Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Trung Quốc và Hoa Kỳ


Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19 tháng 6 năm 2013.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19 tháng 6 năm 2013.
Huỳnh Thục Vy viết riêng cho VOA Tiếng Việt từ Việt Nam.

Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viếng thăm Trung Quốc trong bối cảnh sự phẫn nộ của người dân Việt Nam dâng cao vì những sự cố Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên biển Đông.

Thực chất, từ trước nay, những cuộc viếng thăm Trung Quốc của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam chưa bao giờ mang tính ngoại giao song phương, mà chỉ có tính chất như những lễ chầu "thiên tử" ở Trung Nam Hải.

Sau chuyến thăm ấy, nhiều nhà bình luận đã tốn rất nhiều giấy mực để bàn luận và suy đoán về những gì nằm sau hậu trường. Trên bề nổi, có rất nhiều "thoả thuận" được ký kết giữa hai nước, nổi bật nhất là "thoả thuận hợp tác" thăm dò và khai thác dầu khí trên Vịnh Bắc Bộ. Cùng với những "thoả thuận" này là hai khoản tín dụng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam. Không kể những gì tiềm ẩn phía sau, chúng ta có thể thấy khá rõ rằng các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang bị những người đồng chí ở Bắc Kinh khống chế và mua chuộc triệt để.

Những người cộng sản lãnh đạo và cha ông họ đã mắc Bắc Kinh một món nợ khổng lồ, để đổi lại họ được hẫu thuẫn ngoại giao và viện trợ quân sự nhằm đánh thắng Pháp, lên nắm quyền ở miền Bắc và chiếm Việt Nam Cộng hoà sau đó. Không ai trong chúng ta biết rõ món nợ đó lớn đến mức nào, nhưng có thể khẳng định những người cộng sản sẵn sàng đổi chủ quyền đất nước để lấy ngai vàng chư hầu ô nhục.

Thế nhưng, Việt Nam lại nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên đấu trường địa chính trị thế giới, vì trước mặt nhìn ra một vùng biển Đông với trữ lượng dầu khí lớn, ngư trường giàu có và là tuyến giao thông hàng hải quan trọng. Chính sách trục xoay của Hoa Kỳ cho thấy tầm quan trọng của vùng Đông Á, và Việt Nam không thể nằm ngoài tầm ngắm đó, đặc biệt là khi nó vừa nằm trong vùng chiến lược quốc tế, vừa là người đồng chí nằm sát gã khổng lồ Trung cộng đang đe doạ vị trí bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ.

Vậy là, mặc dù biết rõ Việt Nam đã gần như nằm gọn trong vòng tay Trung Cộng, Hoa Kỳ vẫn muốn cố lôi kéo với hy vọng rằng ít nhất Việt Nam sẽ không trở thành tiền đồn của Trung Quốc. Với chính sách trục xoay châu Á Thái Bình Dương của mình, chính quyền Obama muốn giành lại ảnh hưởng của mình ở vùng này bằng cách củng cố các mối quan hệ đồng minh cũ, thiết lập các quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược mới trước ảnh hưởng ngày một sâu rộng của Trung Quốc trong khu vực.

Có lẽ người Mỹ đúng khi hy vọng ở các lãnh đạo cộng sản một sự hợp tác hay ít ra là không "chống". Bởi họ dựa vào kiến thức chung về sự kình địch cố hữu từ lịch sử của hai quốc gia này và xét theo tình cảm tự nhiên, không một nước nhỏ nào thích phụ thuộc vào một nước lớn ở sát rào như thế, cũng như áp lực chống Trung Quốc ngày càng lớn của người dân Việt Nam đối với nhà cầm quyền độc tài hèn nhát.

Nhưng ở đây vẫn hiện diện một nguy cơ lớn là người Mỹ tính nhầm. Với các thông tin tình báo của mình, không biết người Mỹ có biết Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức độ nào không? Có thể nói Trung Quốc hiện nay nắm rõ tình hình Việt Nam trong lòng bàn tay và họ có thể tuỳ nghi khống chế mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và giữ cả thế thượng phong trong tranh chấp lãnh thổ. Nếu bạn ở Việt Nam, hỏi những người hiểu biết, họ sẽ cho bạn biết rằng, với sự xảo trá và ranh ma của mình, Trung Quốc không cần đánh Việt Nam bằng một cuộc chiến tranh, thực ra họ đã hoàn toàn có Việt Nam trong tay và việc họ đang làm chỉ là cố gắng để sự thực đó ngày một rõ ràng và chính thức hơn. Không đánh mà có được đó mới là "thượng sách" theo kiểu Trung Quốc.

Những đổi chác từ thời Hồ Chí Minh được hậu duệ của ông ta hoàn thiện, Việt Nam hiện nay hầu như đã bị ngập trong vũng lầy mang tên Trung Cộng. Việt Nam không phải là Miến Điện (dù Trung Quốc cũng có ảnh hưởng không nhỏ ở Miến Điện), vì thế không thể nào có một Thein Sein ở Việt Nam. Vì thứ nhất, những người cộng sản Việt Nam là những con người được trau dồi trong tinh thần vô Tổ quốc (dù họ bây giờ họ hành động như những nhà tư bản rừng rú nhưng não trạng vẫn là cộng sản); thứ hai, một lãnh đạo "phản tỉnh" sẽ hoàn toàn không thể cựa quậy được nếu số đông lãnh đạo cấp cao khác đều là người của Trung Quốc (sẽ là ngây thơ nếu chúng ta nghĩ chỉ một mình Thein Sein quyết định được việc Miến Điện phải vượt ra khỏi kiềm toả của Trung Quốc); biết được tình hình đó, không có cá nhân lãnh đạo cộng sản nào dám phá rào mà theo Mỹ vì khả năng thành công hiếm hoi và đe doạ đến an toàn của cả gia đình họ.

Bởi vậy, nếu Hoa Kỳ muốn đạt được điều gì đó thực sự hữu hiệu trong mối quan hệ tay ba Mỹ Trung Việt thì họ phải có những hành động sâu rộng và có kế hoạch kỹ càng. Những nỗ lực nhỏ chỉ mang lại kết quả nhỏ, hoặc không có kết quả gì, hoặc thậm chí có tác dụng ngược. Nếu họ có thể dàn xếp để có thể khống chế một thành phần thức thời trong đảng cộng sản Việt Nam nhằm tạo ra một phiên bản mới của kịch bản Miến Điện và sau đó có nỗ lực thực sự để giúp dân chủ hoá Việt Nam một cách ôn hoà, người Việt Nam sẽ hoan nghênh họ.

Còn nếu như họ vì muốn lôi kéo những người lãnh đạo cộng sản về phía mình mà xếp hồ sơ nhân quyền của chính quyền độc tài này qua một bên thì không những họ sẽ không lôi nổi những người cộng sản ra khỏi gọng kiềm siết chặt của Trung Cộng, mà còn tạo một hình ảnh rất xấu về nước Mỹ trong con mắt những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam.

Nước Mỹ hiện nay không chỉ dẫn đầu thế giới vì có sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị mà còn vì "quyền lực mềm". Quyền lực mềm là chính là sự vượt trội về văn hoá và các giá trị tự do dân chủ nhân quyền mà nước Mỹ, với tư cách là nước đứng đầu các quốc gia nằm trong nền văn minh phương Tây, là biểu tượng lớn. Nếu Hoa Kỳ không thể chứng tỏ cho các nước ở Đông Á - đang phải miễn cưỡng chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi vẫn lo ngại vì sự trỗi dậy hung bạo của họ - thấy sự kiên quyết của mình đối với vấn đề Trung Quốc, thì ít ra cũng phải để cho người dân các nước này thấy Hoa Kỳ, một biểu tượng của tự do, đang đứng về phía những con người đang khát khao dân chủ tự do. Nếu không, thì dù có không ưa Trung Quốc, các nước này buộc phải để đấu trường Đông Á cho Trung Quốc tung hoành. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ vấp phải nhiều khó khăn để thực hiện thành công chính sách trục xoay của mình.

Mọi chuyện đang còn ở phía trước. Chúng ta hãy chờ xem người Mỹ sẽ làm gì. Nhưng theo thiển ý của tác giả bài viết, tình hình Việt Nam khó mà ổn định và được giải quyết ổn thoả khi tình hình biển Đông nói riêng và toàn vùng Đông Á nói chung còn chưa rốt ráo.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG