Thiện Ý
Sau khi coi bộ phim 10 tập “The Vietnam War” của hai nhà đạo diễn Mỹ là Kenn Burnes và Lynn Novick nhiều người Việt Nam cho rằng: Nếu so với các bộ phim tài liệu về “Chiến tranh Việt nam” do các đạo diễn người Mỹ thực hiện trước đây, thì bộ phim mới nhất này có tính khách quan hơn nhưng vẫn chưa đủ khách quan thể hiện đúng thực chất cũng như thực tế của cuộc chiến Việt Nam và còn nhiều sai lầm, bất công với bên Việt quốc. Vì vậy bộ phim này vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong công luận người Việt quốc gia ở hải ngoại. Riêng với nhà đương quyền Việt cộng từng là một bên trong cuộc chiến thì tỏ vẻ không hài lòng vì có một số sự thật bao lâu nay họ muốn che dấu đã được phơi bày trong bộ phim. Do đó, họ không chính thức cấm, nhưng cũng không muốn hay ngầm tìm cách ngăn cản bộ phim phổ biến rộng rãi trong nước; mặc dầu bộ phim này vẫn có nhiều lợi thế tuyên truyền cho kịch bản “ngụy dân tộc” để phát động cuộc chiến tranh nhuộm đỏ Miền Nam dưới ngọn cờ “chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc”.
Phần người viết đã cố gắng nhận định một cách khách quan, theo phương pháp sử học, qua ba bài:
- “The Vietnam War là chiến tranh gì?”, để định danh, định hình cho cuộc chiến Việt Nam.
- “The Vietnam War là chiến tranh của ai, do ai và vì ai?” để định tính, định lượng cho cuộc chiến Việt nam.
- “The Vietnam War ai thắng ai?”, để định vị bên nào đã thắng trong cuộc chiến Việt nam, mà chúng tôi xin trình bày dưới đây.
I/- Ý NGHĨA THẮNG CUỘC TRONG MỘT CUỘC CHIẾN TRANH.
Theo ý nghĩa thông thường, trong một cuộc chiến tranh “Bên thắng cuộc” là bên đã đánh bại hoàn toàn đối phương, sau khi đối phương đầu hàng hay bị tiêu diệt, đưa cuộc chiến tranh đến kết thúc. Chẳng hạn Thế Chiến II (1939-1945) đã kết thúc sau khi Phe Trục thua cuộc (Đức-Ý-Nhật) phải đầu hàng phe thắng cuộc Đồng Minh (Mỹ-Anh-Pháp-Nga-Trung). Vậy thì…
II/- THE VIETNAM WAR AI THẮNG AI?
Như chúng tôi đã trình bày trong bài ““The Vietnam War là chiến tranh của ai, do ai và vì ai?”, rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe, bốn bên. Hai phe đó là phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu); với bốn bên Liên Xô và Trung quốc, bên Hoa Kỳ và đồng minh (Ngoại chiến), bên Việt cộng và bên Việt quốc (nội chiến quốc-cộng). Cả hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, nên thường gọi chung là cuộc “Chiến tranh Việt Nam”. Cuộc chiến này đã chấm dứt vào ngày 30-4-1975, sau khi bên cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn bên quốc gia Nam Việt, thôn tính được Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy theo ý nghĩa thông thường, phe xã hội chủ nghĩa đã thắng phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, thông qua cuộc chiền tranh cục bộ tại Việt nam, vì đã giành thêm lãnh địa toàn cõi Việt Nam cho phe XHCN. Hay nói cách khác một cách cụ thể là bên Liên Xô và Trung quốc đã thắng bên Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh cục bộ Việt Nam. Đồng thời, bên Việt cộng cũng đã thắng bên Việt quốc trong “cuộc chiến tranh quốc-cộng” tại Việt Nam (một giai đoạn của cuộc “Nội chiến ý thức thức hệ Quốc-Cộng”, hai giai đoạn kia là “Tiền chiến tranh Quốc-Cộng” (1930-1954) và “hậu chiến tranh Quốc-Cộng” (1975 đến nay vẫn chưa kết thúc).
Thế nhưng theo nhận định tổng quát của chúng tôi, đó chỉ là “chiến thắng biểu kiến” (coi vậy chứ không phải vậy)). Vì “The Vietnam war” đã kết thúc nhanh gọn, bị động và bất ngờ cho hai bên nội chiến Quốc-Cộng; cùng với diễn biến các sự kiện vào những ngày tháng cuối cùng trước và sau khi khi kết thúc cuộc chiến một cách không bình thường, tựa hồ như một kịch bản tiền định… Vì nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một “thắng lợi thật” của phe XHCN trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, thì tình hình Việt Nam và thế giới phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975.(1)
Vì vậy, chúng tôi cho rằng sự kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30-4-1975 như thế không phải là thắng lợi thực sự của phe này (phe xã hội chủ nghĩa và Việt cộng) với phe kia (phe tư bản chủ nghĩa và Việt quốc) mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế “chiến lược toàn cầu mới” (The New Globle Trategy) của các cường quốc cực nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, sau khi các mục tiêu và lợi ích chiến lược trong vùng đã thành đạt thông qua cuộc chiến Việt Nam; mà Hoa Kỳ đã chủ động đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đến kết thúc, để khởi động cho một tiến trình đưa “các bên thắng cuộc” (phe XHCN và Việt cộng ) đến “thua cuộc hoàn toàn” (4). để đi vào “Chiến lược toàn cầu mới” (2)
Thực tế quả đã diễn biến đúng như vậy. Vì chỉ 15 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Liên Xô “Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” và hầu hết các nước XHCN trên thế giới đã xụp đổ (1990-1991). Tất cả đã chuyển đổi qua “chế độ dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do” (vốn là nội dung chủ yếu của thế chiến lược toàn cầu mới). Như vậy là phe XHCN đã “thua cuộc hoàn toàn”. Cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế Chiến II,diễn ra dưới hai hình thái “Chiến Tranh Lạnh “ (The Cold War) và “Chiến tranh Nóng” (The Hot War) coi như chấm dứt sau 16 năm sau chấm dứt chiến tranh Việt Nam.(1975-1991).
Bên thắng cuộc Việt cộng, nằm trong phe XHCN, trong cuộc chiến tranh Việt Nam hôm qua, tất nhiên cũng không tránh khỏi số phận là “bên thua cuộc hoàn toàn” trong cuộc “nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” tại Việt Nam, khi quá trình tiêu vong đã, đang diễn ra và sắp đi đến kết thúc. Nghĩa là chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản dưới bảng hiệu “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam” cũng đã và đang trên quá trình tiêu vong để hình thành một chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng với “ nền kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa”; dù thực tế đảng và nhà cầm quyền CSVN (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay vẫn cố ngụy biện để kéo dài tuổi thọ, rằng Việt Nam đang đi theo con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; nhưng không thể cưỡng lại chiều hướng mới không thể đảo ngược của “chiến lược toàn cầu mới” của các cường quốc cực.
III/- KẾT LUẬN:
Tựu chung, căn cứ vào diễn biến các sự kiện không bình thường trước và sau khi The Vietnam War kết thúc vào ngày 30-4-1975, chúng tôi cho rằng Liên Xô, Trung quốc và phe xã hội chủ nghĩa trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, chỉ đạt được “Chiến thắng biểu kiến” có tính giai đoạn; do nhu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực, mà Hoa Kỳ đã chủ động thực hiện kịch bản đưa cuộc chiến tranh Việt nam đi đến kết thúc.
Thực tế là, chế độ độc tài toàn trị công sản Liên Xô cũng như các nước XHCN Đông Âu đã tiêu vong vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, đưa cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đi đến kết thúc 16 năm rồi (1991-2017). Thực tế này cho phép kết luận ngắn gọn rằng, The Vietnam War “phe tư bản chủ nghĩa đã thua (giai đoạn chiến tranh Việt nam) để thắng (toàn cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu)- “phe xã hội chủ nghĩa đã thắng (giai đoạn chiến tranh Việt Nam) để thua bại hoàn toàn (cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu). Tương tự, The Vietnam War, bên Việt quốc đã thua giai đoạn (chiến tranh Quốc-Cộng) để thắng toàn cuộc (nội chiến ý thức hệ Quốc-Công) tại Việt Nam trong một tương lai không xa.
Thiện Ý
Houston, ngày 26 tháng 10 năm 2017.
Ghi chú: (1), (2):
Trong tài liệu viết cho “Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam”năm 1976, người viết đã đưa ra nhận định, rằng “Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, chẳng phải là thắng lợi của phe này đối với phe kia, mà chỉ là vị sự thay đổi thế chiến lược quốc tế của các cường quốc cực mà thôi…”; để sau đó đưa ra lời kêu gọi những người CSVN, rằng “chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người đang miệt mài xây một “Thiên đường cộng sản” trên đất nước này cần xét lại. Bởi vì biên giới quốc gia muôn đời vẫn là cái giới hạn mà các dân tộc sống chung phải bảo vệ trên hết và trước hết…” ; và rằng “Chỉ có đứng trên lập trường dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước,chúng ta mới có thể tìm ra được con đường đúng nhất, có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, phù hợp với ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, chứ không phải là tham vọng của những kẻ cầm quyền…”.
Tài liệu quay roneo dày khoảng 30 trang này người viết đã nhờ một người (Bs. N.T.T hiện sống tại Canada) là bạn thiếu thời và cũng là đồng hương Quảng Trị với Lê Hãn, Trưởng nam của cố TBT Lê Duẫn, chuyển tài liệu này đến thân phụ Ông. Chúng tôi không rõ tài liệu này có đến tay ông Lê Duẩn hay không.
Tất cả những nhận định và lời kêu gọi trên, chúng tôi có in lại trong cuốn “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện Ý, ấn hành tháng 4-1995, tái bản năm 2005-
Xin vào đọc thêm chi tiết tại: luatkhoavietnam.com, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm” để đọc tác phẩm- Xin vào Tiểu mục “Hội luận-Phỏng vấn” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này (Tháng 5-1995), có nhắc lại lời kêu gọi trên.