Các cam kết rất sâu rộng và đầy tham vọng. Trong số đó: Chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực. Đảm bảo mọi trẻ em trên Trái đất đều được hưởng nền giáo dục trung học có chất lượng. Đạt được bình đẳng giới. Thực hiện những bước đột phá đáng kể trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tạo ra “quyền tiếp cận phổ cập tới năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.” Và đạt được tất cả những điều này vào năm 2030.
Đi được nửa chặng đường tới mục tiêu đó, tiến độ đang bị tụt hậu trầm trọng - và trong một số trường hợp còn thụt lùi.
Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày bắt đầu hôm 18/9, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã cố gắng bắt đầu hành động để đạt được 17 mục tiêu được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua vào năm 2015, mà các nước đang phát triển đặc biệt coi là quan trọng để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới.
Ông nói với các nhà lãnh đạo trong hội trường đông đúc của Đại hội đồng rằng họ đã đưa ra “lời hứa xây dựng một thế giới lành mạnh, tiến bộ và cơ hội cho tất cả mọi người - lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau và lời hứa sẽ trả tiền cho điều đó”.
Chủ tịch Đại hội đồng Dennis Francis nói với các nhà lãnh đạo rằng thực tế “chúng ta đang chậm trễ trong lời hứa của mình không thể là hồi chuông báo tử cho kế hoạch chi tiết của chúng ta” nhằm “xóa nghèo đói khỏi xã hội, bảo vệ và gìn giữ hành tinh của chúng ta cũng như đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.” Thay vào đó, ông nói, “hành động táo bạo và mang tính thay đổi phải được ưu tiên”.
Các nhà lãnh đạo từ 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc sau đó đã thông qua một tuyên bố chính trị dài 10 trang theo nguyên tắc đồng thuận. Tuyên bố thừa nhận rằng các mục tiêu đang “gặp nguy hiểm” và bày tỏ sự cảnh báo rằng tiến độ đang tiến triển quá chậm hoặc đang thụt lùi về mức trước năm 2015. Tuyên bố tái khẳng định hơn chục lần, bằng nhiều cách khác nhau, cam kết của các nhà lãnh đạo trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nhắc lại tầm quan trọng của từng bên.
Làm thế nào điều này có thể được thực hiện trong bảy năm tới?
Tuyên bố thiếu chi tiết rõ rệt
Các nhà lãnh đạo đã cam kết đẩy nhanh hành động. Nhưng tuyên bố mà họ đang làm việc lại thiếu chi tiết cụ thể.
Khi bắt đầu “Cuối tuần hành động SDG” vào ngày 16/9, ông Guterres đã điểm lại cho các nhà hoạt động những phát hiện nghiệt ngã trong một phúc trình của Liên hiệp quốc vào tháng 7 năm nay. Ngày 18/9, ông lại làm điều đó một lần nữa và nói rằng chỉ có 15% trong số 140 mục tiêu cụ thể nhằm đạt được 17 mục tiêu là đi đúng hướng. Nhiều mục tiêu đang đi sai hướng.
Với tốc độ hiện tại, phúc trình cho biết, 575 triệu người vẫn sẽ sống trong tình trạng nghèo cùng cực và 84 triệu trẻ em thậm chí sẽ không được học tiểu học vào năm 2030 - và sẽ phải mất 286 năm để đạt được sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Người đứng đầu Liên Hiệp quốc nói: “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững SDG cần một kế hoạch giải cứu toàn cầu.” Ông gọi hội nghị thượng đỉnh là “thời điểm để các chính phủ ngồi vào bàn đàm phán với những kế hoạch và đề nghị cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ”.
Ông Guterres nói rằng không chỉ các chính phủ mới cần phải tăng tốc. Ông kêu gọi các nhà hoạt động cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, học giả, phụ nữ và giới trẻ cùng tham gia làm việc để đạt được các mục tiêu.
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden lặp lại ý kiến của ông tổng thư ký tại buổi tiệc chiêu đãi tối Chủ nhật 17/9 do Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF tổ chức dành cho các nhà hoạt động giáo dục toàn cầu. Bà nói tiến trình đạt được SDG “có vẻ khó khăn” nhưng hứa rằng Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục là đối tác của các bạn trên mọi bước đường”.
Là một nhà giáo dục trong 39 năm, bà kêu gọi lãnh đạo mọi quốc gia đầu tư vào trẻ em, nói rằng chúng sẽ “giúp chúng ta xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định hơn”.
Kế hoạch dọn sạch chướng ngại vật trên đường
Ông Guterres nói sáng kiến quan trọng nhất để giải cứu kế hoạch tổng thể là đề nghị “kích thích SDG”, nhằm mục đích bù đắp các điều kiện thị trường đầy thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt.
Ông Guterres nói trong phiên khai mạc ngày 18/9 rằng ông “được khuyến khích sâu sắc” trước tuyên bố chính trị, “đặc biệt là cam kết của nó trong việc cải thiện khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển với nguồn nhiên liệu cần thiết cho tiến trình SDG: đó là tài chính”.
Người đứng đầu Liên hiệp quốc cho biết tuyên bố chính trị cũng bao gồm lời kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế lỗi thời và rối loạn chức năng cũng như thay đổi mô hình kinh doanh đa phương; các ngân hàng phát triển, như Ngân hàng Thế giới, “có thể tận dụng nguồn tài chính tư nhân một cách ồ ạt với tỉ suất phải chăng để mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển”.
Một phúc trình tháng 2 của Liên hiệp quốc về Kích thích SDG cho biết nợ đang tàn phá nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Tổ chức này cho biết tính đến tháng 11 năm ngoái, 37 trong số 69 quốc gia nghèo nhất thế giới có nguy cơ cao hoặc đang gặp khó khăn về nợ nần, trong khi 1/4 quốc gia có thu nhập trung bình, trong đó phần lớn là những nước nghèo cùng cực, có “nguy cơ cao bị khủng hoảng tài chính.”
Có những tia hy vọng hẹp. Ông Guterres nói ông rất vui mừng khi tại cuộc họp gần đây của G20, hai mươi nền kinh tế hàng đầu thế giới đã hoan nghênh Kích thích SDG. Và ông nói ông hy vọng rằng tuyên bố chính trị được các nhà lãnh đạo thông qua vào ngày 18/9 sẽ dẫn đến những hành động lớn.
Tuy nhiên, liệu những lời hứa hành chính và đà tiến của một tuần quan trọng tại Liên hiệp quốc có chuyển thành tiến bộ thực sự hay không, vẫn còn - như trước đây - thực sự không chắc chắn.