Đường dẫn truy cập

Hãng AP: Sơ thảo hiệp định phụ về hạt nhân cho phép Iran tự kiểm tra


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby.

Hãng thông tấn AP cho biết một bản sơ thảo của một hiệp định phụ của thoả thuận hạt nhân Iran giữa Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế với Tehran sẽ cho phép Iran dùng thanh sát viên của mình để điều tra địa điểm hạt nhân bí mật ở Parchin. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, tin này được tiết lộ chỉ vài tuần trước khi quốc hội Mỹ biểu quyết về việc có nên bác bỏ thoả thuận hạt nhân Iran hay không.

Chính phủ của Tổng thống Obama hôm thứ tư bày tỏ sự tin tưởng đối với các kế hoạch kỹ thuật của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế để điều tra địa điểm hạt nhân Parchin và những khía cạnh quân sự có thể có của chương trình hạt nhân của Iran trước đây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói rằng mặc dù biết rõ nội dung của bản sơ thảo của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, nhưng ông không muốn bình luận trực tiếp về vấn đề này.

Ông Kirby nói: "Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế cảm thấy hài lòng đối với những sự giàn xếp có tính chất độc đáo cho cuộc điều tra của họ về những hoạt động hạt nhân của Iran trong quá khứ. Về việc giám sát những hành vi của Iran trong tương lai, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế đã phát triển một cách riêng biệt cơ chế kiểm tra nghiêm khắc nhất từ trước tới nay mà họ có được thông qua thương thuyết hoà bình để bảo đảm chương trình hạt nhân của Iran hiện nay là hoàn toàn có tính chất hoà bình. Như quí vị đã biết, đó là mục tiêu quan trọng nhất của Kế hoạch Hành động Toàn diện Hỗn hợp (Joint Comprehensive Plan of Action / JCPOA)".

Ông Kirby mô tả sự dàn xếp được giữ kín giữa Iran và Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế là có tính chất thường lệ với những nước khác.

Ông Kirby cho biết: "Những gì mà thoả thuận này đã tán thành là, thông qua Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, để bảo đảm là những khía cạnh quân sự có thể có của chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết một cách thoả đáng bởi Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế. Đó là những gì mà nhóm P5+1 đã tán thành.

Hãng tin AP cho rằng hiệp định phụ này đi ngược với những thủ tục thông thường vì để cho Iran sử dụng các chuyên gia và trang thiết bị của chính họ để tìm kiếm những bằng chứng của những hoạt động mà họ đã nhất mực phủ nhận – đó là tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo dự liệu, Quốc hội Mỹ sẽ biểu quyết về thoả thuận hạt nhân Iran khi họ nhóm họp lại vào tháng tới sau kỳ nghỉ hè.

Đại sứ James Jefferies, từng phục vụ dưới thời Tổng thống George W Bush, là một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington. Ông bày tỏ sự kinh ngạc đối với những gì mà hãng AP vừa tiết lộ và cho rằng không thể tin tưởng vào phía Iran.

Ông Jefferies nói: "Tôi tán đồng quan điểm cho rằng chính phủ này sẽ làm bất cứ điều gì để tránh thách thức hay chọc giận Iran. Iran là nước đã tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân ở địa điểm đó. Tôi biết điều đó. Tôi đã xem các thông tin tình báo. Việc này sẽ có tác động rất lớn tại Quốc hội. Chắc chắn là như vậy".

Tổng thống Barack Obama đã hứa sẽ phủ quyết trong trường hợp Quốc hội biểu quyết bác bỏ thoả thuận hạt nhân Iran. Cả hai viện Quốc hội khi đó sẽ cần có sự tán thành đa số hai phần ba mới có thể đảo ngược phủ quyết.

Ông Jefferies cho rằng mặc dù tường thuật của AP có thể làm cho Tòa Bạch Ốc bị thua trong cuộc biểu quyết ở Quốc hội, nhưng có phần chắc là nó không làm cho thoả thuận hạt nhân bị đổ vỡ.

Ông Stephen Zunes, một chuyên gia về Trung Đông của Đại học San Francisco, cho rằng sự chỉ trích đối với bản sơ thảo hiệp định phụ đã bị thổi phồng. Ông cho rằng Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế có một thành tích rất tốt trong việc giám sát các hoạt động hạt nhân trên toàn thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG