Các nhóm nhân quyền đả kích chính quyền quân nhân Thái

Người biểu tình xô đẩy với binh sĩ Thái trong một cuộc biểu tình ở Bangkok

Nhóm nhân quyền hàng đầu nói việc chỉ định Tướng Prayuth Chan-ocha làm thủ tướng Thái Lan “không thúc đẩy nhân quyền hay sự trở lại của nguyên tắc dân chủ” và nói rằng sự đàn áp trên diện rộng vẫn tiếp diễn ba tháng sau khi quân đội nắm quyền.

Cuộc bầu cử nhất trí hôm thứ Năm của vị chỉ huy quân đội 60 tuổi là một kết quả có trước vì ông là ứng cử viên duy nhất cho vị trí này. Ông Prayuth dẫn đầu tập đoàn cầm quyền kể từ khi đánh đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 22/5.

Trong thông báo hôm thứ Sáu, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng tập đoàn cầm quyền “tiếp tục đàn áp những người đang thực hiện các quyền cơ bản và tự do của họ và đã không có một tiến bộ thực sự nào huớng tới việc vãn hồi nguyên tắc dân chủ”.

Tổ chức này cho rằng quân đội đã “thực hiện kiểm duyệt trên diện rộng, cấm tụ tập đông người và các hoạt động chính trị khác, thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ và giam giữ tùy tiện và phớt lờ những cáo buộc tra tấn và ngược đãi”.

Ông Prayut sẽ rời khỏi chức vụ chỉ huy quân đội vào tháng tới. Ông dự định nắm quyền cho tới khi cuộc bầu cử mới được tổ chức vào cuối năm 2015.

Thái Lan bị bất ổn chính trị kể từ năm 2006 khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck Shinawatra, bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006. Ông Thaksin và em gái đã bị phản đối dữ dội từ giới tinh hoa chính trị truyền thống của Bangkok.

Ông Thaksin, một tỉ phú truyền thông, đã tự sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bị tù vì các tội danh tham nhũng.

Tân thủ tướng cho biết ông muốn áp đặt một loại các cải cách chính trị nhằm vãn hồi trật tự, nhưng các nhà phê bình cho rằng người tiếp quản này đang nỗ lực quét sạch mọi ảnh huởng của ông Thaksin.

Việc bầu cử của ông Prayuth phải được quốc vương Thái Bhumibol Adulyadej thông qua, một động thái được cho là chỉ mang tính thủ tục.