Sau khi Thượng viện Canada thông qua kiến nghị chỉ trích ‘cách ứng xử leo thang thù nghịch’ của Trung Quốc trên biển Đông, Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải nói với VOA rằng ông hy vọng bản kiến nghị sẽ khiến Việt Nam hành động để "bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa."
Bản kiến nghị do thượng nghị sỹ gốc Việt thuộc đảng bảo thủ bảo trợ đã được Thượng viện Canada thông qua hôm 24/4 với tỷ lệ 43/29 phiếu.
Kiến nghị được đưa ra từ năm 2016 tuy nhiên chỉ mới được thông qua sau 2 năm tranh luận ở Thượng viện, theo nghị sỹ có nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt tại thành phố Ottawa.
“Trong kiến nghị của tôi, tôi muốn Canada đóng một vai trò chủ đạo trong vấn đề thúc giục các quốc gia tranh chấp trong vùng (biển Đông) phải công nhận luật pháp quốc tế và chấm dứt mọi hành động làm leo thang tranh chấp để bảo vệ nền an ninh trong vùng biển Đông.”
Một ngày sau khi bản kiến nghị được thông qua, Trung Quốc lên tiếng phản pháo, nói rằng kiến nghị không có tính ràng buộc của Thượng viện Canada, kêu gọi chấm dứt các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là “vô trách nhiệm và sẽ "khuấy động rắc rối."
Trong một thông cáo, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa nói nghị sĩ Ngô Thanh Hải đang tìm cách "khuấy động rắc rối" một tình hình đang yên ổn.
Trong những năm qua từ khi TQ tăng cường lấn chiếm biển Đông bằng cách xây dựng các cơ sở quân sự trên biển Đông, không có quốc gia nào đứng ra tiếp tục lên án TQ.Ngô Thanh Hải, Nghị sỹ Canada
Giải thích lý do ông đứng ra bảo trợ kiến nghị này, Thượng nghị sĩ đại diện cho tỉnh bang Ontario cho biết ông muốn thông qua kiến nghị để “yêu cầu chính phủ Canada phải chủ động ủng hộ các quốc gia đồng minh ngoại giao của mình tại vùng Đông Nam Á” vì “chính phủ Canada không thể làm ngơ trước thực tế đang phát sinh từ các cuộc tranh chấp trên biển Đông.”
“Trong những năm qua từ khi TQ tăng cường lấn chiếm biển Đông bằng cách xây dựng các cơ sở quân sự trên biển Đông, không có quốc gia nào đứng ra tiếp tục lên án TQ," theo nghị sỹ Canada. "Họ im lìm để cho các quốc gia có liên quan tại vùng Đông Nam Á phải đương đầu trực tiếp với TQ.”
Đô đốc Mỹ Philip Davidson hôm 17/4 nói Trung Quốc đã “bắt đầu” phát triển các tiền đồn quân sự trên Biển Đông từ tháng 12/2013, và từ đó tới nay đã “bồi đắp xây đảo nhân tạo”, “xây hanga chứa máy bay” và các hệ thống phòng thủ.” Trung Quốc phủ nhận các hoạt động này.
Phillipines từng đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye và tòa án này bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trong đó nước này muốn mưu chiếm hầu như toàn bộ biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đưa ra vào đầu tháng 7/2016.
“Trung Cộng không bao giời chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế La Haye do đó tời giờ phút này vấn đề đó vẫn chưa giải quyết được," Nghị sỹ Canada nhận định với VOA. "Với hành động đó chúng ta thấy rằng Trung Cộng có thể dùng biển Đông để áp lực tất cả các quốc gia trên thế giới. Trung Cộng muốn làm bá chủ vùng châu Á Thái Bình Dương.”
Hy vọng (Đảng) Cộng sản Việt Nam sẽ nhận thấy rõ vai trò của mình đối với nhân dân Việt Nam là không thể nào để mất được Hoàng Sa và Trường Sa.Ngô Thanh Hải, Nghị sỹ Canada
Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, từng phục vụ trong vai trò Thẩm phán Di trú và Quốc tịch tại Ottawa, nói “Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề biển Đông cứ để TQ xâm chiếm và không ai lên án thì TQ sẽ làm tới, chiếm đóng và mặc hồi phân giải.”
Việt Nam, trong chưa đầy 1 năm qua, đã phải 2 lần dừng dự án thăm dò dầu khí trên biển Đông vì áp lực của Bắc Kinh. Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về động thái này nhưng tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam trong 1 lần hiếm hoi đã lên tiếng thừa nhận rằng tình hình căng thẳng trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động dầu khí của tập đoàn trong năm nay.
Gần đây nhất, Trung Quốc lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/4 đã liên tiếng phản đối các động thái này nhưng một số chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định với VOA rằng những lời “phản đối” lập đi lập lại của Việt Nam trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra một vòng “luẩn quẩn”.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, nói với VOA rằng nếu không phản đối, theo luật pháp quốc tế, kể như Việt Nam công nhận những gì Trung Quốc làm là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên đó là một việc làm đương nhiên”.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, động thái “phản đối” của Việt Nam “ sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm.”
Về kiến nghị vừa được thông qua, Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải hy vọng “(Đảng) Cộng sản Việt Nam sẽ nhận thấy rõ vai trò của mình đối với nhân dân Việt Nam là không thể nào để mất được Hoàng Sa và Trường Sa” trên Biển Đông.