạng hóa các luồng tư tưởng trong xã hội Trung Quốc và điều này ‘đã đẩy nhanh sự lan rộng của những ý tưởng nguy hiểm về mặt chính trị’.

Ông dẫn một văn bản khác của UFWD cho rằng thế giới ngày nay ‘có cuộc chiến không thuốc súng trong lĩnh vực tư tưởng ở khắp mọi nơi’ và rằng ‘Mỹ và phương Tây tìm cách thực thi những lợi ích chiến lược toàn cầu của học dưới ngọn cờ dân chủ, tự do và nhân quyền’ và đối với Trung Quốc thì ‘cố gắng xâm nhập và cản trở chúng ta’ và ‘lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa’.

Cũng theo cơ quan này, mô hình phương Tây đang ‘suy sụp’ với hiệu quả giảm và thất bại trong hoạt động đã cho thấy trần trụi những bất lợi và hạn chế của hệ thống chính trị phương Tây. Do đó, mô hình của Trung Quốc ‘về cơ bản ưu việt hơn mô hình phương Tây’ và ‘thích hợp hơn với hoàn cảnh và sự phát triển lịch sử của Trung Quốc’.

Chính vì vậy mà cơ quan này xem những giá trị của phương Tây là ‘nọc độc tư tưởng’ và những người tiếp xúc với văn hóa phương Tây như người dân ở các vùng lãnh thổ Hong Kong, Macau hay Đài Loan là ‘truyền bá nọc độc’.

Ngoài ra, các sinh viên Trung Quốc du học ở các nước phương Tây bên cạnh là nguồn vốn trí thức cho đất nước còn bị cơ quan này xem là có thể ‘du nhập những tư tưởng nguy hiểm của phương Tây vào trong nước’ nên Đảng cần có chiến dịch gây ảnh hưởng lên thành phần này, ông Yoshihara cho biết.

Vì những đe dọa đó về mặt tư tưởng, ông phân tích, nên ‘cách phòng vệ tốt nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là phản công ở mặt trận bên ngoài’.

Ông Yoshihara lập luận rằng sở dĩ Trung Quốc có thái độ như vậy là ‘vì có những nhân tố bên ngoài tìm cách lật đổ họ’, trong đó có các nước phương Tây vốn không hoàn toàn chấp nhận tính chính danh của chế độ chuyên chế. Do đó, ông đề nghị rằng ‘Mỹ nên chấp nhận điều đó’ mặc dù về cơ bản Mỹ ‘không thoải mái với bản chất của chế độ Trung Quốc’ và rằng ‘chiến lược can dự của Mỹ với Trung Quốc, chứ không phải đối đầu, sẽ dẫn đến sự tự do hóa ở Trung Quốc’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG