Đường dẫn truy cập

Niềm tin đặt vào truyền thông giữa đại dịch: Vì sao Việt Nam đứng đầu thế giới?


Người dân ăn mừng sau khi giới chức dỡ bỏ lệnh phong toả ở Đông Cứu, thôn cuối cùng ở Việt Nam bị cách ly do dịch bệnh COVID-19, ở ngoại ô Hà Nội hôm 14/5. Phần lớn người dân Việt Nam tin tưởng vào thông tin truyền thông nhà nước trong việc ứng phó với đại dịch virus corona.
Người dân ăn mừng sau khi giới chức dỡ bỏ lệnh phong toả ở Đông Cứu, thôn cuối cùng ở Việt Nam bị cách ly do dịch bệnh COVID-19, ở ngoại ô Hà Nội hôm 14/5. Phần lớn người dân Việt Nam tin tưởng vào thông tin truyền thông nhà nước trong việc ứng phó với đại dịch virus corona.

Mặc dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam đã thành công – như thế giới ca ngợi – trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19. Các chuyên gia quốc tế, trong đó có Mỹ, đề cập tới chiến lược ứng phó của Việt Nam như một hình mẫu – do phản ứng nhanh của chính phủ ngay từ lúc Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh, mới có vài ca nhiễm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 21/5 nói với các phóng viên nước ngoài tại Hà Nội rằng “những thành công của Việt Nam là do nhận thức sớm dịch bệnh” cũng như “đặt người dân làm trung tâm và được người dân ủng hộ, chung tay hành động”.

Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế khi chấm dứt lệnh giãn cách toàn xã hội hôm 23/4. Chỉ có 320 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận ở Việt Nam tính đến ngày 22/5, theo Bộ Y tế.

Việt Nam áp dụng chính sách thông tin minh bạch... vì chính phủ Việt Nam xác định COVID là một sự khủng hoảng y tế công cộng (nên) nó không bị chính trị hoá.
Trần Lệ Thuỳ, nhà báo


Thành công của Việt Nam được thể hiện qua việc đại đa số người dân Việt Nam tin tưởng vào sự đưa tin về đại dịch virus corona của Hà Nội trong thời gian qua.

Kết quả khảo sát mới nhất của YouGov, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu quốc tế có trụ sở ở London của Anh, đưa ra hôm 18/5 cho thấy 90% người dân Việt Nam tin vào truyền thông chính thống khi đưa tin về COVID-19, cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc, lần lượt đứng thứ 2 và 3.

Nhận định về sự tin tưởng cao của người dân Việt Nam vào truyền thông nhà nước, nhà báo Trần Lệ Thuỳ cho VOA biết rằng sự minh bạch về thông tin của chính phủ Việt Nam về dịch COVID-19 là nguyên nhân chính.

“Trong thời COVID này Việt Nam đã áp dụng chính sách thông tin minh bạch nên sự tin tưởng của người dân rất cao”, bà Thuỳ, một thạc sỹ về nghiên cứu phát triển và từng có thời gian nghiên cứu luật báo chí ở Đại học Oxford ở Anh, cho biết. “Lý do là vì chính phủ Việt Nam xác định COVID là một sự khủng hoảng y tế công cộng và nó không bị chính trị hoá”.

Việc “không bị chính trị hoá” có lẽ là lý do cho sự cởi mở và minh bạch về thông tin của chính phủ Việt Nam mà nhà báo David Hutt, trong một bài viết trên Foreign Policy hồi giữa tháng 4, cho là khác thường, so với với những vụ khủng hoảng trước đây như Formosa, khi chính phủ trong nhiều tuần tìm cách che đậy thảm hoạ môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Minh chứng cho sự minh bạch và cởi mở “hơn bình thường” là việc chính phủ Việt Nam thường xuyên tổ chức họp báo và cập nhật thông tin qua điện thoại trong thời gian đại dịch COVID-19, theo nhà báo David Hutt, chuyên viết về các vấn đề địa chính trị của châu Á và thường xuyên bình luận về các vấn đề của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cởi mở và minh bạch thông tin một cách khác thường, so với với những vụ khủng hoảng trước đây như Formosa, khi chính phủ trong nhiều tuần tìm cách che đậy thảm hoạ môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, theo nhà báo David Hutt.


Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam trong thời gian qua còn sử dụng kênh thông tin xã hội “rất mạnh” để đưa tin về virus corona đến người dân, theo nhà báo Thuỳ cho biết từ Hà Nội.

“Lần đầu tiên các tài khoản Facebook của chính phủ cũng đưa thông tin rất là nhanh và rất là rõ ràng”, bà Thuỳ nói. “Ngoài ra, lần đầu tiên người dân cũng nhận được tin nhắn thẳng từ Bộ Y tế đến tất cả người dân, đưa khuyến cáo rất rõ ràng. Lần đầu tiên người dân Việt Nam nhận được tin nhắn của thủ tướng và (điều này) tạo ra sự minh bạch thông tin, sự kết nối thông tin”.

Do đó, người dân Việt Nam thấy được sự logic và khoa học trong các hành động và chính sách chống dịch của chính phủ, nên “không có gì ngạc nhiên” khi người dân có lòng tin vào các thông tin mà chính phủ đưa ra, theo bà Thuỳ.

Truyền thông 'khắc nghiệt'

Tuy nhiên, truyền thông chính thống của Việt Nam do nhà nước quản lý, và theo nhận định của Forbes, sự tin tưởng cao của người dân vào thông tin của chính phủ về dịch COVID-19 có liên quan đến bối cảnh truyền thông “khắc nghiệt” và “không dung thứ” của Việt Nam. Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và Việt Nam luôn đứng ở vị trí thấp nhất trên bảng Chỉ số tự do báo chí thế giới của tổ chức Freedom House.

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã bắt giữ hàng trăm người vì đưa tin “giả mạo” liên quan đến COVID-19 lên mạng xã hội. Báo Tin Tức trích dẫn thống kê của Bộ Công an hồi giữa tháng 4 cho biết, lực lược chức năng Việt Nam trong hơn 2 tháng đã làm việc với gần 700 trường hợp “đưa tin sai sự thật về COVID-19, xử phạt vi phạm hành chính trên 140 người”.

Tôi hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ cân bằng được giữa việc chống tin giả và việc minh bạch thông tin để đối phó với COVID.
Trần Lệ Thuỳ, nhà báo


Để đối phó với việc này, chính phủ đã phát động một chiến dịch chống tin tức “sai sự thật” qua các áp phích với khẩu hiệu “Tin giả, hậu quả thật”. Truyền thông trong nước cho biết, những người tung tin “sai sự thật, câu like, câu view trên các trang mạng xã hội liên quan đến phòng chống dịch COVID-19” sẽ bị khởi tố hình sự. Một nghị định chính phủ có hiệu lực hôm 15/4 phạt những người “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo” hoặc “sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, bịa đặt” sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Theo bà Thuỳ, chính phủ Việt Nam “chống tin giả” để tránh gây hoảng loạn cộng đồng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an ninh xã hội. Tuy nhiên, theo nhà báo này, nếu việc “kiểm soát mạng xã hội quá chặt chẽ và không có những nguyên tắc rõ ràng để phân biệt giữa tin giả và những tin mà người dân đưa lên để có lợi ích công và minh bạch thì sẽ quay trở lại thách thức công cụ mà (chính phủ) Việt Nam đã dùng và đã thắng (trong đại dịch COVID-19)”.

Bà Thuỳ “hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ cân bằng được giữa việc chống tin giả và việc minh bạch thông tin để đối phó với COVID”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG