Moscow xuyên tạc phúc trình của LHQ về tình hình nhân quyền ở Ukraine

Một trang mạng của Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti ngày 23/11/2023. Trong khi phần lớn phúc trình của Liên hiệp quốc nói về những vi phạm nhân quyền của Nga ở Ukraine, RIA Novosti lại bỏ qua điều đó, chỉ tập trung vào những chỉ trích về các vi phạm của phía Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga ngày 27/3 đăng hai bài nói về phúc trình gần đây nhất của Liên hiệp quốc về tình hình nhân quyền ở Ukraine, trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024.

Trong khi phần lớn phúc trình của Liên hiệp quốc nói về những vi phạm nhân quyền của Nga ở Ukraine, RIA Novosti lại bỏ qua điều đó, chỉ tập trung vào những chỉ trích về các vi phạm của phía Ukraine. Đặc biệt, hãng thông tấn Nga tường thuật rằng 13 tù binh Nga được các quan chức Liên hiệp quốc phỏng vấn khẳng định những kẻ bắt giữ họ ở Ukraine đã tra tấn họ trong quá trình thẩm vấn.

Vào ngày 28/3, RIA Novosti đã đăng một bài báo có tiêu đề “Peskov bình luận về phúc trình của Liên hiệp quốc về việc tra tấn các quân nhân Nga ở Ukraine”, trong đó dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Bài báo của RIA Novosti nói: “Peskov, bình luận về báo cáo của Liên hiệp quốc về việc tra tấn tù binh Nga ở Ukraine, nói rằng đây không phải là tin tức đối với Moscow, tất cả tội ác của chế độ Kyiv đều được ghi chép lại”.

Bài báo cũng dẫn lời ông Peskov nói: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng những kẻ đứng sau những tội ác này sẽ bị trừng phạt thích đáng”.

Điều này là sai lạc. Phúc trình của Liên hiệp quốc chủ yếu tập trung vào các hành vi vi phạm nhân quyền của Nga tại các khu vực của Ukraine dưới sự kiểm soát của Nga.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc (OHCHR) đã công bố phúc trình thứ 38 về tình hình nhân quyền ở Ukraine vào ngày 26/3.

Phúc trình, dựa trên công việc của Phái đoàn Giám sát Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Ukraine (HRMMU), tuyên bố rằng việc quân đội Nga xâm chiếm và chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine đã đi kèm với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Theo phúc trình, việc Nga pháo kích vào lãnh thổ Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024 đã khiến thương vong dân sự tăng lên so với những tháng trước.

OHCHR đã xác minh 1.804 ca thương vong nơi thường dân ở Ukraine trong khoảng thời gian vừa kể, 712 người trong số họ bị thương do pháo kích. Các hành động của Nga ở Ukraine đã giết chết “ít nhất 429 dân thường (232 nam, 181 nữ, 10 em trai và 6 bé gái) và làm bị thương 1.375 người (717 nam, 576 nữ, 50 em trai và 32 bé gái)”, phúc trình nêu rõ.

Theo phúc trình của OHCHR, Kharkiv, nơi hứng chịu nhiều cuộc tấn công của Nga, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khu vực dân sự xung quanh Kupiansk ở vùng Kharkiv, Avdiivka ở vùng Donetsk và Kherson bị hư hại nghiêm trọng, đồng thời một số thành phố và thị trấn dọc theo chiến tuyến gần như bị phá hủy.

Các giám sát viên của Liên hiệp quốc cho biết phần lớn thương vong là do sử dụng chất nổ ở các khu vực đông dân cư và một tỷ lệ người chết và bị thương là người già, đặc biệt là ở các khu vực gần chiến tuyến.

Họ cũng ghi nhận thiệt hại hoặc phá hủy “106 cơ sở giáo dục và 28 cơ sở chăm sóc sức khỏe”.

Ngoài ra, Liên hiệp quốc đã phỏng vấn 60 người đàn ông Ukraine mới được thả ra khỏi nơi giam giữ của Nga, mà họ đã ở đó từ vài tuần đến gần hai năm.

Các tác giả của phúc trình nhấn mạnh: “Các lời khai của họ củng cố các mô hình tra tấn phổ biến, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục trước đây đối với tù binh Ukraine bị Nga giam cầm, cũng như các điều kiện giam giữ không tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Phúc trình của OHCHR cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024, Liên hiệp quốc đã nhận được tin về 12 vụ việc trong đó ít nhất 32 tù nhân chiến tranh Ukraine bị bắt gần đây đã bị hành quyết.

Liên hiệp quốc cũng cho biết chính quyền chiếm đóng của Nga ở khu vực Donetsk và Luhansk đã gây áp lực buộc nam giới phải nhập ngũ trong lực lượng vũ trang Nga và ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.

Các lực lượng Nga cũng gây áp lực cho cư dân của các vùng lãnh thổ chiếm đóng phải lấy quốc tịch và hộ chiếu Nga, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, thông qua các mối đe dọa và hăm dọa. Một số người mà phái đoàn Liên hiệp quốc phỏng vấn cho biết những người không có hộ chiếu Nga phải đối mặt với những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, chăm sóc sức khỏe và việc làm.

Một số phương tiện truyền thông Ukraine lưu ý rằng phúc trình của Liên hiệp quốc cáo buộc rằng các tù nhân Nga đã bị người Ukraine tra tấn và quân nhân Nga “tạm thời hoặc vĩnh viễn không thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đã bị hành quyết.”

Glavcom.ua, một trang web nổi tiếng của Ukraine đã bị chặn ở Nga trong 10 năm qua, đưa tin rằng Liên hiệp quốc “rất quan tâm đến số phận của quân đội Nga, những người đã đến vùng đất xa lạ để giết người Ukraine”. Trang web lưu ý rằng các tù binh Nga đã được Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên hiệp quốc ở Ukraine phỏng vấn vì “Ukraine, không giống như quốc gia chiếm đóng, đã cấp cho phái đoàn Liên hiệp quốc toàn quyền tiếp cận các trung tâm giam giữ chính thức, nơi các tù binh Nga bị giam giữ.”