Gần 1.200 người đã ký vào bản Tuyên bố Phản đối Ngược đãi Tù nhân Lương tâm trong lúc các tù nhân ở một trại giam ở miền Trung tiếp tục cuộc tuyệt thực đã kéo dài gần 4 tuần qua để phản đối việc bị đối xử khắc nghiệt trong tù.
Các tù nhân lương tâm (TNLT) gồm Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Túc, Trần Phi Dũng đã tuyệt thực sang ngày thứ 29 trong trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An, theo hai người vợ của 2 tù nhân lương tâm cho VOA biết.
Cuộc tuyệt thực đã làm khơi động một phong trào phản đối trên các trang mạng xã hội trong những tuần qua, đặc biệt là trang Facebook có tên Tuyệt thực vì Tù nhân lương tâm.
Ngày 28/6, một nhóm nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền ở TP HCM khởi xướng Tuyên bố Phản đối Ngược đãi TNLT và theo bà Ngô Thu, người đồng khởi xướng bản tuyên bố, cho biết đã có 1.193 người ký tên tính cho đến ngày 9/7.
Bà Thu cho VOA biết rằng bản tuyên bố được đưa ra sau khi có thông tin từ bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của TNLT Trương Minh Đức, về tình trạng các TNLT bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt.
Họ gỡ hết quạt nên các anh ấy không chịu đựng được và không còn cách nào khác nên các anh ấy phải dùng đến (biện pháp) tuyệt thực…đến nay là 29 ngày rồi.Nguyễn Kim Thanh, vợ TNLT Trương Minh Đức
Bà Thanh hôm 9/7 cho VOA biết chồng bà là ông Trương Minh Đức, một thành viên của Hội Anh em Dân chủ đang thụ án 13 năm tù ở trại giam số 6 ở Nghệ An – và các bạn tù đang tuyệt thực để phản đối việc trại giam dỡ hết quạt trong điều kiện nắng nóng lên đến 40 độ C.
“Các anh ấy rất là mệt mỏi vì các anh toàn là người lớn tuổi, có bệnh tim mạch và huyết áp," bà Thanh nói. "Họ gỡ hết quạt nên các anh ấy không chịu đựng được và không còn cách nào khác nên các anh ấy phải dùng đến (biện pháp) tuyệt thực…đến nay là 29 ngày rồi.”
Bà Bùi Thị Rề, vợ của TNLT Nguyễn Văn Túc, người đang thụ án tù 13 năm ở trại giam số 6, xác nhận với VOA rằng chồng bà đang tuyệt thực sang ngày thứ 29, và nói bà lấy làm lo lắng cho sức khỏe của chồng bà vì ông Túc bị “cao huyết áp, bệnh tim, bệnh trĩ và bệnh viêm giác mạc vì thiếu ánh sáng.”
Cả ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc đều bị kết án tù vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Bà Thanh đến thăm chồng hôm 20/6 và được biết ông Đức, cùng một số tù nhân khác, lúc đó đã tuyệt thực được 10 ngày để phản đối cách đối xử của trại giam. Kể từ đó bà đã gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan liên quan, gồm cả Bộ Công an, nhưng không nhận được hồi đáp.
Bản Tuyên bố Phản đối Ngược đãi TNLT, có chữ ký của nhiều đại diện của các tổ chức xã hội dân sự cũng như những cá nhân trong và ngoài nước, yêu cầu “các ông Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra lệnh chấm dứt ngay các hành vi ngược đãi tù nhân ở tất cả các trại giam trên phạm vi toàn quốc” cũng như “cử phái đoàn đến các trại giam để thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kỷ luật, hoặc truy tố những cán bộ trại giam vi phạm Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam đã ký kết.”
Bản tuyên bố cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới “hãy lên tiếng và có những biện pháp thích hợp với nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi Công ước Chống tra tấn như đã ký kết.”
Ngoài ra, các nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ cũng vận động cộng đồng trong nước và quốc tế hỗ trợ bảo vệ các TNLT, nhất là các anh em trong trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An và trại giam số 5 Thanh Hoá và các trại giam khác.
Hôm 9/7, bà Thanh đã gặp đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu để nói chuyện về cuộc tuyệt thực cũng như tình trạng của chồng bà và những tù nhân khác. Theo bà, đại diện các sứ quán đều bày tỏ quan ngại về tình hình TNLT và nạn ngược đãi TNLT trong các trại giam ở Việt Nam. Họ cho biết một số đại sứ quán đã chất vấn và đề nghị chính quyền Việt Nam bảo đảm nhân quyền tối thiểu cho TNLT.
Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đưa ra hồi tháng 5 nói rằng ngày càng có nhiều người bị kết án tù ở Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm bất đồng trên các trang mạng xã hội từ khi luật An ninh mạng có hiệu lực hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã phản bác báo cáo này và nói không có việc giam giữ bất kỳ “tù nhân lương tâm” nào ở Việt Nam.