Đường dẫn truy cập

Vụ kiện tác quyền nhạc Phạm Duy


Chương trình ca nhạc “Đêm nhớ về Sài Gòn” ở San Jose hôm 30-4-2014 (ảnh Bùi Văn Phú)
Chương trình ca nhạc “Đêm nhớ về Sài Gòn” ở San Jose hôm 30-4-2014 (ảnh Bùi Văn Phú)

Hôm 20/3 vừa qua, một toà án xử những vụ kiện vì thiệt hại nhỏ (small claim court) ở San Jose, California đã ra một phán quyết liên quan đến tác quyền, buộc các ông Phạm Phúc và Lê Huy trả cho ông Phạm Duy Hùng số tiền 1200 đôla, cộng với 180 đôla án phí, vì tổ chức văn nghệ có hát nhạc Phạm Duy mà không xin phép.

Đây là vụ kiện tác quyền đầu tiên tại một tòa án ở Hoa Kỳ liên quan đến nhạc Phạm Duy.

Chương trình ca nhạc “Đêm nhớ về Sài Gòn” ở San Jose hôm 30-4-2014 (ảnh Bùi Văn Phú)
Chương trình ca nhạc “Đêm nhớ về Sài Gòn” ở San Jose hôm 30-4-2014 (ảnh Bùi Văn Phú)

Sự việc là vào dịp kỷ niệm 30-4 năm ngoái, ông Phạm Phúc, được nhiều người ở San Jose biết đến là Phúc Quảng Đà, đã tổ chức buổi văn nghệ chủ đề “Đêm nhớ về Sài Gòn” vào tối 30-4-2014 tại Phoenix Art Center ở San Jose, có bán vé vào cửa với giá 35 đôla và 45 đôla.

Hôm đó khoảng 250 khán giả tham dự và nội dung gồm những ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Nam Lộc, Trúc Hồ, Châu Đình An v.v…

Tờ quảng cáo ghi có sự góp mặt của Khánh Ly, Lệ Thu và một vài ca sĩ địa phương. Theo lời ông Phúc, trước ngày trình diễn vài hôm thì Khánh Ly, vì sắp về Hà Nội hát, đã rút tên khỏi chương trình và sau đó Lệ Thu cũng “xù” sô. Ban tổ chức đã mời các ca sĩ Diễm Liên và Quang Tuấn thay thế vào giờ phút chót và những bài hát do ca sĩ chọn, nhạc sĩ Lê Huy lo soạn hoà âm.

Ông Phúc kể, sau khi chương trình diễn ra tối 30-4-14, ngay hôm sau ban tổ chức nhận được điện thoại của một phụ nữ đòi tiền tác quyền 200 đôla cho mỗi bài hát của Phạm Duy đã được biểu diễn trong đêm văn nghệ tưởng nhớ. Các bài hát đó là:

1/ 54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước (Quang Tuấn trình bày)

2/ Kỷ niệm (Ngọc Diệp trình bày)

3/ Áo anh sứt chỉ đường tà (Trọng Huy trình bày)

4/ Có bao giờ em hỏi (Quang Tuấn trình bày)

5/ Thuyền viễn xứ (Ngọc Diệp trình bày)

6/ Tình Cầm (Quang Tuấn trình bày)

Khi ban tổ chức hỏi danh tánh người đòi tiền tác quyền thì được biết đó là cô Lê Xuân Lộc, vợ ông Phạm Duy Hùng, con trai thứ ba của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Ông Hùng không trực tiếp đứng ra đòi vì từ năm 2012 ông cũng đã chơi nhạc trong ban Phượng Hoàng với nhạc sĩ Lê Huy, sau có xích mích nên ông không còn tham gia nữa.

Theo ông Phúc, cô Lộc “không có tư cách pháp nhân để đi đòi tiền giống như ngư dân quăng lưới cào tôm.”

Sau đó, qua sự ủy quyền của gia đình Phạm Duy, cô Lộc gửi cho báo chí bức thư trình bày lý do tại sao ông Phạm Duy Hùng đã phải nhờ đến pháp luật can thiệp trong việc này.

Theo thư của cô Lộc, nhiều lần ban tổ chức được gia đình Phạm Duy nhắc nhở việc trả tiền tác quyền, lúc đầu là 1000 đôla, rồi xuống còn 600 đôla cho các bài hát đã trình diễn tối 30-4-14 và trong một sô khác vào tháng Sáu có Elvis Phương hát nhạc Phạm Duy.

Nhưng với lời qua tiếng lại từ ngay sau sô nhạc 30-4 giữa cô Lộc, ông Hùng và các ông Phạm Phúc, Lê Huy và sau nhiều tháng chờ đợi mà không có được đáp ứng hòa giải trong tinh thần sinh hoạt văn nghệ với nhau, nên gia đình Phạm Duy đã quyết định cử ông Phạm Duy Hùng làm đại diện đưa vụ việc ra trước công lí ngày 15/10/14.

Hiện nay gia tài âm nhạc Phạm Duy trong nước do công ti Phương Nam quản lí. Tại hải ngoại, vài tuần sau khi nhạc sĩ qua đời vào đầu năm 2013, ngày 7/3/13 trên một số báo Việt ngữ tại Little Saigon ở Nam California có đăng thông báo từ văn phòng luật sư Trương Phú Hòa cho biết nếu sử dụng nhạc Phạm Duy mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo đúng pháp luật.

Bản thông báo viết: “Tất cả những sáng tác, hình ảnh, nhạc, tên, thông tin cá nhân, tiếng hát, lời phát biểu của cố nhạc sĩ Phạm Duy và cố ca sĩ Duy Quang sẽ không được xử [sic] dụng trên mọi phương diện, trình diễn công cộng (show ca vũ nhạc, có thu hình hay không thu hình), phát thanh (radio), phát tuyến truyền hình (television), internet, sách báo, quảng cáo và tất cả các hình thức sử dụng thương mại.”

Thông báo ngày 7/3/2013 về tác quyền của nhạc Phạm Duy và ca sĩ Duy Quang do văn phòng luật sư Trương Phú Hòa phổ biến (tài liệu của gia đình Phạm Duy)
Thông báo ngày 7/3/2013 về tác quyền của nhạc Phạm Duy và ca sĩ Duy Quang do văn phòng luật sư Trương Phú Hòa phổ biến (tài liệu của gia đình Phạm Duy)

Trong vụ kiện vừa rồi, đại diện gia đình Phạm Duy cho rằng ông Phạm Phúc và nhạc sĩ Lê Huy đã coi thường thông báo nêu trên.

Trước đây gia đình Phạm Duy cũng đã có những cảnh cáo đối với một số bầu sô. Như chương trình nhạc Trịnh và nhạc Phạm Duy vào tháng 4/2013 do Dũng Taylor và Thu Phương tổ chức ở nam bắc California. Sau khi bích chương quảng cáo được tung ra, gia đình Phạm Duy lên tiếng cho biết người tổ chức chưa xin phép nên tên nhạc sĩ Phạm Duy sau đó đã được bỏ ra. Bầu sô Dũng Taylor trước giờ khai mạc buổi ca nhạc tại thính đường Santa Clara Convention Center đã than thở rằng vì gia đình Phạm Duy đòi tiền tác quyền quá cao, cao đến độ nếu phải nâng giá vé lên thì rất mắc cho khán giả chi tiền đi xem.

Qua hai sô ở San Jose, phần đầu là nhạc Trịnh, phần sau của các nhạc sĩ khác và đã có ca sĩ hát nhạc Phạm Duy. Tuy nhiên lúc đó gia đình Phạm Duy không kiện tụng gì.

Hai nhạc sĩ để lại nhiều sáng tác nhất cho nền âm nhạc Việt Nam là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn nay đã ra người thiên cổ. Gia tài âm nhạc họ để lại được quản lí ra sao và tác quyền sẽ được xử lí thế nào là điều khiến những bầu sô quan tâm khi tổ chức ca nhạc với những sáng tác của họ.

Về tác quyền nhạc Trịnh, em gái của cố nhạc sĩ là cô Trịnh Vĩnh Trinh nói rằng được chính thức thừa kế ủy quyền quản lí di sản âm nhạc này là Trịnh Xuân Tịnh và Trịnh Vĩnh Trinh.

Theo lời cô, hát nhạc Trịnh ở trong nước thì xin phép qua trung tâm tác quyền âm nhạc; còn tại hải ngoại qua các hiệp hội tác quyền âm nhạc thế giới mà Việt Nam là một thành viên, hoặc trực tiếp qua trung tâm tác quyền Việt Nam. Trung tâm Thúy Nga đã làm như thế khi sử dụng nhạc Trịnh trong các sô.

Gia đình Trịnh Công Sơn vẫn giữ quyền quyết định tác quyền cho các chương trình hát nhạc Trịnh mang tính cách từ thiện hay miễn tác quyền để khuyến khích tài năng mới. Cô Trinh cho biết trong trường hợp này, gia đình sẽ thông báo bằng văn bản cho trung tâm tác quyền.

Như trường hợp mấy sô nhạc Trịnh của Giang Trang ở Hà Nội. Giang Trang luôn xin phép trước và dĩ nhiên gia đình luôn miễn tác quyền cho các chương trình của cô ở Việt Nam hay nước ngoài để khuyến khích những tài năng mới như thế.

Tháng 8/2014, trong lần thứ hai Khánh Ly về nước hát nhạc Trịnh đã có tranh cãi liên quan đến tiền tác quyền khiến Khánh Ly phải đưa ra một tờ giấy với chữ viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho Khánh Ly được phép hát những ca khúc của ông.

Hỏi về chứng thư này, cô Trinh có nhật xét: “Theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp luật, nó mang tính đạo lý hơn là pháp lý. Gia đình chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ đặt vấn đề tác quyền với chị Khánh Ly về việc chị ra băng đĩa của chị. Nhưng việc thực thi nghĩa vụ tác quyền cho các sô ca nhạc có chị tham dự, do người khác tổ chức mang tính cách kinh doanh, thì thuần tuý đó là việc của đơn vị tổ chức và trung tâm tác quyền.”

Trong vụ kiện tác quyền nhạc Phạm Duy vừa qua, ba bị cáo là ông Phạm Phúc, người tổ chức sô nhạc; nhạc sĩ Lê Huy và ca sĩ Ngọc Diệp, nhưng toà không phạt cô Ngọc Diệp vì cô hát bài “Kỷ niệm” và “Thuyền viễn xứ” mà trước đây khi cô thực hiện một CD đã có viết thư và được nhạc sĩ Phạm Duy cho phép.

Phán quyết tòa đưa ra hôm 20/3 và các bị cáo có 30 ngày để kháng án. Ông Phạm Phúc cho biết sẽ không kháng án vì thủ tục cần thuê luật sư và sẽ tốn kém hơn. Việc tòa phạt ông, người đứng ra tổ chức, và nhạc sĩ Lê Huy, một người đánh đàn và soạn hòa âm, sẽ khiến cho các bầu sô không còn dùng nhạc Phạm Duy trong các chương trình ca nhạc nữa vì không muốn gặp rắc rối.

Ông nói thêm: “Trong tinh thần văn nghệ, xin hỏi khi đòi tiền tác quyền 200 đô cho một bài, các thi sĩ mà Phạm Duy đã dùng lời thơ của họ để phổ nhạc như Hữu Loan (Áo anh sứt chỉ đường tà), Hoàng Cầm (Tình Cầm), Duyên Anh (Có bao giờ em hỏi), Huyền Chi (Thuyền viễn xứ) có được chia lại tiền tác quyền hay không?”

“Bảo tồn vườn hoa âm nhạc Việt Nam là việc làm chung của những người yêu văn nghệ. Tuy nhiên nếu bảo tồn theo cung cách này thì cây đại thụ sẽ chết dần theo thời gian.” Ông Phúc nêu ý kiến.

Phía gia đình Phạm Duy có phát biểu về phán quyết của tòa như sau: “Công lý đã đã sáng tỏ. Chúng tôi đã thắng. Luật pháp đã bảo vệ quyền lợi của chúng tôi… Chúng tôi không hề ‘cấm’ hát nhạc Phạm Duy. Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ và quản lí di sản âm nhạc của cha chúng tôi. Chúng tôi cũng đã đồng ý cho nhiều hội đoàn và cá nhân sử dụng nhạc Phạm Duy mà không trả tiền thù lao”.

Nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc ở San Jose, người có nhiều tiếp xúc với Phạm Duy trong những ngày trước khi nhạc sĩ trở về sống vĩnh viễn ở Việt Nam, đã nhiều lần hé lộ rằng ông có những buổi tâm tình với nhạc sĩ và hứa sau khi Phạm Duy qua đời ông sẽ cho phổ biến. Đến nay độc giả vẫn còn chờ đợi muốn biết biết cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã có những tâm sự gì ở tuổi bát tuần.

Nếu tại hải ngoại không còn nhắc đến, không hát nhạc Phạm Duy nữa, vì ngại gặp rắc rối theo như tinh thần bản thông báo mà gia đình đã ủy quyền cho luật sư Trương Phú Hòa đưa ra hôm 7/3/2013, lâu dần Phạm Duy có lẽ sẽ đi vào quên lãng vì trong nước ít người viết về ông, vì sợ đụng chạm, vì nhạy cảm không được phép viết.

Còn gia tài âm nhạc của Phạm Duy do công ti Phương Nam quản lí thì đến nay chỉ có chưa đến một phần mười trong cả nghìn ca khúc của ông là được phép phổ biến trong nước.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG