Australia đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử vào tháng 7, và di dân sẽ là một vấn đề chủ chốt. Bộ trưởng Di trú Peter Dutton đã khơi ra tranh luận khi tuyên bố những người tị nạn mù chữ và thất học sẽ chiếm công ăn việc làm của Úc. Giới chỉ trích nói các nhận định của ông Dutton có tính kỳ thị chủng tộc. Nhưng di trú đã đóng một vai trò then chốt trong việc liên minh trung hữu đắc cử vào năm 2013. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật.
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy cả hai đảng lớn xuýt xoát nhau trong khi tiếp tục vận động trước cuộc bầu cử liên bang. Trong khi kinh tế là vấn đề cấp thiết mà đa số người Úc phải đối diện, di dân là một chiến trường chủ yếu khác trong cuộc tranh giành phiếu.
Các cuộc bầu cử trước dây đã cho thấy việc nói mạnh về người tầm trú và kiểm soát biên giới thu hút nhiều cử tri.
Phát biểu trên đài phát thanh Úc, Bộ trưởng Di trú Peter Dutton nói ông phản đối việc tái định cư thêm những người di trú không có kỹ năng chuyên môn.
“Đối với nhiều người, họ sẽ không phải là những người có học hay biết đọc biết viết trong ngôn ngữ riêng của họ, chứ đừng nói là tiếng Anh, và những người này sẽ chiếm các công ăn việc làm của Úc, không còn nghi ngờ gì điều đó. Và đối với nhiều người sẽ thất nghiệp, thì họ sẽ khổ sở xếp hàng chờ lãnh tiền thất nghiệp hay bảo hiểm y tế và các thứ khác. Vì vậy, sẽ là một sự tổn thất to lớn, và che giấu bằng những lời ngon ngọt sẽ không có ích gì. Đó là tình huống đang diễn ra”.
Australia dành việc tái định cư cho dưới 14.000 người tị nạn trong các chương trình nhân đạo chính thức mỗi năm. Những người theo đảng Xanh của Úc, dự kiến sẽ thu hút khoảng 10% số phiếu, muốn gia tăng lượng người tị nạn thu nhận lên tới 50.000.
Người lãnh đạo đảng này, ông Richard Di Natale, nói các nhận định của bộ trưởng di trú về người tị nạn là không thể tha thứ được.
“Nó sặc mùi kỳ thị chủng tộc. Nó sặc mùi thành kiến. Chúng ta đã phát động chính sách của chúng ta với một người tị nạn trẻ Afghanistan, một người thợ làm mái nhà, mà 4 ngày sau khi ra khỏi trại tạm giam đã tìm được công việc trong ngành xây dựng. Trong vòng một năm, người thanh niên này đã tuyển dụng 30 người trong doanh nghiệp làm mái nhà. Họ là loại người mà ông Peter Dutton không muốn nhận vào nước này. Chúng tôi thì muốn thế”.
Nước Úc hiện đại đã được xây dựng bằng những đợt di dân liên tiếp. Những người thợ mỏ Trung Quốc là một đặc điểm của những ngày chạy đua đi tìm vàng vào những năm 1800, trong khi những con số lớn người lập nghiệp gần đây hơn từ Anh Quốc, New Zealand, Hy Lạp và Italia đến nơi. Còn có những người di trú ngày càng đông từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Khoảng 1/4 dân số Úc sinh ở nước ngoài, nhưng chuyên gia phân tích về bầu cử Antony Green nói bất chấp sự đa dạng, phần lớn Australia lo ngại về di trú, nhất là khi có liên quan đến những người tầm trù bất hợp pháp.
“Bên trong khối dân Úc có một tỷ lệ đáng kể những người không thích dân di trú, và những người đó đặc biệt bị thúc đẩy bởi những người đến bằng tàu thuyền. Những người đến bằng tàu thuyền được coi là tình trạng mất đi sự kiểm soát biên giới và chính phủ Lao Động cũ đã bị công kích vì không ngăn được các tàu thuyền cập bến. Ông John Howard đã ngăn được các tàu thuyền sau năm 2001, chính phủ hiên thời đã ngăn chặn được tàu thuyền. Có các hậu quả dưới mọi hình thức từ sự kiện này, với việc nhốt người trên đảo Manus và Nauru, nhưng nói chung công chúng không muốn tàu thuyền cập bến và họ rất hài lòng làm lơ toàn bộ vấn đề chừng nào không có tàu thuyền đến nữa”.
Australia đã gửi người tầm trú đến bằng tàu thuyền đến các trại ở Nam Thái Bình Dương. Những người khác bị các toán tuần tra biên giới kéo ra khỏi hải phận Úc. Chính phủ nói chính sách này ngăn chặn người di trú liều mạng ngoài biển và bảo toàn lãnh thổ của Australia. Các biện pháp gay gắt đã được sự ủng hộ rộng rãi của đảng Lao Động đối lập, bất chấp một số bất đồng trong nước. Cả hai đảng chính biết rằng thụt lùi trong chính sách này sẽ làm họ mất phiếu.
Nhưng ông Bill Crews, một mục sư của Giáo hội Thống nhất ở Sydney, nói việc đối xử một cách tàn tệ với những người tầm trú ở các trại ngoài khơi phải được đặt dưới một cuộc điều tra tư pháp.
“Tôi nghĩ vần đề sẽ còn có chiều hướng thấp hơn. Sẽ có thêm những vụ tai tiếng như đã từng xảy ra những vụ cưỡng hiếp tại các trung tâm và những vụ sát nhân, do đó sẽ có thêm những người bị tác động, và chúng ta sẽ quay lưng lại với họ. Nhưng trong tương lai, những sự việc như thế này sẽ tích tụ lại cho đến khi sẽ phải có một ủy ban hoàng gia cứu xét xem điều gì thực sự đã xảy ra”.
Người Úc sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 2 tháng 7.