Đường dẫn truy cập

Từ Tuyên bố Xã hội Dân sự đến dâng hương tưởng niệm ở Vị Xuyên…


Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)
Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)

Bộ Ngoại giao ngày 25/5 đã yêu cầu Bắc Kinh rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh ra khỏi vùng biển Việt Nam. Liền sau đó, các báo cũng đồng loạt đưa tin về lễ dâng hương của Thủ tướng tại Vị Xuyên. Tuy nhiên, trong loạt tin này vẫn không hề nhắc đến hai chữ “Trung Quốc”.

Thông điệp của Phạm Minh Chính

Hầu hết các phương tiện truyền thông “lề phải” ngay hôm 28/5, đã đồng loạt đưa tin khá dài về cuộc dâng hương của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên sáng 28/5. Nhưng sau đấy một ngày, nội dung này trên mạng của TTXVN đã bị đục bỏ hoàn toàn, chỉ tồn tại mỗi đường link, cả bài vở lẫn chùm ảnh đã bị hô “biến” từ lúc nào không rõ. (404 - Nội dung bạn tìm kiếm không tồn tại). Tuy nhiên, nửa ngày sau, cả ảnh lẫn bài lại được “phục hồi” một cách ngoạn mục.

Còn trên tờ Nhân Dân, Cơ quan trung ương của ĐCSVN, thì ngay từ đầu đã không có phần nội dung tin, chỉ đăng một loạt ảnh. Ai chả biết, báo Đảng không dám làm Trung Quốc phật ý, nên đã “dấu” phần tin đi. Thế là đủ, cớ gì trước hàng tít còn phải quất thêm chữ [Ảnh]. “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” không phải là chuyện hiếm hoi trong hệ thống truyền thông 800 tờ báo mà chỉ có một Tổng biên tập. Nhưng lần này, khi “sao vàng đang xao xuyến khắp nơi bưng biền…” (lời bài hát “Nam Bộ Kháng chiến”) suốt cả tháng trời trước hành động “vây”, “lấn” và “tấn” của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam, cuộc thắp nhang của Thủ tướng vẫn bị “nâng lên đặt xuống” là dấu hiệu không bình thường. Trong các bản tin về lễ dâng hương, tuy có đề cập đến tinh thần quả cảm của những người lính “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, nhưng không dám cho nhắc đến hai chữ “Trung Quốc”.

Nhưng dẫu sao, giới quan sát trong nước cũng đã kịp “đọc vị” khá rõ thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Kỷ niệm 30/4 đã lùi xa hàng tháng, kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ thì chưa tới. Nhưng Thủ tướng đã chọn đúng thời điểm! Theo bản tin trên tờ Tuổi Trẻ, “Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông?” bạn đọc có thể cảm nhận được tình huống nghiêm trọng của hàng loạt các hành động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Những hành động này nằm trong chuỗi hoạt động “vây lấn” mà Bắc Kinh đang thực hiện từ đầu tháng Tư đến nay ở Biển Đông. Thế trận “vây lấn” lần này của Trung Quốc mang tính phức hợp, liên hoàn và được triển khai đồng loạt ở nhiều vị trí chiến lược. Đứng trước thế trận “liên hoàn” ấy, Phạm Minh Chính đã gửi đi một thông điệp khá rõ rệt.

Hướng chủ công của thông điệp là dành cho nội bộ, đồng chí và đồng bào. Sau khi “thoát nạn” một cách ngoạn mục tại Hội nghị TW7 và trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính muốn khẳng định với quốc dân: Trước hành động xâm lấn nguy hiểm của Bắc Kinh, ai run sợ, chứ Minh Chính này không run sợ, ai hèn, chứ Minh Chính này không hèn! Cuộc dâng hương tưởng niệm ở Vị Xuyên được giới phân tích nhìn nhận trong bối cảnh Quốc hội lần này đã bãi bỏ kế hoạch sẽ nghỉ họp giữa chừng đề bàn về nhân sự cấp cao, ai đi ai ở.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Trung ương trước đó đã không loại được Phạm Minh Chính khỏi “Tứ trụ”, thì kỳ họp giữa chừng của Quốc hội từng được tuyên bố cũng trở nên vô nghĩa. Phái muốn lật ông Chính thất bại. Những cú “phản đòn” của phe ông Chính rõ ràng đã phát huy tác dụng. Trung ương và kế đó là Quốc hội kỳ này vẫn quyết định giữ Phạm Minh Chính ở lại để “chéo lái” nền kinh tế mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ca ngợi “chưa bao giờ có được… như ngày nay”, trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì đánh giá kinh tế - xã hội đã xuống đến đáy.

Trung Quốc, bậc thầy về chớp thời cơ

Hôm 25/5, Bộ Ngoại giao đã phản đối mạnh mẽ tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Cùng với tàu khảo sát, thời gian qua, Trung Quốc đã huy động đến năm lực lượng tham gia thế trận phức hợp với những nhiệm vụ “vây”, “lấn” và “tấn” cụ thể bao gồm: dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải. Phân tích các âm mưu của Trung Quốc, tờ Tuổi trẻ chỉ rõ: Thứ nhất là lực lượng dân binh của Trung Quốc có vai trò thường trực ở cả hai chức năng trong mạng lưới bủa vây. Thứ hai là lực lượng hải cảnh, với chức năng chấp pháp, chuyên thực hiện các công đoạn "lấn" một cách chủ động nhằm hỗ trợ lực lượng dân binh Trung Quốc ở trên. Thứ ba là lực lượng hải quân, tuy không can dự trực tiếp vào thế trận do dân binh và hải cảnh thực hiện, mà chủ yếu hiện diện từ xa ở vòng ngoài.

Dù Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ của họ khỏi vùng EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã phớt lờ. “Trung Quốc sẽ không bao giờ lùi bước trước các tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông, cho dù dựa trên đường chín đoạn phi pháp hay yêu sách Tứ Sa. Không thể đánh giá Trung Quốc qua các diễn ngôn mà phải nhìn hành động của họ. Việc Trung Quốc triển khai tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống vào vùng biển gần Bãi Tư Chính, nằm trong EEZ của Việt Nam, là một hành động đe dọa nhằm gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng khai thác tài nguyên hydrocarbon hiện tại,” Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC hôm 31/5.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi một tờ báo ở trong nước trình bày tất cả sự thật là tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm hiện nay để “ép” Việt Nam. Nên nhớ, từ xưa đến nay, những lần Bắc Kinh lấn chiếm, cưỡng bức biển đảo, thậm chí tấn công trên biên giới, thường là những lúc nội bộ Việt Nam rối ren, khu vực và thế giới gặp những biến động lớn. Trung Quốc là bậc thầy về chớp thời cơ để ăn hiếp các nước lân bang yếu hơn. Đúng như bình luận trên VOA, Trung Quốc dường như đang nhìn thấy thế yếu của Nga ở Ukraine nên đã lợi dụng thời cơ bắt bí Nga và buộc Hà Nội tháo lui. Nếu phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì, trong tình hình này, đương nhiên Nga sẽ chọn Trung Quốc và biết đâu Nga và Trung Quốc đã “đồng thuận” về chuyện này? Những hành động nói trên của Trung Quốc y chang như tố cáo đã được thể hiện trước đó trong Bản Tuyên bố của 9 Tổ chức Xã hội Dân sự (CSO) công bố ngày 2/5/2023. Bản Tuyên bố ấy đã cực lực phản đối các hành vi đơn phương áp đặt chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc trước nhân dân trong nước và dư luận thế giới. Bản Tuyên bố kèm theo hàng trăm chữ ký của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả các cựu quan chức và đảng viên cao cấp từ bộ máy Đảng/Nhà nước. Theo tin nước ngoài, hiện nay Bản Tuyên bố ấy đã được gửi đến các Phái đoàn thường trực của Liên hợp quốc ở New York và ở Geneva. Bản Tuyên bố cũng đã được gửi đến 158 vị đại sứ LHQ. Tuyên bố này xuất hiện trên truyền thông quốc tế rất kịp thời, chỉ một ngày sau khi lệnh cấm đánh cá đơn phương mùa hè năm nay của Trung Quốc được đơn phương cho là có hiệu lực trên Biển Đông, tính từ 1/5/2023 đến 16/8/2023.

Ở đây chẳng có sự kết hợp nào cả, nhưng giới quan sát trong nước phát hiện ra một điều: Năm nay, Trung Quốc phải đối mặt cùng lúc cả hai làn sóng phản đối, từ cả của nhà nước Việt Nam lẫn từ các Tổ chức Xã hội Dân sự (CSO) ở khắp ba miền đất nước. Phải đối mặt, nhưng họ đã chọn được điểm rơi, tận dụng đúng thời điểm lãnh đạo của Đảng/Nhà nước vẫn chưa kết thúc “trận chung kết” ai đi ai ở, tất cả vẫn đang trong ma trận “củi khô, củi ướt” của Tổng bí thư, mà quên khuấy mất biển đảo đang bị giặc giày xéo ngoài khơi. Liệu Phạm Minh Chính có tạo nên được một làn sóng thứ ba để lay động lòng yêu nước của muôn dân trước họa xâm lăng của Trung Quốc đối với biển đảo quê hương? Mong lắm thay!

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG