Bộ Công Thương Việt Nam vừa yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm bớt tắc nghẽn tại các cửa khẩu sau khi nước này tăng cường kiểm soát biên giới theo chính sách “Không COVID” khiến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị ùn ứ.
Việc Trung Quốc đóng cửa gần như hoàn toàn đối với nông sản Việt Nam đã khiến cho hàng ngàn xe tải bị kẹt ở các cửa khẩu trong những ngày gần đây. Chính quyền Trung Quốc nói họ sẽ dừng thông quan hàng hoá của Việt Nam 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán, rơi vào dịp cuối tháng 1 dương lịch. Đợt phong toả gắt gao của Trung Quốc được tiến hành sau khi chính quyền nước này nói là đã phát hiện ra các ca dương tính với COVID-19 từ các tài xế Việt Nam.
“Các biện pháp phòng chống dịch mà (tỉnh) Quảng Tây đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu một số chủng loại trái cây là quá mức cần thiết,” Bộ Công Thương nói trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa các quan chức của bộ và Sở Công Thương Quảng Tây hôm 31/12.
Bộ Công Thương Việt Nam chia sẻ áp lực phòng chống dịch của tỉnh Quảng Tây “trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì chính sách 'zero COVID' nhưng cho rằng các biện pháp này “gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất to lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên.”
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương hôm 29/12, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết lượng xe thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn, gồm Hữu Nghị và Chi Ma, “rất nhỏ giọt, bình quân 70-80 xe một ngày” trong khi cửa khẩu Tân Thanh “hiện vẫn tạm dừng thông quan, theo VnExpress.
Theo Zing News, hàng hoá nông sản của Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc và mỗi khi nước này chuyển trạng thái đóng mở thông quan thì Việt Nam luôn nằm trong thế bị động và liên tục lặp lại điệp khúc rớt giá vì hàng không thể xuất khẩu.
Cùng ngày 29/12, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có bốn Công thư gửi bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Tây và bí thư tỉnh uỷ Vân Nam về vấn đề ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu biên giới giữa hai nước. Theo Bộ Công Thương, ông Diên đề nghị Trung Quốc thực hiện “nhận thức chung về việc duy trì dòng chảy hàng hoá và duy trì kết nối chuỗi cung ứng” như đã được đề cập trong các cuộc điện đàm song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và trong các tuyên bố chung được đưa ra tại các cuộc họp của ASEAN vào năm 2020 và 2021.
Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây được trích lời trong tuyên bố của Bộ Công Thương Việt Nam giải thích rằng Trung Quốc coi trọng chống dịch, đặt an toàn, tính mạng người dân lên hàng đầu nên đã siết chặt biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu. Phản hồi những kiến nghị của Bộ Công Thương Việt Nam, đại diện Quảng Tây cho biết sẽ “kéo dài thời gian thông quan trên cơ sở tính toán, bàn bạc và thống nhất của chính quyền địa phương hai bên cửa khẩu.” Phía Quảng Tây cũng đề nghị Việt Nam cùng tăng cường công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu và trao đổi thông tin về việc quản lý tại cửa khẩu cũng như các tuyến đường giao thông.
Trung Quốc gần đây cũng ban hành Lệnh 248-249, được xem là tiêu chuẩn mới buộc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng nông sản cho Trung Quốc phải tăng cường mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Nói với Zing News, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Đặng Phúc Nguyên, cho biết việc Trung Quốc ban hành hai lệnh mới sẽ “đưa sản xuất Việt Nam vào khuôn khổ’ khi nông sản Việt Nam muốn vào Trung Quốc phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật hay châu Âu.
Bất chấp việc chính quyền Trung Quốc siết mạnh xuất khẩu tiểu ngạch và sức tiêu thụ thấp theo đường chính ngạch trong bối cảnh đại dịch trong năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu trái cây, rau củ quả lớn nhất của Việt Nam, theo truyền thông trong nước. Thống kê được các báo trong nước trích dẫn cho biết doanh thu xuất khẩu trái cây và nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước đó.