Đường dẫn truy cập

Với Trung Quốc là trọng tâm, Biden cam kết 150 triệu đô la với các nhà lãnh đạo ASEAN


Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh trước Tòa Bạch Ốc ngày 12/5/2022.
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh trước Tòa Bạch Ốc ngày 12/5/2022.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á với lời hứa chi 150 triệu đô la cho cơ sở hạ tầng, an ninh, chuẩn bị cho đại dịch và các nỗ lực khác nhằm chống lại ảnh hưởng của đối thủ Trung Quốc.

Hôm 12/5, ông Biden bắt đầu hội nghị thượng đỉnh hai ngày với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington với bữa ăn tối dành cho các nhà lãnh đạo tại Tòa Bạch Ốc trước khi hội đàm tại Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu 13/5.

Chính quyền của ông hy vọng những nỗ lực này sẽ cho các nước thấy rằng Washington vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thách thức lâu dài của Trung Quốc, vốn là đối thủ cạnh tranh chính của nước này, bất chấp cuộc chiến ở Ukraine.

Chỉ trong tháng 11, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ phát triển 1,5 tỷ USD cho các nước ASEAN trong vòng 3 năm để chống lại COVID và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ nói với các phóng viên: "Chúng tôi cần đẩy mạnh vai trò của chúng tôi ở Đông Nam Á". "Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia đưa ra lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn làm rõ rằng Hoa Kỳ tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ hơn."

Cam kết tài chính mới bao gồm đầu tư 40 triệu đô la vào cơ sở hạ tầng nhằm giúp khử khí carbon trong nguồn cung cấp điện của khu vực và 60 triệu đô la cho an ninh hàng hải cũng như khoảng 15 triệu đô la tài trợ y tế để giúp phát hiện sớm COVID-19 và các đại dịch hô hấp khác, một quan chức nói. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp các quốc gia phát triển kinh tế kỹ thuật số và luật trí tuệ nhân tạo.

Cảnh sát biển Hoa Kỳ cũng sẽ triển khai một tàu đến khu vực để giúp các đội tàu địa phương chống lại những gì Washington và các nước trong vùng mô tả là đánh bắt trái phép của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cam kết vẫn ít ỏi so với mối quan hệ và ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc trong vùng.

Ông Biden đang làm việc trên nhiều sáng kiến hơn liên quan đến vùng này, bao gồm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tên Xây dựng Lại Thế giới Tốt đẹp hơn và Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Nhưng cả hai đều chưa được hoàn thiện và dự kiến sẽ không nổi bật trong các thông báo tại cuộc họp này.

Hội nghị thượng đỉnh đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN tập hợp thành một nhóm tại Tòa Bạch Ốc và cuộc họp đầu tiên của họ do một tổng thống Hoa Kỳ chủ trì kể từ năm 2016.

Các nước ASEAN cũng chia sẻ quan ngại về Trung Quốc và rất muốn thúc đẩy quan hệ với Washington.

Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông đã khiến nước này chống lại các thành viên ASEAN là Việt Nam và Philippines, trong khi Brunei và Malaysia cũng đưa ra yêu sách đối với một phần Biển Đông.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng đã thất vọng trước việc Hoa Kỳ chậm trễ trong việc trình bày chi tiết các kế hoạch tham gia kinh tế kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại khu vực vào năm 2017.

IPEF dự kiến sẽ được khởi động trong chuyến đi của ông Biden tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới. Nhưng các nhà phân tích và ngoại giao cho biết chỉ có hai trong số 10 quốc gia ASEAN - Singapore và Philippines - dự kiến sẽ nằm trong nhóm các quốc gia ban đầu đăng ký tham gia các cuộc đàm phán theo IPEF, vốn hiện không mang lại khả năng tiếp cận thị trường mở rộng mà các quốc gia châu Á thèm muốn, vì mối quan tâm của ông Biden đối với công ăn việc làm của người Mỹ.

Các nhà phân tích nói rằng mặc dù các nước ASEAN chia sẻ mối quan ngại của Hoa Kỳ về Trung Quốc, nhưng họ vẫn thận trọng về việc đứng về phe với Washington hơn, do mối quan hệ kinh tế chủ yếu của họ với Bắc Kinh và các ưu đãi kinh tế hạn chế của Hoa Kỳ.

Một cố vấn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhậm chức từ năm 1985 nhưng mới thực hiện chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên, nói với Reuters rằng ông Biden nên dành nhiều thời gian hơn với các nhà lãnh đạo nếu ông nghiêm túc muốn nâng cao quan hệ với vùng này.

Cố vấn, Kao Kim Hourn, cho biết Campuchia, quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, sẽ không "chọn phe" giữa Washington và Bắc Kinh mặc dù đầu tư của Hoa Kỳ vào đất nước của ông đang tăng lên.

VOA Express

XS
SM
MD
LG