Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 10/6 nói “chưa có thông tin cụ thể” về việc Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới và chuẩn bị đưa ra khu vực mỏ Lăng Thuỷ, phía nam đảo Hải Nam, thuộc Biển Đông, nơi Việt Nam và nhiều quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
“Tuy nhiên, cần nhắc lại lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam: Các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng được báo chí dẫn lời nói khi được hỏi về thông tin về “giàn khoan lớn nhất thế giới” mà Trung Quốc chuẩn bị kéo ra Biển Đông.
Trước đó, tờ Thời Báo Hoàn Cầu hôm 30/5 đưa tin Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) nói đã lắp đặt xong các thiết bị lên giàn khoan có tên “Biển sâu số 1” vào ngày 29/5 và đây là giàn khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới, với trọng lượng 100.000 tấn.
CNOOC cho biết thêm rằng giàn sẽ được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy, ngoài khơi đảo Hải Nam, vào đầu tháng 6 và bắt đầu khai thác trong cùng tháng.
Khu vực Lăng Thủy gồm các lô dầu khí Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2, nằm cách đảo Hải Nam khoảng 150 km.
Từ tháng 6/2020, CNOOC đã tiến hành khoan giếng khai thác đầu tiên trong tổng số 11 giếng tại lô Lăng Thủy 17-2. Ước tính sau khi đi vào hoạt động, lô Lăng Thủy 17-2 sẽ cung cấp 1/4 khí đốt hàng năm cho vùng Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau, và sẽ trở thành một trung tâm năng lượng mới ở khu vực Biển Đông. Trong khi đó, riêng giàn khoan “Biển sâu số 1” được ước tính có thể khai thác đến 3 tỷ mét khối khí tự nhiên.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm 2014, gây ra vụ đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội về chủ quyền trong khu vực. Nếu so về kích thước, giàn khoan “Biển sâu số 1” lớn gấp 3 lần giàn khoan HD-981.
Việc đưa giàn khoan ra thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông là một trong những hoạt động được Trung Quốc thúc đẩy mạnh trong những năm qua nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trong khu vực biển tranh chấp.