Một tàu nghiên cứu thứ nhì của Trung Quốc bị phát hiện gần bờ biển Ấn Độ trong vòng hai tháng, làm tăng thêm lo lắng của New Delhi về khả năng thu thập thông tin tình báo quân sự trong sân sau của Ấn.
Hai siêu cường châu Á này có mối quan hệ không mấy dễ chịu, với tình trạng bế tắc quân sự ở biên giới Himalaya kể từ giữa năm 2020 và cuộc chiến giữa đôi bên vào năm 1962.
Theo một quan chức an ninh Ấn Độ, tàu Hướng Dương Hồng 01 bị phát hiện ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ vào cuối tuần qua. Đây là một tàu nghiên cứu tình báo địa lý và thông tin theo dõi tàu bè.
Vụ việc diễn ra sau khi có một con tàu tương tự cập cảng Maldives vào tháng trước. Cả hai tàu đều thuộc sở hữu của các đơn vị thuộc Bộ tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc.
Bắc Kinh nói hai tàu này thực hiện khảo sát đáy đại dương với lý do khoa học ôn hòa. Trung Quốc bác bỏ mọi lo ngại và cho rằng đó là hành vi gây sợ hãi vô căn cứ. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ lo ngại các tàu này cũng có thể thu thập thông tin có thể hữu ích cho quân đội Trung Quốc, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm.
Ông Damien Symon, một nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Intel, một mạng lưới toàn cầu gồm các chuyên gia tình báo không gian địa lý, cho biết qua X vào tối 10/3 rằng con tàu thứ nhì của Trung Quốc đã đi vào khu vực Vịnh Bengal.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ giấu tên cho hay tàu Trung Quốc đang hoạt động ở phía đông nam thành phố ven biển Vizag của Ấn Độ và đang được “theo dõi tích cực”.
Hải quân Ấn Độ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.
Sri Lanka năm ngoái đã áp đặt lệnh cấm đối với các tàu nghiên cứu nước ngoài. Sau đó, Maldives đã cho phép hoạt động này. Maldives gần đây đã chuyển hướng quan hệ sang Trung Quốc và rời xa Ấn Độ.
Vào tháng 1 năm nay, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ đã bày tỏ quan ngại tương tự như Ấn Độ, nói rằng kiến thức chi tiết về độ sâu, dòng hải lưu và nhiệt độ đại dương là rất quan trọng đối với các hoạt động tàu ngầm ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc.
Một thông tin khác cũng liên quan tới Trung Quốc: Nga vừa loan báo một nhóm tàu chiến của họ đã đến Iran để tham gia cuộc tập trận với Trung Quốc và Iran ở Vịnh Oman và Biển Ả Rập.
Bộ Quốc phòng Nga nói trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước trích dẫn ngày 11/3 rằng cuộc tập trận chung mang tên “Vành đai an ninh hàng hải – 2024” sẽ có sự tham gia của tàu chiến và máy bay.
Bộ này cho biết: “Phần thực tế của cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển Vịnh Oman thuộc Biển Ả Rập”. “Mục đích chính của cuộc diễn tập là nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh tế hàng hải”.
Nga nói nhóm tàu của họ được dẫn đầu bởi chiếc Varyag, một tàu tuần dương phi đạn thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Họ cho biết đại diện của hải quân Pakistan, Kazakhstan, Azerbaijan, Oman, Ấn Độ và Nam Phi sẽ đóng vai trò các quan sát viên.