Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp tục kêu gọi các đại biểu Quốc hội ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn có thể có biện pháp quân sự hay tái áp đặt các biện pháp chế tài Tehran nếu họ vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.
Trong bức thư đề ngày 19 tháng 9 gửi cho dân biểu Jerrold Nadler, thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York, ông Obama viết: “Giả thử Iran tìm cách tiến tới một vũ khí hạt nhân, tất cả các phương án sẵn có cho Hoa Kỳ, kể cả phương án quân sự, cũng vẫn sẽ còn đó trong suốt thời gian thỏa thuận có hiệu lực và cả sau đó nữa”.
Bức thư cũng nói Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường tài trợ phòng thủ phi đạn cho Israel, là nước cực lực chống đối thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới.
Bức thư của ông Obama được gửi đi trong cùng một tuần lễ lúc một đảng viên Dân chủ nổi tiếng thứ nhì tại Thượng viện tuyên bố ông sẽ chống lại thỏa thuận hạt nhân khi được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội vào tháng tới. Các đảng viên Cộng hòa thì đã thề quyết ngăn chặn thỏa thuận.
Hai đảng viên Dân chủ chống đối thỏa thuận
Ông Menendez nói: “Nếu Iran thủ đắc một quả bom hạt nhân, thì sẽ không có tên tôi trên đó. Tôi sẽ bỏ phiếu không chấp thuận hiệp ước và nếu được yêu cầu, sẽ bỏ phiếu chống lại phủ quyết của tổng thống”.
Ông Menendez kêu gọi chính quyền Obama trở lại bàn đàm phán để thảo luận lại những yếu tố chính, điều mà chính quyền Obama nói là không thể thực hiện được.
Tháng trước, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đại diện tiểu bang New York, là đảng viên Dân chủ đứng hàng thứ ba, đã cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận hạt nhân và sẽ tìm cách thuyết phục các thượng nghị sĩ khác cũng làm theo ông.
Ông Obama đã hứa sẽ phủ quyết nếu Hạ viện và Thượng viện biểu quyết chống thỏa thuận hạt nhân vào tháng tới. Chưa rõ liệu Quốc hội có đủ số phiếu để vượt qua việc phủ quyết hay không.
Thỏa thuận đạt được giữa Iran và 5 cường quốc thế giới – Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga – đòi hỏi Iran phải giảm bớt việc tinh chế uranium để ngăn nước này chế tạo một quả bom, và mở cửa các địa điểm quân sự cho thanh sát viên quốc tế vào kiểm tra việc tuân hành. Đổi lại, 6 cường quốc sẽ nới lỏng các biện pháp chế tài đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Iran.
Thỏa thuận bên lề
Trước đó trong tuần này, thông tấn xã AP loan tin một dự thảo thỏa thuận phụ giữa cơ quan theo dõi nguyên tử của Liên Hiệp Quốc và Tehran sẽ cho phép Iran sử dụng các thanh sát viên riêng để kiểm tra địa điểm hạt nhân Parchin bí mật.
Hãng tin AP nói thỏa thuận phụ này, được gọi là “Thỏa thuận Riêng số II”, đi chệch ra khỏi các thủ tục thông thường qua việc cho phép Iran sử dụng các chuyên gia và thiết bị riêng của họ trong cuộc truy tầm bằng chứng hoạt động mà họ đã nhất mực phủ nhận, đó là tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, dưới sự quan sát của nhân viên Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế.
Người đứng đầu IAEA Yukiya Amano đã hạ giảm tầm quan trọng của bản tin vừa kể.
Ông nói: “Những khẳng định không phản ánh đúng cách thức chúng tôi tiến hành công tác kiểm chứng quan trọng này”.
Trong khi nêu ra rằng ông bị hạn chế trong nội dung ông có thể tiết lộ về thỏa thuận mật này, ông Amano nhấn mạnh rằng văn bản chung quyết của thỏa thuận là “hợp lý về mặt kỹ thuật và theo đúng các tập tục đã thiết lập lâu nay”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói “không cách nào” IAEA lại giao phó cho Iran trách nhiệm thanh sát hạt nhân.