Tổng Thống Hoa Kỳ chuẩn bị đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC giữa lúc Hoa Kỳ có mối quan hệ thân thiện với Việt Nam, sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh cách nay hơn 30 năm Tuy nhiên, mặc dù 2 nước đã giải quyết được một số vấn đề, nhưng vẫn còn một số khác tồn tại.
Tháng trước, hơn 20 nam nữ cựu chiến binh của Đại Đội 814 Công Binh thuộc quân đội Việt Nam, đã tổ chức một cuộc họp mặt với nhau. Họ hát lên những bài hát trong thời kỳ chiến tranh, và nhắc lại những kỷ niệm của thời kỳ họ tình nguyện vào Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh vào cuối thập niên 1960.
Nhiều chuyện đã thay đổi từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975. Vào ngày 17 tháng này, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sẽ được đón tiếp nồng nhiệt tại Hà Nội. Hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam giờ đây có những quan hệ tốt, và cả 2 đều muốn quên đi những đau buồn của quá khứ.
Nhưng đối với nhiều người Việt ở thế hệ lớn tuổi, thật khó mà quên những đau buồn này.
Nhà văn Mỹ bà Karen Turner và nhà báo Việt Nam, bà Phan Thanh Hảo đã viết một cuốn sách về những phụ nữ của Đại Đội 184 và các bạn đồng đội đã chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh như thế nào. Tác giả Turner nói rằng mặc dù những người này không muốn bới lại quá khứ, nhưng họ vẫn còn giữ lại những ký ức.
Nhiều người trong số này vẫn còn tức giận. Họ hỏi tôi: Tại sao người Mỹ đến bỏ bom làng mạc của tôi. Đến giờ này, họ vẫn chưa hiểu tại sao.
Sự khó hiểu này ta có thể thông cảm được, trước những thay đổi đã và đang xảy ra.
Theo lời ông Đỗ Sơn Hải, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế của Việt Nam, sự thay đổi tư duy bắt đầu vào đầu thập niên 1990.
Tổng Thống Clinton đến Việt Nam năm 2000, kế tiếp 2 nước ký hiệp định thương mại song phương, biến Hoa Kỳ thành đối tác trao đổi thương mại số 1 của Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam bán sang Mỹ hàng tỷ đôla thủy sản, giày dép, hàng dệt may và đồ gỗ. Các nhà giàu mới nổi lên ở Việt Nam đang mua các sản phẩm của Hoa Kỳ như xe Ford, trong lúc hãng hàng không của Việt Nam mua máy bay phản lực Boeing của Mỹ.
Chính phủ của Tổng Thống Bush tiếp tục chính sách thân thiện với Việt Nam do cựu Tổng Thống Clinton đề ra, và đã ra sức hoàn tất một thỏa thuận giúp Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Chính phủ của Tổng Thống Bush đang vận động Quốc Hội để cấp quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm gai góc trong quan hệ 2 nước. Một trong những điểm này là nhân quyền. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, vì chính phủ tại Hanoi vẫn còn hạn chế những hoạt động của nhiều tổ chức Phật giáo và Ky-tô giáo.
Hoa Kỳ cũng hối thúc Việt Nam trả tự do cho các nhân vật bất đồng chính kiến bị cầm tù vì đã ủng hộ các quan điểm dân chủ trên Internet.
Ông Pete Peterson, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng nước Mỹ không nên vì vấn đề giữ quan hệ tốt đẹp với Việt Nam mà bỏ qua vấn đề nhân quyền.
Tôi cho rằng Hoa Kỳ cần tiếp tục những gì mà Hoa Kỳ vẫn luôn luôn làm, và hãy giữ vững lập trường đối với vấn đề tự do báo chí và tự do bày tỏ ý kiến. Thực ra tôi cũng đã từng nói với lãnh đạo Việt Nam từ nhiều năm qua, và nhấn mạnh rằng họ cần phải có tự do báo chí và tự do bày tỏ ý kiến, vì những thứ đó sẽ làm cho họ mạnh hơn.
Ông Peterson là nhân chứng sống trong lịch sử quan hệ 2 nước. Trong thời gian chiến tranh, ông là một phi công đã trải qua 6 năm hết sức khổ cực trong một nhà tù ở Hà Nội, sau khi máy bay của ông bị bắn rơi.
Tuy nhiên vào năm 1997, ông quay lại Việt Nam trong tư cách là Đại Sứ đầu tiên của Hoa Kỳ và bây giờ ông điều hành một tổ chức chăm sóc cho trẻ em Việt Nam.
Một vài người trước đây là bộ đội cộng sản Việt Nam cũng có những thái độ hòa giải như vậy. Ông Nguyễn Thanh Sơn, người đã phục vụ trong đơn vị pháo từ năm 1970 đến năm 1975. Ông cho biết sau chiến tranh, ông đã từng gặp nhiều người Mỹ và có những quan hệ tốt đẹp với nhiều cựu chiến binh Mỹ”
Về chuyện chất độc da cam, ông Sơn cũng nói rằng ông đã chiến đấu trong nhiều khu vực bị nhiễm chất độc này nhất. Người con gái 31 tuổi của ông bị mù, điếc và chậm phát triển tâm trí rất nặng. Người con trai 27 tuổi của ông thì bị mù. Ông nói rằng đây là hậu quả của chất độc da cam do người Mỹ rải xuống.
Hóa chất màu da cam là một trong những đề tài tranh chấp quan trọng giữa 2 nước. Việt Nam cho rằng có từ 1 đến 2 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe do hóa chất này.
Cựu chiến binh Hoa Kỳ bị nhiễm chất độc da cam đã được bồi thường, trong khi người Việt Nam thì chưa. Cho đến nay, tòa án Hoa Kỳ đã bác bỏ các đơn của Việt Nam kiện các nhà sản xuất hóa hại này.
Ông Sơn hy vọng rồi đây sẽ có thay đổi.
Trong lúc Hoa Kỳ và Việt Nam chúc mừng mối quan hệ tốt đẹp tại hội nghị thượng đỉnh APEC, vấn đề chất độc da cam là một nhắc nhở để người ta nhớ rằng đối với một số người Việt Nam thì chiến tranh vẫn chưa chấm dứt.